• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV)”

Du lịch 06/02/2020 16:17

(Tổ Quốc) - Chiều 5-2, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV)”

Hội nghị có sự tham gia của các Sở Du lịch, Sở VHTTDL địa phương, HHDL địa phương và hàng trăm doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, vận chuyển… trên cả nước và đại diện các cơ quan báo chí. Hội nghị nhằm đưa ra những hành động, việc làm cụ thể để giảm thiểu các tác động xấu của dịch tới hoạt động du lịch, nhanh chóng khôi phục thị trường.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV)” - Ảnh 1.

Ảnh: Báo Văn hóa

Theo HHDL Việt Nam, dịch bệnh do nCoV hiện nay không chỉ làm thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng mà còn trực tiếp làm suy giảm lượng khách, gây tổn thất cho ngành Du lịch. Tại Việt Nam, mặc dù tháng 12 năm 2019 và tháng 1 năm 2020 có tốc độ tăng trưởng rất cao nhưng do ảnh hưởng của dịch nCoV, lập tức cuối tháng 1 và đầu tháng 2.2020 lập tức rơi vào khủng hoảng. Tình trạng khách hủy tour, hủy phòng khách sạn, không lên kế hoạch đi du lịch, hoãn dịch vụ liên tiếp tăng lên trên khắp cả nước. ước tính, thiệt hại đối với ngành Du lịch có thể lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.

Có những doanh nghiệp lữ hành bị 10.000 khách hủy tour, có những công ty du lịch khách giảm tới 90%, có những khách sạn 4-5 sao mấy trăm phòng không có nổi 25 khách để làm ăn sáng tự chọn. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc vì không có khách.

Đặc biệt, mối nguy hiểm do dịch nCoV gây ra đã buộc nhiều quốc gia hành động quyết liệt nhiều đường bay Việt Nam- Trung Quốc của các hãng hàng không không thể tiếp tục duy trì do đó nhiều khách du lịch Trung Quốc hiện nay đang còn mắc kẹt ở một số điểm đến của nước ta như: Khánh Hòa, Đà Nẵng… Các doanh nghiệp du lịch vừa phải gồng mình phóng chống dịch, vừa phục vụ khách, vừa giải quyết các tình huống phát sinh.

Đại diện HHDL Việt Nam đưa ra một thực trạng buồn: Nhiều khu, điểm du lịch đã trở thành "sa mạc", thậm chí còn ảnh hưởng xấu hơn so với dịch SARS cách đây 17 năm. Dịch bệnh theo dự báo có thể sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục được trong vòng vài tháng tới. Do vậy, có thể xem đây là một cuộc khủng hoảng, tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch.

Trước những thiệt hại này, đại diện các Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp, phù hợp với từng địa phương trong việc phòng, chống dịch và quan trọng hơn là giải pháp để ổn định lại thị trường cũng như khôi phục ngành Du lịch ngay khi hết dịch.

Hà Nội mới dẫn lời Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh, ngành Du lịch Việt Nam cần xây dựng kế hoạch, xúc tiến lại các thị trường trong nước và quốc tế, trong đó đặc biệt thúc đẩy du lịch nội địa. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần quan tâm tới việc giữ gìn lực lượng nhân sự trong giai đoạn khủng hoảng thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, đổi mới công tác quản lý…

"Thời điểm này, việc tính toán các phương án hồi phục thị trường là vấn đề cấp thiết nhất của ngành Du lịch. Việc làm này đòi hỏi sự chung tay của tất cả địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển trong cả nước", ông Vũ Thế Bình nhận định.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ