• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu chiến Syria: Ông Putin, Assad tiến tới hồi kết?

Thế giới 22/11/2017 14:13

(Tổ Quốc) - Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã ra tín hiệu quan trọng cho thời kì hậu chiến Syria.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có chuyến thăm bất ngờ tới Nga để gặp Tổng thống Vladimir V. Putin ngay trước thềm các cuộc đàm phán mới để kết thúc nội chiến Syria chuẩn bị diễn ra.

Chuyến thăm của ông Assad ngày 20/11 tới Sochi của Nga chỉ được công bố vào ngày 21/11, một ngày trước khi diễn ra các cuộc họp thượng đỉnh ngay tại đây giữa lãnh đạo của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga – các bên đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tiến trình ngoại giao với Syria.

Đáng chú ý, đây là chuyến thăm thứ hai của ông Assad ra nước ngoài kể từ cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011 và đều tới Nga. Tổng thống Syria đã thăm Moscow vào năm 2015, ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch không quân tại nước này.

Và chuyến thăm tới Sochi lần này diễn ra khi các đồng minh chính của Syria tại khu vực - Iran và Hezbollah của Lebanon, đã tuyên bố  đánh bại IS tại căn cứ lớn nhất còn lại ở Syria, Bukamal, gần biên giới Iraq.

Tại cuộc gặp, cho biết "hoạt động quân sự đang thực sự sắp kết thúc", ông Putin nói với ông Assad rằng đã tới lúc phải xúc tiến việc hướng tới giải pháp chính trị lâu dài.

Cuộc hội đàm giữa hai  ông Putin và Assad có những tín hiệu quan trọng cho xung đột Syria.

Các quan chức Nga nói rằng mục tiêu của họ là đảm bảo ông Assad ủng hộ một tiến trình chính trị chấm dứt cuộc xung đột Syria sáu năm qua. Tuy nhiên, ông Assad vẫn luôn hạn chế việc thỏa hiệp với các lực lượng đối lập Syria, và vẫn còn nghi ngờ về việc Nga sẵn sàng hoặc có khả năng tới đâu để khiến chính quyền Syria chấp nhận những thay đổi.

Những chiến dịch song song do Nga và Mỹ dẫn đầu chống IS đã đóng góp phần lớn vào việc làm tan rã các vùng lãnh thổ của IS. Tuy nhiên, giải pháp cơ bản để giải quyết xung đột vẫn không rõ ràng.

Xung đột lợi ích lãnh thổ Syria

Nhiều nhóm nổi dậy không liên kết với IS vẫn chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ gần thủ đô Damascus của Syria; ở các tỉnh phía bắc Aleppo và Idlib; và dọc biên giới với Jordan. Hàng chục ngàn người đang bị mất tích trong khi 12 triệu người Syria – chiếm nửa dân số, đã phải đi tị nạn.

Ngày 21/11, Mạng lưới Nhân quyền Syria - nhóm theo dõi các tổn thất chiến tranh thông qua cơ sở dữ liệu nạn nhân được nhận dạng, cho biết kể từ tháng 3/ 2011, ít nhất 26.446 trẻ em đã bị giết hại trong cuộc xung đột Syria.

Theo quan điểm của Nga, ông Putin nói với ông Assad: "Điều chính yếu là chuyển sang các quá trình chính trị. "Tôi vui mừng nhìn thấy sự sẵn sàng của ông để làm việc với tất cả các bên hướng tới thiết lập hòa bình và tìm ra các giải pháp."

Hiện tại, Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế khác phần lớn nhất trí về yêu cầu rằng:  Tổng thống Assad trước hết phải từ chức và họ sau đó sẵn sàng chấp nhận tiến trình chuyển đổi chính trị để ông Assad có thể cầm quyền trong một khoảng thời gian nữa. Tuy nhiên, nhiều phe nổi dậy và các nhóm đối lập chính trị không chấp nhận được điều này, trong khi đó, ông Assad đã bị buộc tội trong các tòa án châu Âu về việc chỉ đạo các hoạt động phạm tội ác chiến tranh quy mô lớn.

Riad Hijab, lãnh đạo của nhóm đàm phán phe đối lập đã tham dự các cuộc đàm phán kéo dài do Liên Hiệp Quốc tại Geneva bảo trợ, đã tuyên bố từ chức cùng với bảy thành viên khác trong ủy ban – động thái cho thấy họ đang phải chịu nhiều sức ép vượt quá những điều họ sẵn sàng thỏa hiệp.

Các phương tiện thông tin đại chúng của Nga cũng cho biết Điện Kremlin ủng hộ các nỗ lực của Saudi Arabia – đã tổ chức nhóm họp các lực lượng đối lập và tái cơ cấu lực lượng đối lập này – có lẽ là một nỗ lực để thành lập một ủy ban với các nhân sự mới. Một vòng đàm phán Geneva mới được dự kiến sẽ bắt đầu vào thứ ba tới.

Ông Putin cũng đã lên kế hoạch tổ chức Đại hội dân tộc Syria tại Sochi vào ngày 2/ 12. Chương trình ban đầu cho cuộc họp này kêu gọi sự tham gia của 33 nhóm đối lập Syria, cũng như các nhóm người Kurd – đánh dấu một phạm vi rộng hơn quá trình Geneva. Cuộc họp này đã được hoãn lại một lần do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc mời các nhóm người Kurd mà họ cho là liên minh với lực lượng ly khai người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Một vấn đề vẫn còn chưa được giải quyết là số phận của các khu vực do các lực lượng người Kurd SDF do Mỹ hỗ trợ chiếm giữ được từ tay IS. Chính phủ Syria trước đó đã tuyên bố sẽ chiến đấu để giành lại những lãnh thổ này.

Tin cậy vai trò bảo trợ Nga?

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất, theo Neil Hauer, một chuyên gia về sự liên quan của Nga tại Syria, là "sự thất vọng của lực lượng đối lập đối với Nga trong vai trò một bên trung gian công bằng cho một thỏa thuận về Syria".

Nga đã tiến hành một quá trình hòa đàm song song với Geneva, diễn ra tại Astana, Kazakhstan –cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, điều theo ông Hauer viết, phần lớn như một nỗ lực của các quốc gia này "nhằm gây ảnh hưởng về chính sách của họ đối với Syria".

Một số lực lượng nổi dậy Syria tham gia vào cuộc đàm phán này nói rằng họ có ít lựa chọn. Kết quả chính của các cuộc đàm phán ở Astana là việc thiết lập bốn khu vực giảm leo thang nhằm làm dịu bạo lực. Tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động tấn công hạng nặng vẫn tiếp tục diễn ra.

Hồi kết Syria chưa điểm

Cũng trong hôm 21/11, Tổng thống Hassan Rouhani của Iran đã tuyên bố "sự kết thúc" IS và chúc mừng các dân tộc của Syria, Irac và Lebanon cũng như Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc chiến ở Iraq và Syria.

Những tuyên bố trên được ông Hassan Nasrallah, lãnh đạo Hezbollah hoan nghênh. Trong khi đã gửi nhiều tướng lĩnh tới Iraq để hỗ trợ chống IS, Hezbollah đã đóng một vai trò lớn hơn và nổi bật hơn ở Syria. Sức mạnh, ảnh hưởng và vũ khí mới thu được trong tiến trình này của Hezbollah đã làm rung chuyển khu vực – điều khiến Saudi Arabia có những bước đi quyết liệt hơn để đẩy lùi.

Ông Nasrallah nói rằng các tay súng của ông sẽ rời Iraq nếu tình hình chiến sự không còn cần đến họ nữa. Tuy nhiên, như Hoa Kỳ đã nhiều lần cho hay, việc tuyên bố sứ mệnh đã hoàn thành ở Iraq không có nghĩa là cuộc chiến đã kết thúc.

Theo The New York Times (NYT), các tuyên bố về chiến thắng quân sự hiện nay cũng có thể là quá sớm: nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã mất nhiều lãnh thổ, nhưng các tay súng này vẫn là một mối đe dọa tiềm ẩn và các nhóm vũ trang đối lập vẫn chiếm được nhiều khu vực quan trọng của đất nước.

(Theo NYT)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ