• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đôi bờ Eo biển Đài Loan-Đại lục "kéo co"

Thế giới 05/02/2019 10:19

(Tổ Quốc) - Căng thẳng hai bờ gia tăng nhưng cũng ở mức lời qua tiếng lại.

Trong 70 năm qua, Bắc Kinh đã thử mọi cánh để giải quyết vấn đề Đài Loan. Lúc thì gây áp lực quân sự, ngoại giao, lúc thì dùng kinh tế hoặc sức mạnh mềm lôi kéo, diễn biến hòa bình, v.v.. Các biện pháp quân sự năm 1958 và 1994 đều bị Mỹ "tháo ngòi". 

Đôi bờ Eo biển Đài Loan-Đại lục kéo co - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế (ECFA) và "ba thông" (thông thương mại; thông vận tải, đặc biệt là hàng không; thông bưu điện và viễn thông) giữa Bắc Kinh với chính quyền Quốc dân đảng (2008-2016) đã chấm dứt với sự phản kháng của Phong trào Hoa Hướng dương năm 2014. Những người biểu tình ý thức rằng hiệp định thương mại và dịch vụ này sẽ gây tổn thương đến nền kinh tế Đài Loan, khiến hòn đảo này dễ dàng bị áp lực chính trị từ Bắc Kinh. Lần đầu tiên trong lịch sử Đài Loan, cơ quan lập pháp bị người dân biểu tình chiếm đóng.

Theo một nhà phân tích Ấn Độ, giấc mơ của Trung Quốc tái thống nhất với Đài Loan đang từng ngày trở nên khó đạt được. Việc Bắc Kinh thiết chặt tự do dân chủ đối với Hong Kong đã gây nghi ngại lớn đối  với mô hình "Một nước hai chế độ".

Ăn miếng trả miếng

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu hẹp không gian quốc tế của Đài Loan được đẩy mạnh với "sáu không" của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc: "Chúng ta không cho phép bất cứ ai, bất cứ tổ chức, bất cứ chính đảng nào chia cắt bất cứ lãnh thổ nào củaTrung Quốc khỏi Trung Quốc vào bất cứ thời điểm nào, dưới bất cứ hình thức nào"; "duy trì đủ năng lực để đánh bại bất kỳ hình thức độc lập nào của Đài Loan". 

Trớ trêu thay, cả Đài Bắc cũng như Bắc Kinh đều đồng thời đề cao chủ trương "Một Trung Quốc". 

Bắc Kinh tiến hành chiến dịch là lôi kéo các đồng minh ngoại giao của Đài Bắc từ bỏ quan hệ với Đài Loan. Từng có thời điểm, Đài Loan được gần 30 quốc gia công nhận; con số đó hiện nay giảm xuống còn dưới 17, với việc gần đây các nước Burkina Faso, Malawi, Cộng hòa Dominica và El Salvador thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Một biện pháp khác, vào năm 2018, có 44 hãng hàng không thế giới được yêu cầu thay đổi mọi cách đề cập về Đài Loan thành "Đài Bắc Trung Quốc" trên các trang mạng của họ. Ngoài ra, Bắc Kinh đang gây sức ép đối với hơn 60 tập đoàn xuyên quốc gia phải làm tương tự như các hãng hàng không. Đài Loan đã trả đũa bằng cách ban hành hướng dẫn các tổ chức phi chính phủ không được sử dụng những từ ngữ như "Trung Hoa, Đài Bắc", "Trung Quốc, Đài Bắc" hoặc "Đài Loan, Tỉnh của Trung Quốc", v.v.. 

Toàn cầu hóa tạo ra cơ hội cho Trung Quốc giành lấy những thứ tốt đẹp nhất từ Đài Loan. Người Đài Loan đã đầu tư hơn 300 tỷ USD vào thị trường Trung Quốc – điều đó đã đóng góp vào sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hơn 2/3 doanh nghiệp Đài Loan, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan, đã đầu tư vào Trung Quốc. Hơn 1.000.000 giám đốc điều hành, các nhà quản lý, các nhà kỹ thuật từ Đài Loan đã chuyển sang làm việc tại Đại lục - là chuyển giao chất xám cho Trung Quốc. Gần đây, Đài Bắc mới nhìn thấy cạm bẫy của việc "đặt tất cả trứng vào một giỏ Trung Quốc" và phát động chính sách Hướng Nam mới tới Đông Nam Á và Nam Á. 

Về chính trị, sau thất bại của đảng cầm quyền Dân tiến (DPP) trong bầu cử thị trưởng tháng 11/2018, bà Thái Anh Văn từ chức chủ tịch DPP. Bà Thái đã nêu "bốn phải" trong bài phát biểu nhân dịp Năm Mới: Trung Quốc phải đối diện với thực tế tồn tại của Trung Hoa Dân quốc; phải tôn trọng lựa chọn của người dân Đài Loan về tự do và dân chủ; phải xử lý hòa bình vấn đề với Đài Loan, trên cơ sở bình đằng; và phải có những thể chế chính thức đàm phán về các quan hệ hai bờ Eo biển.

Quan hệ Đài Loan với Mỹ dưới thời bà Thái Anh Văn dường như đã tăng tiến. Đầu tiên là cuộc điện đàm chưa từng có tiền lệ của bà Thái với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Việc Mỹ ban hành Đạo luật đi lại Đài Loan (Taiwan Travel Act) tháng 3/2018 tạo thuận lợi cho các chuyến thăm qua lại giữa các quan chức hai bên. Mỹ cũng khánh thành một tòa nhà văn phòng mới cho Viện Mỹ tại Đài Loan (thực tế là đại sứ quán Mỹ). Vào ngày cuối cùng của năm 2018, Tổng thống Trump đã ký Đạo luật Sáng kiến trấn an châu Á, nhằm cung cấp vũ khí cho Đài Loan. 

Ngày 2/1, nhân dịp 40 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi thư cho đồng bào Đài Loan, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu nhắc lại những quan điểm lập trường đã nêu trong Thư về "Nhận thức chung 92", "hoà bình thống nhất", "một nước hai chế độ", "tam thông hai bờ". Ông Tập đưa ra tiến trình "hoà bình thống nhất" với 5 nội dung cơ bản: (1) Cùng nhau thúc đẩy phục hưng dân tộc, thực hiện mục tiêu hoà bình thống nhất, thực hiện "giấc mơ Trung Quốc"; (2) Tìm tòi phương án Đài Loan"hai chế độ", làm phong phú thực tiễn hoà bình thống nhất; (3) Kiên trì nguyên tắc "Một Trung Quốc", giữ gìn viễn cảnh hoà bình thống nhất; (4) Đi sâu hòa nhập và phát triển hai bờ, gia cố nền tảng hoà bình thống nhất; (5) Thực hiện hòa hợp tâm nguyện đồng bào, tăng cường sự đồng thuận hoà bình thống nhất. Ông Tập cũng đồng thời tuyên bố không loại trừ biện pháp "phi hoà bình".

Cùng ngày, bà Thái Anh Văn phát biểu phản bác gay gắt. Bà Thái tuyên bố không chấp nhận cái gọi là "Nhận thức chung 92", đó chẳng qua là do đại lục tự định nghĩa; không chấp nhận "Một nước hai chế độ". Bà Thái nói: "Tôi nhấn mạnh một lần nữa là Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận "một nước hai chế độ", đại đa số ý kiến của dân Đài Loan cũng sẽ kiên quyết phản đối "một nước hai chế độ" và đây cũng là "nhận thức chung của Đài Loan".

Bà Thái cũng lên tiếng kêu gọi người Đài Loan, các nhà kỹ thuật, các nhà tư bản, các nhân tài không nghe theo lời dụ dỗ của Trung Quốc hợp tác kinh tế làm lợi cho Trung Quốc, mà phải dốc sức thúc đẩy thực hiện các chính sách, biện pháp "làm cho Đài Loan lớn mạnh", ưu tiên Đài Loan.

Các phát biểu đã gia tăng tỷ lệ ủng hộ cho Thái Anh Văn nói riêng và Đảng Dân tiến nói chung trước bầu cử tổng thống 2020, tuy gây căng thẳng trong quan hệ hai bờ. Nhưng hai bên đều kiềm chế, chỉ lời qua tiếng lại. Vào lúc Mỹ đẩy mạnh chiến dịch chống Trung Quốc, Bắc Kinh không có lợi gì để gây can qua. Đài Loan nếu làm loạn cũng không có lợi gì cho đại cục. Dù sao là một thực thể nhỏ, Đài Loan không thể "viễn giao cận công" mà giành thượng phong./.

Lưu Việt

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ