• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lo sợ Nga, các láng giềng phía bắc “cứng rắn” trong e dè

Thế giới 09/04/2018 21:23

(Tổ Quốc) - Vụ tấn công Salisbury khiến các nước láng giềng Bắc Âu và Baltic của Nga khẩn cấp tìm kiếm biến pháp đối phó với Moscow.

Vào giữa thời điểm mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây không ngừng leo thang căng thẳng, những láng giềng châu Âu gần gũi nhất của Nga đang sử dụng những biện pháp quân sự và tài chính cứng rắn hơn, để gửi gắm thông điệp tới Tổng thống Vladimir Putin.

Trong một cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng vào tuần trước, các Tổng thống Estonia, Latvia và Lithuania đã yêu cầu Tổng thống Donald Trump làm nhiều hơn, nhằm ngăn chặn Nga - cụ thể là tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Âu.  

Tuy nhiên, có vẻ như ông Trump không muốn đưa ra một câu trả lời rõ ràng.

“Hòa hợp với Nga là một điều tốt, không phải là điều xấu,” Tổng thống Mỹ nói. “Giờ đây, chúng ta có thể hòa hợp, hoặc có thể là không”.

Trang Politico nhận định, các nước vùng Baltic và các láng giềng Bắc Âu -  đặc biệt Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan – đang đánh cược vào kịch bản thứ hai.

Vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại Salisbury, Anh, tháng trước, đã đưa Nga trở thành chủ đề nổi bật nhất trong chính sách đối ngoại của nhiều cường quốc phương Tây. Tuy nhiên, đối với các quốc gia Bắc Âu và Baltic, đây không phải là điều quá mới mẻ.

Estonia, Latvia, Lithuania, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan đều tham gia vào làn sóng trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga, nhằm đáp trả lại vụ tấn công Salisbury. Bản thân các nhà lập pháp của họ cũng đang tìm kiếm các biện pháp tiếp theo, để tăng cường phòng thủ trước Moscow.

 Tổng thống Raimonds Vējonis của Latvia, Tổng thống Kersti Kaljulaid của Estonia, Tổng thống Dalia Grybauskaitė của Lithuania and Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 3/4/2018.

Tháng sau, chính phủ Đan Mạch sẽ bắt đầu xem xét việc thông qua một đạo luật trừng phạt, hướng tới tài sản của các quan chức Nga bị cáo buộc là có liên quan tới các vụ tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

Quan hệ giữa Copenhagen và Moscow đang bị xói mòn trong thời gian gần đây. Năm 2015, Đại sứ Nga tại Đan Mạch từng phát biểu, nếu Đan Mạch tham gia lá chắn phòng thủ tên lửa của NATO, các tàu chiến nước này sẽ trở thành “mục tiêu của tên lửa hạt nhân Nga”. Hai năm sau đó, Bộ Quốc phòng Đan Mạch tố cáo, các hacker người Nga đã thâm nhập vào hệ thống của mình…

 “Chúng tôi chứng kiến tất cả những gì đã xảy ra,” Aastrup Jensen, , một nghị sỹ và phát ngôn viên đối ngoại của Đảng cầm quyền Tự Do nói. “Vì vậy, vụ tấn công chất độc tại Anh đơn giản chỉ là một bước đi quá xa”.

Copenhagen muốn kêu gọi hình thành một đạo luật trừng phạt Nga, có quy mô toàn châu Âu. Tuy nhiên, nếu điều đó thất bại, theo ông Jensen, Đan Mạch gần như chắc chắn sẽ thông qua đạo luật riêng và đang nhận được sự tán thành rộng rãi từ giới chính trị nước này.

Động thái tương tự cũng đang diễn ra tại Thụy Điển, nơi liên minh bốn đảng đối lập do Đảng Trung hữu dẫn đầu, đã ủng hộ một phiên bản Thụy Điển của Đạo luật Magnitsky. Họ coi đó là một trong những nền tảng tranh cử của mình trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào tháng Chín sắp tới.

Đạo luật Magnitsky được ký bởi Tổng thống Barack Obama vào ngày 14/12/2012, với ý định trừng phạt các quan chức Nga chịu trách nhiệm về cái chết của luật sư người Nga Sergey Magnitsky trong nhà tù Moscow năm 2009. Kể từ năm 2016, các phiên bản “địa phương” của Magnitsky đã được áp dụng tại Canada và ba quốc gia Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania.

Sự bình thường mới

Những động thái quân sự của Nga trong thời gian gần đây đã khiến các nước láng giềng không ngừng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Năm ngoái, NATO đã tiến hành triển khai quân tới các nước Baltic và Ba Lan. Phần Lan và Thụy Điển, mặc dù không phải thành viên của NATO, cũng đã gia tăng ngân sách quốc phòng và ký kết các thỏa thuận, cho phép NATO hoạt động trên lãnh thổ của mình, trong trường hợp có xung đột xảy ra.

“Tình huống an ninh đang trở nên phức tạp và khó đoán hơn những gì chúng ta đã chứng kiến trong nhiều thập kỷ qua,” Jussi Niinistö, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan nói với trang Politico. “Vụ Skripal chỉ là một dấu hiệu của sự thay đổi”.

Bên cạnh chiến lược quân sự thông thường, giới quan chức các nước cũng mở rộng năng lực quốc phòng nhằm đối phó với một loạt mối đe dọa mới, từ tấn công mạng, can thiệp bầu cử cho tới tin tức sai sự thật và tuyên truyền.

Bộ Quốc phòng và Giáo dục Latvia đang nghiên cứu cải thiện chương trình giáo dục nhằm nhấn mạnh vào suy nghĩ sáng tạo và cách nhận diện truyền thông; trong khi Thụy Điển đã tập huấn cho hàng trăm nhân viên phục vụ bầu cử kỹ năng phát hiện và ngăn chặn ảnh hưởng từ bên ngoài, tới cuộc bầu cử quốc gia sắp tới.

Tại Phần Lan, Bộ Quốc phòng nước này cũng thúc đẩy các biện pháp nhằm chống lại thế hệ chiến tranh mới. Tháng 7/2017, Lực lượng phòng vệ Phần Lan đã được giao quyền lực để bắn hạ những binh lính khả nghi, mà không phải báo trước. Luật pháp Phần Lan cũng được thay đổi để hạn chế quyền sở hữu bất động sản gần các khu vực chiến lược, như căn cứ quân sự, tháp phát thanh…

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Jussi Niinistö hiện đang kêu gọi thông qua một đạo luật hạn chế những công dân hai quốc tịch được tham gia quân đội. Lực lượng Quốc phòng Phần Lan được cho là đang kiểm soát gắt gao việc tuyển chọn những người Phần Lan gốc Nga.

“Đây dường như là một sự bình thường mới,” ông Niinistö nói về tình huống an ninh khó đoán trước trong khu vực. “Vì vậy, chúng ta phải quen với nó”.

 Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Jussi Niinistö kiểm tra hoạt động của binh lính Phần Lan trong một hoạt động diễn tập chung giữa Phần Lan và Thụy Điển vào tháng 9/2017.

Bao giờ cho tới Tháng Chín?

Việc duy trì mối quan hệ với Moscow như thế nào, tỏ ra là một vấn đề nhiều thử thách đối với các nước láng giềng của Nga. Ngay bên trong nội bộ các nước này cũng đang tồn tại những tranh cãi giữa các nhà lãnh đạo và dư luận, về cách xử sự trước Moscow và Tổng thống Putin.

Ví dụ, theo một cuộc trưng cầu ý kiến gần đây, 46% người dân Phần Lan đồng ý rằng, quan hệ quân sự chặt chẽ với NATO và Mỹ sẽ giúp đối phó với Nga; tuy nhiên, chỉ 17% người được hỏi thực sự muốn Phần Lan gia nhập liên minh này.

Tương tự, sau khi trục xuất một nhà ngoại giao Nga khỏi Helsinki vì vụ tấn công tại Anh, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö lại có động thái “xoa dịu” khi tuyên bố, các cuộc đối thoại với Moscow sẽ vẫn tiếp diễn.

Một diễn biến có thể sẽ thay đổi sự cân bằng trên, đó là cuộc tổng tuyển cử vào tháng Chín tại Thụy Điển. Ngoài việc ủng hộ cho Đạo luật Magnitsky, lần đầu tiên, liên minh bốn đảng đối lập cũng nhắc tới việc Thụy Điển trở thành một thành viên của NATO.

“Nếu Thụy Điển có động thái đủ mạnh, điều đó có thể sẽ kéo theo Phần Lan,” Anna Wieslander, Giám đốc khu vực Bắc Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định. Làn sóng ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO đang ngày càng gia tăng tại đây. Một cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Một cho thấy, 37% người dân được hỏi phản đối (và 20% chưa quyết định) việc Thụy Điển trở thành một thành viên NATO.

Nhà lãnh đạo Đảng Trung hữu Ulf Kristersson, đồng thời là một ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Thủ tướng Thụy Điển nếu liên minh đối lập thắng cử - từng phát biểu, ông sẽ giành bằng được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển trước khi nộp đơn gia nhập NATO. Nếu ông Kristersson làm được điều này, hoặc quyết định đi tiếp mà không cần đến nó, đây sẽ là một hiệu ứng cực kỳ có ảnh hưởng tại Phần Lan.

“Thụy Điển và Phần Lan không thực hiện chính trị một cách nhanh chóng,” bà Wieslander nói. “Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo quyết định, người dân có lẽ sẽ nghe  theo”.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ