• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ áp đòn Iran: Đẩy châu Âu vào thế “lưỡng nan”

Thế giới 06/08/2018 12:21

(Tổ Quốc) - Khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, các đồng minh châu Âu đang lo ngại bất ổn khu vực leo thang.

 Khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, các đồng minh châu Âu của Mỹ đang lo ngại bất ổn khu vực sẽ leo thang.

Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (Kế hoạch hành động toàn diện chung JCPOA) mang tính bước ngoặt, được ký kết bởi Hoa Kỳ và năm cường quốc thế giới khác, và sẽ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt trước đó đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận này. Cho tới nay, đây  vẫn là một trong những quyết sách đối ngoại kéo theo nhiều hệ lụy nhất trong thời gian ông Trump là Tổng thống Mỹ.

Mỹ chính thức trừng phạt Iran

Các quan chức chính quyền Trump nói rằng các biện pháp trừng phạt, sẽ bắt đầu được khôi phục từ ngày 6/8, là nhằm nỗ lực thay đổi hành vi của chính quyền Iran. "Họ là nhà tài trợ lớn nhất thế giới cho khủng bố," Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với truyền hình Indonesia trong một cuộc phỏng vấn hôm Chủ nhật. "Đó là điều mà nước Mỹ đang cố gắng buộc Iran ngừng làm. Đó là việc thay đổi hành vi mà chúng tôi đang tìm kiếm từ chế độ Iran."

Các biện pháp trừng phạt Mỹ tái áp đặt đối với Iran sau khi rút khỏi JCPOA sẽ có hiệu lực từ ngày 6/8. (Nguồn: Getty)

Các lệnh trừng phạt có hiệu lực ngày 6/8 sẽ nhắm tới việc buôn bán ô tô và kim loại của Iran, bao gồm cả vàng. Mỹ cũng đã cấm nhập khẩu các sản phẩm của Iran như thảm và quả hồ trăn, đồng thời thu hồi các giấy phép cho phép Iran mua máy bay của Mỹ và châu Âu. Iran đã mua lại năm máy bay thương mại châu Âu mới ngay ngày 5/8 trước khi việc bán hàng bị cắt đứt.

Những biện pháp trừng phạt cuối cùng và quan trọng nhất – nhằm vào những dự án về lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng trung ương của Iran - sẽ được khôi phục vào ngày 4/11. Doanh số bán dầu của Iran là một nguồn tiền tệ rất quan trọng đối với kinh tế nước này.

Trước đó, những biện pháp này đã được dỡ bỏ để đổi lấy việc Iran đồng ý với các hạn chế về chương trình hạt nhân của họ theo khuôn khổ JCPOA. Các thanh tra của Liên Hợp Quốc cho biết Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận này. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng văn bản này là không đủ để kiềm chế hoạt động xấu của Iran trong khu vực. Các quan chức chính quyền Trump cũng lập luận rằng, khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Iran như là một phần của thỏa thuận JCPOA, thì điều này cũng tước bỏ một trong những công cụ mạnh nhất của Washington trong việc trừng phạt Tehran.

Châu Âu nhìn ra mục tiêu thực sự?

Theo AP, nhiều đồng minh của Mỹ tin rằng, điều Washington muốn nói là sự thay đổi chế độ, theo hai nhà ngoại giao châu Âu tham gia vào các cuộc đàm phán với chính quyền Trump về cách trừng phạt sẽ được áp đặt lại như thế nào.

Còn các nước châu Âu cho biết, họ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận JCPOA và coi đây là cách chắc chắn nhất để bảo vệ an ninh quốc gia của mình.

Vấn đề là: Điều gì diễn ra tiếp theo?" một trong những nhà ngoại giao châu Âu cho biết, đề cập đến những lo ngại rằng Mỹ đang nhắm đến sự thay đổi chế độ (của Iran-pv) như là mục tiêu cuối cùng của loạt trừng phạt này. Các nhà ngoại giao châu Âu nói với điều kiện giấu tên, vì họ đã không được phép chia sẻ với các phương tiện truyền thông khi các cuộc đàm phán đang diễn ra.

Nếu các biện pháp trừng phạt được áp đặt lại khiến chính phủ tại Tehran sụp đổ, Iran có thể sẽ rơi vào cuộc nội chiến như những gì đang diễn ra ở Syria hoặc các ứng viên tự do sẽ tiếp nhận quyền lực, một nhà ngoại giao nói.

Một cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng tại Iran cũng có thể dẫn đến một làn sóng người tị nạn và người di cư vào châu Âu như điều đã được thấy từ cuộc xung đột Syria.

Ông Pompeo đã vạch ra chiến lược này đằng sau các biện pháp trừng phạt trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên của ông với vai trò Ngoại trưởng Mỹ, theo AP.

"Iran sẽ bị buộc phải lựa chọn: hoặc nỗ lực để tiếp tục phát triển nền kinh tế trong nước hoặc tiếp tục lãng phí tài sản quý giá trong các cuộc chiến ở nước ngoài. Họ sẽ không có nguồn lực để làm cả hai", ông nói hồi tháng 5.

Những người ủng hộ thỏa thuận Iran từ lâu cũng cho rằng, sự ra đi của Mỹ (khỏi JCPOA) sẽ khiến nước này ngày càng xa cách các đồng minh châu Âu – trước đó đã hợp tác với Washington trong tiến trình đàm phán thỏa thuận này.

Chúng tôi "vẫn cam kết chắc chắn để đảm bảo (thỏa thuận) được duy trì và chúng tôi tiếp tục tuân thủ các cam kết của chúng tôi", một nhà ngoại giao châu Âu khác cho biết. "Nếu chúng tôi không thể thực hiện được những điều này, có rủi ro rằng Iran sẽ ra quyết định họ không còn phải tuân thủ các hạn chế (về hạt nhân mà JCPOA vạch ra)."

Nền kinh tế của Iran đã rơi vào vòng xoáy sụt giảm sau thông báo của ông Trump rằng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Cuộc suy thoái kinh tế này cũng đã châm ngòi cho một số cuộc biểu tình trên khắp Iran. Đang có lo ngại rằng khi các biện pháp trừng phạt này  bắt đầu có hiệu lực, kinh tế Iran sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn nữa.

NỔI BẬT TRANG CHỦ