• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Hiến kế” để Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Du lịch 31/01/2017 00:00

(Tổ Quốc)-Sự ra đời Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn mới đây được xem là 'kim chỉ nam' giúp du lịch Việt bứt phá trong thời gian tới. Các chuyên gia du lịch đã hiến kế về những việc cần làm ngay để đưa Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. (Tổ Quốc)-Sự ra đời Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn mới đây được xem là kim chỉ nam giúp du lịch Việt bứt phá trong thời gian tới. Các chuyên gia du lịch đã hiến kế về những việc cần làm ngay để đưa Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam: Tập trung nguồn lực cho phát triển Du lịch

"Trong những năm gần đây, ngành Du lịch được Đảng, Nhà nước quan tâm hơn rất nhiều trên mọi khía cạnh, từ vấn đề đưa ra chính sách, chủ trương phát triển du lịch; chỉ đạo các cơ quan quản lý du lịch các cấp... Một trong những vấn đề quan trọng nhất đã làm được là thay đổi nhận thức của cộng đồng về việc du lịch là một ngành kinh tế. Nhiều nước đã lấy ngành du lịch để khắc phục giai đoạn khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế, vì vậy tôi thấy việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là một chủ trương rất đúng, có thể tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, công ăn việc làm cho người dân, đồng thời khai thác một cách hiệu quả các tài nguyên du lịch Việt Nam.

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam

Muốn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch cần phấn đấu tăng trưởng với mục tiêu tăng trưởng trên 20% trong vòng 5 năm nữa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam gần như gấp đôi, khoảng 15-16 triệu khách, đóng góp cho nền kinh tế quốc dân khoảng 10-12% GDP. Mục tiêu đó hoàn toàn khả thi khi chúng ta tập trung nguồn lực cho phát triển du lịch. Đầu tiên là quan tâm đến phát triển hạ tầng cơ sở, thứ hai là nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng và điều quan trọng nhất là sự tham gia của cộng đồng dân cư tại địa phương và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành đối với du lịch. Nếu làm được những điều đó, chắc hẳn du lịch sẽ có đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới".

Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtours: Trước hết cần phải xem Du lịch như một ngành kinh tế

"Theo tôi được biết thì chúng ta đang xem xét Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, vậy muốn Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì khi sửa luật, chúng ta cũng phải coi Du lịch là một ngành kinh tế thực sự và phải phát triển như thế nào? Bởi lẽ khi sửa luật là chúng ta định hình, xây dựng hướng đi cho một ngành nào đó. Nếu chưa có định hướng thì chúng ta rất khó xây dựng Luật.

Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtours

Ngoài ra, muốn phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nhà nước cần chủ trương đầu tư cho các quy hoạch phát triển du lịch. Theo tôi, có ba loại quy hoạch: Thứ nhất, quy hoạch vùng du lịch, trong đó quy định rõ chúng ta tập trung phát triển du lịch những vùng nào, địa phương nào. Không phải tỉnh nào cũng phát triển du lịch. Du lịch, ai cũng làm được nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm. Thứ hai là quy hoạch sản phẩm du lịch như thế nào? Du lịch rất đa dạng nhưng chỉ nên tập trung vào những sản phẩm thế mạnh. Thứ ba là quy hoạch thị trường du lịch trọng điểm.

Đặc biệt, phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp... Chúng ta phải đi từng bước, đừng yêu cầu phát triển du lịch mà gắn với tên một con người cụ thể, một cộng đồng cụ thể mà phải đi từ chính sách từ trên xuống".

Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist: Cần thay đổi bắt đầu từ những vấn đề còn tồn tại của ngành Du lịch

"Trước hết, để Du lịch trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn thì phải bắt đầu từ những vấn đề tồn tại, không thích cũng bắt buộc phải làm. Tại sao ta kém, kém như thế nào phải chấn chỉnh, sửa chữa thì mới có thể phát triển được.

Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist

Dư âm của “Hội nghị Diên hồng” về Du lịch ở Hội An vẫn còn đó. Thực ra Du lịch mấy năm gần đây luôn là điểm sáng của nền kinh tế, nhưng chưa thực sự tỏa sáng vì chưa thực sự nhận được sự ủng hộ nhiều từ các ngành khác, như người ta vẫn ví Du lịch như “ngôi sao cô đơn”. Do vậy, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại “Hội nghị Diên hồng” về Du lịch, các bộ, ngành phải tâm phục khẩu phục và đồng thuận thực hiện theo. Đó là điều chúng tôi kỳ vọng nhất, không phải chỉ cho ngành Du lịch mà là cho nền kinh tế nói chung.

Ví dụ, Thủ tướng đã chỉ ra rằng: tại sao Hội An không có ăn mày, ăn xin mà các tỉnh khác vẫn có? Có nghĩa đó không phải chuyện không làm được, chỉ là không biết cách làm hoặc không quan tâm thực hiện. Hay như câu chuyện về nhà vệ sinh dành cho khách du lịch, công trình nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, phụ nhưng lại rất chính. Đây là những việc hoàn toàn có thể làm được mà cái đó không phải là vấn đề của riêng du lịch mà các bộ, ngành, địa phương phải cùng chung sức. Khi Du lịch phát triển thì nhiều ngành kinh tế khác cũng cùng phát triển".

Ông Nguyễn Hồng Đài – Tổng Giám đốc APT Travel: Đẩy mạnh quảng bá du lịch tại nước ngoài

"Từ “Hội nghị Diên Hồng” tại Hội An, tôi rất tin tưởng vào sự thay đổi của Du lịch trong thời gian tới. Tại thời điểm này, ngành Du lịch đạt được nhiều cái, việc đầu tiên là chúng ta đã có được Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Thứ hai là visa điện tử. Thứ ba, quan trọng nhất là Chính phủ và các bộ ngành đã đồng ý với quan điểm và thay đổi tư duy nhận thức Du lịch là ngành Kinh tế mũi nhọn. Đó là ba vấn đề cốt lõi mà “Hội nghị Diên Hồng” tại Hội An đã làm được. Dĩ nhiên, DN còn mong muốn rất nhiều, nhưng cần có thời gian, chúng ta không thể yêu cầu Chính phủ làm gấp gáp được.

Ông Nguyễn Hồng Đài - Tổng Giám đốc Công ty APT Travel

Những điều chúng ta có thể làm được luôn cho ngành Du lịch là: Tạo ra các tiêu chuẩn cơ bản cho các điểm thăm quan du lịch; Đồng bộ hoá dịch vụ cho du lịch: Các điểm du lịch cần phải có bãi đỗ xe, có chợ để bán đồ lưu niệm cho khách du lịch… Đặc biệt, chúng ta đã có Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch rồi thì cần đầu tư hơn cho công tác xúc tiến quảng bá, đặc biệt là quảng bá ở các thị trường quốc tế để thu hút du khách, thu hút ngoại tệ vào Việt  Nam…

Các vấn đề khác như: đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất, hệ thống pháp lý, các bộ tiêu chuẩn, nguồn nhân lực… rất quan trọng nhưng cần có thời gian. Hiện nay, dịch vụ du lịch ở Việt Nam vẫn đáp ứng được cơ bản được nhu cầu của du khách. Vấn đề của chúng ta là chưa thu hút đông du khách vào, nên cần làm thế nào để thu hút du khách vào"./.

Lâm Minh

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ