(Tổ Quốc) - Lễ mật của hội Trò Trám bị quay rồi phát ra đại chúng, hàng trăm người dân tạo dáng để chụp ảnh với Tàng thinh, tranh cướp lộc… những biểu hiện cho thấy, người tham gia lễ hội đang thiếu những kiến thức cơ bản để biết những kiêng kỵ, biến lễ hội linh thiêng thành trò lố.
Mới đây, hình ảnh hàng trăm người dân, nam nữ mọi lứa tuổi, tạo dáng đủ kiểu với "Tàng thinh" được truyền tải trên báo chí và mạng xã hội khiến nhiều người nếu trót xem phải đỏ mặt. Đáng ngại hơn, chính thành phần tham dự là đại biểu lại thể hiện những động tác phản cảm trong lễ hội.
Hay trong lễ mật Hội Trò Trám (Phú Thọ), nghi thức cho hai sinh thực khí chạm vào nhau phải thực hiện trong đêm tối, nhưng những người được vào trong đình, đua nhau bật đèn flast để chụp ảnh, quay phim.
Những cách tham gia lễ hội này thật đáng lên án.
Hình ảnh phản cảm của một vị "đại biểu" tham gia lễ hội Ná Nhèm 2019 (ảnh mạng xã hội fb)
Lễ hội có hai phần đó là phần lễ và phần hội. Phần lễ của các lễ hội truyền thống phải được thực hiện theo nghi lễ xưa, đảm bảo tính trang nghiêm, linh thiêng. Nhưng hiện nay, rất nhiều người nhầm lẫn rằng lễ hội là chỉ có vui chơi mà quên đi phần lễ rất trang nghiêm, thành kính.
"Với những hành động như đánh nhau,tranh cướp lộc ngay tại lễ thì tôi nghĩ là không có lễ gì cả, chỉ có hội thôi. Mà hội kiểu bát nháo như thế thì cũng chẳng phải là truyền thống của dân tộc"- PGS.TS Trần Lâm Biền nhận định.
Ông Biền cũng cho rằng, phần lễ của lễ hội, cần đảm bảo tính thiêng. Những hành động như cướp, giành giật, chụp ảnh, quay phim trong không gian thiêng ấy làm cho tính thiêng bị triệt tiêu. Khi tính thiêng bị triệt tiêu thì tính cộng cảm và cộng đồng tốt đẹp trong lễ hội cũng mất.
Ở lễ hội Ná Nhèm, tương truyền, xưa kia họ Mạc chạy trốn đến vùng đất này phải đổi thành họ Hoàng và Bế để tránh họa tru di, truy sát của Lê Trịnh. Vì thế hơn 150 trai tráng của 6 thôn trong cửa đình Làng Mỏ được chọn tham gia lễ hội đều thực hiện nghi lễ bôi nhọ lên mặt theo tục lệ "giấu mặt đổi họ", có nghĩa "để không ai biết là con cháu họ Mạc".
Lễ vật cúng tế được chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó rất lâu gồm ống nước tiên lấy từ giếng Mỏ Vằn, cây thiên tuế, cây ngô, lúa, khoai sọ và cây bông vải, trong đó quan trọng nhất là Tàng thinh - Mặt nguyệt, hai sinh thực khí thể hiện sự sinh sôi nảy nở để cung tiến vua.
Chen lấn cướp chiếu tại lễ hội Đúc Bụt (ảnh Zing.vn)
Đặc biệt Tàng thinh trước đây chỉ là khúc gỗ đẽo tượng trưng cho sinh thực khí nam thì càng ngày càng làm công phu, tạo hình chi tiết giống thật, thu hút sự chú ý của người xem. Tuy nhiên, những hình ảnh tạo dáng phản cảm tại lễ hội đã khiến dư luận bức xúc.
Sự lố lăng của người tham gia lễ hội Ná Nhèm nói riêng và những hình ảnh không đẹp tại lễ hội được PGS. TS Bùi Hoài Sơn lý giải: "Các lễ hội, bản chất là của cộng đồng, dành cho cộng đồng, có ý nghĩa với cộng đồng và linh thiêng với cộng đồng. Bây giờ, sự tham gia của những người không phải ở cộng đồng đó mà ở nơi khác đến làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hành lễ hội, làm cho nhiều lễ hội bị méo mó. Sự tham gia của những đối tượng ngoài cộng đồng vào lễ hội khiến xuất hiện nhiều hành vi phảm cảm trong lễ hội".
Lý do của những hiện tượng phản cảm này, theo ông Sơn, do lễ hội truyền thống có thời gian bị đứt đoạn, nên khi tổ chức trở lại thì một số lễ hội không được giữ đúng bản chất lễ hội truyền thống nữa, trong đó có tính thiêng. Ông Sơn cũng nhấn mạnh, tính thiêng là hạt nhân quan trọng, là yếu tố tạo sự hấp dẫn, độc đáo của lễ hội truyền thống.
Cần nâng cao ý thức người tham gia lễ hội để có hành động đúng đắn (ảnh mạng xã hội fb)
Theo ông Bùi Hoài Sơn, cần có sự nhận thức đúng đắn hơn về việc tham gia vào các lễ hội. "Trước khi tham gia vào bất cứ sinh hoạt văn hóa nào, đặc biệt là các lễ hội mỗi người cần có những hiểu biết về các sự kiện đó, để có sự tham gia đúng đắn, giúp cho sự phát triển văn hóa nói chung được tốt hơn".
Cùng với sự nâng cao ý thức người dân tham gia lễ hội, theo ông Bùi Hoài Sơn, cần tôn trọng một nguyên tắc cơ bản, lễ hội là của các cộng đồng thì họ có quyền giữ gìn truyền thống văn hóa của họ, có quyền không để người khác xâm phạm vào các sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng của họ. "Trước kia, các lễ này là lễ mật, là cấm kỵ của cộng đồng. Bây giờ, người dân ở các nơi khác đến tham gia nhiều quá, khiến các lễ mật bị lộ ra ngoài. Điều đó không tốt cho cộng đồng"- Ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, hiện có những lễ hội mà cộng đồng muốn thể hiện lễ mật của mình ra cho người ngoài, để "câu khách", có thêm nhiều người ngoài đến dự, họ có thêm lợi ích kinh tế. Ông Sơn khẳng định: "Lễ hội nên giữ như nó vốn có, dành cho cộng đồng. Người ngoài cộng đồng nên tôn trọng bí mật, tính thiêng của lễ hội đó. Như thế, sẽ không có những hình ảnh phản cảm như vừa qua"./.