• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Hồ hởi” gặp gỡ Nga-Mỹ: Chia rẽ và nghi ngờ

Thế giới 27/06/2017 09:37

(Tổ Quốc) - Gặp gỡ song phương đầu tiên giữa hai Tổng thống Trump và Putin đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều ngay trong lòng nước Mỹ.  

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 7 tới đây sẽ chứng kiến lần gặp gỡ đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi nhiều quan chức Washington tin rằng, Mỹ cần phải duy trì khoảng cách với Nga trong giai đoạn nhạy cảm này (khi cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn đang diễn ra), thì Tổng thống Trump và một vài người khác đã không ngừng thúc đẩy một cuộc gặp gỡ song phương “chỉn chu”. Hãng AP dẫn lời một nguồn tin trong chính phủ cho biết, ông Trump liên tục kêu gọi sự chú ý của truyền thông và tiến hành các thủ tục liên quan đến khả năng gặp gỡ (giữa hai bên), bất chấp nhiều nhân sự trong Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia mong muốn Tổng thống tỏ ra “kiềm chế”.

Một số cố vấn thậm chí đưa đề nghị: thay vào đó, Tổng thống chỉ nên tổ chức một cuộc gặp gỡ không chính thức, hoàn toàn mang ý nghĩa bên lề hội nghị; hoặc hai phái đoàn Nga và Mỹ tiến hành “các cuộc nói chuyện chiến lược” – thông thường sẽ không liên quan đến các Tổng thống.

Sự chia rẽ trong chính quyền Mỹ cho thấy nhiều lập trường khác nhau về chính sách đối với Nga vẫn đang cùng tồn tại ngay giữa lòng Washington. Trong lúc này, ông Trump vẫn tỏ ra khá hào hứng và nỗ lực để phát triển mối quan hệ với Moscow.

Hôm thứ Hai (26/6), phát ngôn viên của Tổng thống Putin, Dmitry Peskov, cho biết, “khía cạnh nghi lễ chỉ là thứ cấp.” Hai nhà lãnh đạo sẽ cùng tham dự một sự kiện, vào cùng một thời gian và tại cùng một địa điểm, ông Peskov nói, “do đó, thế nào cũng có cơ hội gặp gỡ.” Tuy nhiên, chi tiết cụ thể hơn về cuộc gặp mặt không được tiết lộ.

Lợi và hại của gặp gỡ song phương Nga – Mỹ

Hãng tin AP đánh giá, một cuộc gặp mặt song phương cũng có thể đem lại nhiều lợi ích. Trước tiên, trực tiếp gặp gỡ có thể khiến hai bên trở nên thoải mái hơn, và trong nhiều trường hợp, giúp xoá bỏ những “gút thắt” khó nói hết qua điện đàm… Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố, ông có thể thay thế những tổn hại trong mối quan hệ Nga – Mỹ dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, đặc biệt trong các vấn đề như cuộc chiến Syria.

Tuy nhiên, những nguy cơ cũng sẽ không hề ít. Ông Trump nổi tiếng là một người khó đoán, thậm chí là tuỳ hứng, vì vậy, khả năng ông mắc sai lầm ngoại giao hoàn toàn có thể xảy ra. Trong cuộc gặp gỡ với các nhà ngoại giao Nga tháng trước, ông chủ Nhà Trắng đã tiết lộ thông tin tối mật do phía Israel cung cấp về lời đe doạ tấn công hàng không của một nhóm khủng bố. Nhà Trắng bào chữa rằng, những gì Tổng thống nói ra là “hoàn toàn phù hợp”.

Tổng thống Trump liệu có "lỡ lời" trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp đến từ nước Nga? (ảnh: AP)

Ngoài ra, nhiều nhà quan sát cảnh báo, Tổng thống Putin không phải là một nhà lãnh đạo đơn giản. Theo Oleg Kalugin, một cựu sỹ quan của KGB cho biết, ông Putin “có nhiều ưu tiên hơn” khi thảo luận với người đồng cấp Trump, chứ không chỉ là lời cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Những ưu tiên đó có thể bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga, tăng giá dầu, hay cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào năm sau. “Ông Putin biết cách dẫn dắt một cuộc đối thoại theo hướng mình muốn,” Kalugin nói.

Nina Khrushcheva, một giáo sư về nước Nga tại trường New School nhận định, ông Trump đang ở trong một “vị thế bất khả thi”.

“Ông ấy không thể cư xử quá tốt với ông Putin, bởi vì nếu vậy, người ta có thể hiểu rằng, ông ấy có một mối quan hệ đặc biệt với Nga,” bà Khrushcheva cho biết. “Ông ấy cũng không thể quá khó khăn bởi vì ông Putin có quyền lực và cách nghĩ của KGB. Vì vậy, ông Trump cần có một mối quan hệ tốt với ông Putin, nhưng cũng phải thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử về một mối quan hệ cải thiện với Nga.”

Nhà Trắng thông báo, quyết định cuối cùng về cuộc gặp gỡ vẫn chưa được đưa ra, tuy nhiên từ chối bình luận trước thông tin đang có nhiều ý kiến trái chiều trong chính phủ liên quan đến vấn đề này.

Các cuộc gặp gỡ song phương diễn ra khá thường xuyên trong các Hội nghị thượng đỉnh như G20, khi nhiều nhà lãnh đạo thế giới và đội ngũ cố vấn cùng tụ họp tại một địa điểm. Thông thường, nội dung của các cuộc gặp gỡ thường được lên kế hoạch rõ từng chi tiết, từ cách các nguyên thủ bắt tay cho đến cách họ nhìn nhau, và những lời họ phát ngôn.

Lần gặp gỡ song phương Nga – Mỹ gần đây nhất diễn ra vào năm 2015 giữa ông Putin và Tổng thống Barack Obama. Cuộc gặp bắt đầu bằng một màn bắt tay được đánh giá là khá gượng gạo, và kết thúc bằng những quyết định mới ảnh hưởng đến cuộc xung đột Syria.

Bất đồng không chỉ về cuộc gặp

Sự bất đồng giữa ông Trump và các cố vấn trong Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia về vấn đề Nga dường như sâu sắc hơn nhiều so với những tranh luận về một cuộc gặp hai bên tại Hội nghị G20.

Một cựu quan chức giấu tên tiết lộ, nhiều nhân viên ngoại giao tỏ ra không hài lòng về việc Nhà Trắng không áp dụng một cách tiếp cận thận trọng hơn đối với Nga.

Tổng thống Trump cần phải trực tiếp “nói với Putin, ‘Chúng tôi không vui vì ông đã can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi,’” Steven Pifer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine nói. “Nếu anh không nói như vậy, anh sẽ bị vùi dập bởi truyền thông và Quốc hội; đảm bảo rằng sau đó Quốc hội sẽ chính thức thông qua các lệnh trừng phạt chống lại Nga.”

“Họ [ông Trump và các cộng sự] cũng cần phải giữ cho những kỳ vọng của mình ở mức rất, rất thấp,” Pifer cho biết thêm.

(Theo AP)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ