• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga hướng Iran và Iraq, mở rộng liên minh kiểm soát Trung Đông

Thế giới 04/08/2017 20:57

(Tổ Quốc) - Nga vượt mặt Mỹ, bắt tay Iran và Iraq vì cuộc chiến chống IS và tương lai Syria.

Hôm thứ Tư (04/8), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga đã gặp gỡ các nhà ngoại giao hàng đầu của Iran và Iraq, nhằm thảo luận về cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan và tương lai của Syria.

Trước việc Mỹ không còn coi nhiệm vụ lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad làm mục tiêu hàng đầu, và Iraq bày tỏ sự không hài lòng khi Washington dự định mở rộng sự hiện diện tại đây, Nga đã trở thành một thế lực quan trọng trong khu vực. Trong cuộc gặp gỡ tại Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov, Thứ trưởng Ngoại giao Iran về các vấn đề Arab và châu Phi Hossein Jaberi Ansari và Thứ trưởng Ngoại giao Iraq về các vấn đề chính trị Nazar Khairallah, đã cùng nhấn mạnh “lập trường nguyên tắc của ba quốc gia” về Syria. Theo tờ Al-Watan và cơ quan thông tấn Iran Tasnim, cả 3 nước đều “đồng lòng” ủng hộ Tổng thống Assad trong cuộc chiến chống lại các tay súng cực đoan và các lực lượng đối lập.  

Cờ Nga và Syria tung bay giữa thành phố Homs, Syria (ảnh: Reuters)

Thứ trưởng Bogdanov cũng đã lên tiếng chỉ trích lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Nga. Ông gọi lệnh trừng phạt là điều “hoàn toàn xấu xa” và cho rằng, chúng sẽ đẩy nước Mỹ ra xa hơn nữa vào đúng thời điểm Washington đang tìm cách tiến gần hơn với Moscow trong vấn đề Trung Đông và một số vấn đề quốc tế khác.

Nga và Iran xích lại gần nhau vì mục tiêu chung

Hãng thông tấn Tass dẫn lời ông Bogdanov: “Đáng buồn là điều này làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương [giữa Nga và Mỹ].” “Tôi nghĩ nó cũng không tăng thêm sự lạc quan cho khả năng kết nối của chúng tôi, hướng về các vấn đề khu vực, bao gồm mối quan hệ với một đối tác và láng giềng quan trọng như Iran.”

Nga và Iran - hai đối tượng cho các lệnh phạt mới của Mỹ, đang ngày càng xích lại gần nhau hơn. Cả hai đều đóng góp tiền - sức mạnh quân sự cho quân đội Tổng thống Assad và giúp chính quyền Syria giành lại quyền kiểm soát phần lớn các lãnh thổ từng bị mất vào tay IS và các nhóm đối lập kể từ năm 2011. Năm ngoái, trong một động thái chưa từng có trong tiền lệ, Tehran đã đồng ý cho Nga sử dụng không phận của mình để tiến hành các cuộc không kích tại Syria. Nga và Iran cũng đã đồng sức “lôi kéo” thành công Thổ Nhĩ Kỳ - vốn có mâu thuẫn sâu sắc với ông Assad – tham gia các cuộc đàm phán hòa bình sau khi chính phủ Syria nắm lại được Aleppo vào tháng Mười hai năm ngoái.  

Sự “trở lại” của ông Assad diễn ra cùng thời điểm Mỹ dành nhiều tập trung hơn vào cuộc chiến chống lại IS và tuyên bố ngừng việc hỗ trợ cho các nhóm đối lập tại Syria. Trong khi CIA cắt đứt các liên kết với lực lượng đối lập Syria, chỉ còn duy nhất Lầu Năm góc tài trợ cho Lực lượng dân chủ Syria – một liên minh các nhóm người Kurd như YPG…. Mặc dù đã giành được nhiều chiến thắng trước IS tại miền bắc Syria, liên minh này lại không được cộng đồng các nước Arab còn lại chào đón.

Tháng trước, người đứng đầu Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt của Mỹ, Raymond Thomas cho biết, sau khi IS bị tiêu diệt, nhiệm vụ chống khủng bố của Mỹ tại Syria gần như chắc chắn sẽ chấm dứt; nhưng điều này sẽ không áp dụng với Nga.

Iraq tìm kiếm các đối tác an ninh mới

Ảnh hưởng của Mỹ tại Iraq có thể đã đến thời điểm chấm dứt để nhường chỗ cho một kỷ nguyên mới dành cho người Nga. Trong chuyến công du tới Moscow vào tuần trước, Phó Tổng thống Iraq Nouri al-Maliki đã đề cập đến một mối quan hệ thân thiết hơn với Nga, nhằm tạo thế “cân bằng” với Mỹ. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq, ông Irfan al-Hiyali cũng đã gặp gỡ người đồng cấp đến từ Iran và nói về sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia. Sau gần 15 năm chứng kiến sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq, Baghdad bắt đầu tìm kiếm các mối quan hệ an ninh tương lai với những đối tác mới.

Quân đội Mỹ tại Iraq (ảnh: CNBC)

Cả Mỹ và Iran đều giữ những vai trò quan trọng trong cuộc chiến tiêu diệt IS tại Iraq. Liên minh đa quốc gia do Mỹ đứng đầu hỗ trợ cho quân đội Iraq và các lực lượng người Kurd; trong khi Iran chống lưng cho lực lượng dân quân PMU với người Shiite chiếm đa số. Tháng trước, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố, quân đội nước này đã đánh bại IS và giải phóng hoàn toàn thành phố Mosul. Tuy nhiên, căng thẳng giữa quân đội Mỹ và các tay súng tại đây vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lữ đoàn Hezbollah (nhóm vũ trang các binh lính người Iraq gốc Shia được Iran hậu thuẫn), một mặt kêu gọi Mỹ rút quân, mặt khác cáo buộc Washington đang tìm cách phá vỡ liên minh “trục đối kháng” giữa Iran, Iraq và Syria.

“Mục tiêu của người Mỹ là kiểm soát biên giới Iraq và Syria và cô lập các thế lực hiện tại”,  Jafar al-Husseini – phát ngôn viên của Lữ đoàn Hezbollah tuyên bố. “Chúng ta sẽ không cho phép Mỹ hiện diện tại Iraq dưới bất kỳ hoàn cảnh nào.”

Nga mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông và Địa Trung Hải

Nga, Iran, Iraq và Syria đang duy trì một chiến dịch chia sẻ thông tin tình báo có tên gọi là 4+1, trong đó bao gồm cả lực lượng Hezbollah tại Lebanon (cũng do Iran “chống lưng). Về phần Nga, ngoài việc đẩy mạnh quan hệ với ba nước trên, Moscow cũng không ngừng củng cố quan hệ với Ai Cập và nhà lãnh đạo Libya Khalifa Haftar, với hy vọng có thể mở rộng hơn nữa ảnh hưởng của mình tại khu vực Trung Đông và Địa Trung Hải.

(Theo Newsweek)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ