• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người dân vùng cao đổi đời nhờ đặc sản vào siêu thị

Kinh tế 14/12/2019 20:20

(Tổ Quốc) - Heo ky, gà kiến, ớt xiêm rừng, rau rừng, chuối rừng…là những đặc sản vùng cao Quảng Ngãi nay đã về xuôi, vào tận siêu thị để đáp ứng nhu cầu nông sản sạch của người tiêu dùng.

Nông sản sạch vào siêu thị

5 năm  nay, gia đình anh Nguyễn Hồng Lợi (30 tuổi, trú xã miền núi Sơn Linh, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) đầu tư vào mô hình nuôi heo ky (một loại heo rừng lai với heo bản địa, đặc sản quý hiếm ở vùng miền núi - PV). Thời gian đầu, do chưa hiểu rõ kỹ thuật nuôi và nguồn vốn còn ít, cùng với đầu ra sản phẩm không ổn định nên thu nhập của gia đình anh Lợi bấp bênh, có khi thua lỗ. Tuy nhiên, với ý chí vươn lên, thoát nghèo và nâng cao đời sống trên chính quê hương mình, anh Lợi đã cùng gia đình tìm tòi, học hỏi cùng với việc được các ngành chức năng giúp đỡ nên bước đầu thành công với trang trại nuôi heo ky.

"Thời gian đầu, tôi nuôi vài con heo ky, khi xuất chuồng đầu ra sản phẩm không ổn định, thu nhập bấp bênh. Hơn một năm trở lại đây, nhờ có sự quan tâm của các ngành chức năng, Chương trình sinh kế cộng đồng và Big C nên tôi đầu tư nuôi hàng trăm con heo ky. Mỗi năm xuất chuồng khoảng hơn 200 con, tổng số tiền thu về từ nuôi heo ky khoảng 600-700 triệu đồng/năm; trừ các chi phí, mỗi năm gia đình tôi lãi gần 200 triệu đồng. Điều tôi vui nhất là thịt heo ky đã vào siêu thị Big C và được người tiêu dùng đón nhận. Từ nay chúng tôi không phải lo đầu ra sản phẩm nữa, chỉ việc chăn nuôi, chăm sóc heo cho tốt, đúng kỹ thuật thôi", anh Lợi cho biết.

Đặc sản vùng cao vào siêu thị, người dân phấn khởi - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hồng Lợi (30 tuổi, trú xã miền núi Sơn Linh, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) đầu tư vào mô hình nuôi heo ky.

Đặc sản vùng cao vào siêu thị, người dân phấn khởi - Ảnh 2.

Đây là một loại heo rừng lai với heo bản địa, đặc sản quý hiếm ở vùng miền núi.

Đặc sản vùng cao vào siêu thị, người dân phấn khởi - Ảnh 3.

Heo ky Sơn Hà đã vào siêu thị...

Đặc sản vùng cao vào siêu thị, người dân phấn khởi - Ảnh 4.

...và được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Gia đình anh Lợi là một trong số khoảng 70 hộ gia đình ở huyện Sơn Hà tham gia trực tiếp và khoảng 100 hộ tham gia gián tiếp Chương trình sinh kế cộng đồng do Tập đoàn Central Retail (Big C), phối hợp cùng các ban ngành liên quan thực hiện.

Các hộ tham gia chương trình trồng, nuôi các sản phẩm, thực phẩm như: Heo ky, gà kiến thả đồi, ớt xiêm rừng, rau dớn, rau ngót rừng, bắp chuối…Đây là những sản phẩm, thực phẩm sạch, đặc trưng của địa phương hiện đang có mặt tại 20 siêu thị Big C trong cả nước và nhu cầu thị trường hiện tiêu thụ mạnh.

Sát cánh cùng bà con 

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết: Chương trình sinh kế cộng đồng là một trong những sáng kiến của Central Retail để hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Chương trình này được ra mắt cuối năm 2017, nhằm hỗ trợ cho phát triển sản xuất và đa dạng hoá sinh kế cho nhóm các hộ nông dân, ngư dân và các hộ gia đình nghèo sống ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc vùng duyên hải khó khăn và có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, ưu tiên cho nông dân đồng bào dân tộc thiểu số.

"Với chương trình sinh kế cộng đồng, Central Retail giúp người nông dân có thể ổn định và cải thiện thu nhập, tiến tới cuộc sống khá giả từ chính những sản phẩm của mình, cải thiện chất lượng cuộc sống của họ một cách bền vững", bà Phương cho hay.

Đặc sản vùng cao vào siêu thị, người dân phấn khởi - Ảnh 5.

Gà kiến thả đồi Sơn Hà.

Theo bà Phương, Chương trình sinh kế cộng đồng hoạt động dưới sự hỗ trợ và điều hành của một Ban điều hành độc lập bao gồm các đại diện đến từ Bộ Công thương, Hiệp hội bán lẻ, Ngân hàng, Viện nghiên cứu, các tổ chức Phi chính phủ và các lãnh đạo của Central Retail, với nhiều năm kinh nghiệm cùng chung tay hỗ trợ cho người nông dân Việt. 

Tham gia chương trình này, người nông dân được định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và canh tác bởi chuyên gia đến từ các trường đại học, Viện nghiên cứu, có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính ứng trước cho việc sản xuất, được bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ thời gian thanh toán ngắn ngày và hoàn toàn không có lãi suất, cam kết hợp tác và hỗ trợ dài hạn từ Central Retail để có thể phát triển bền vững. 

"Chương trình này đã và đang mang lại những hỗ trợ tích cực cho người nông dân nghèo, mở ra cơ hội thị trường và mang lại nhiều sự đổi thay cho cuộc sống của họ. Sau 1 năm triển khai, chương trình đã gặt hái một số thành công bước đầu. Một trong những ví dụ điển hình là dự án sinh kế tại huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi", bà Phương cho biết.

Tạo thương hiệu nông sản Sơn Hà

Trong lúc đó, ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà kiêm Trưởng ban Quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Sơn Hà, cho biết: Huyện Sơn Hà có diện tích 72.816ha, trong đó diện tích rừng chiếm hơn 60%; dân số khoảng 74.000 người (dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%). Địa phương là huyện thuần nông, cư dân chủ yếu là dân tộc Hrê, Kinh, Ca Dong, một ít người dân tộc Cor...

Ngày trước, sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu, quy mô hộ gia đình, chủ yếu tự cung tự cấp. Sản phẩm chính là lúa, mì, mía, gia súc, gia cầm…Người nông dân không thể tiếp cận thị trường; liên kết giữa nông dân với nhau, giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp chưa có. Đặc biệt, chưa có chuỗi giá trị và không có bất kỳ sản phẩm nào được tiêu chuẩn hóa, nhãn hiệu, bao bì…

Đặc sản vùng cao vào siêu thị, người dân phấn khởi - Ảnh 6.

Khu vực nông sản Sơn Hà trong siêu thị Big C...

Đặc sản vùng cao vào siêu thị, người dân phấn khởi - Ảnh 7.

...người tiêu dùng rất thích các loại nông sản sạch Sơn Hà bày bán trong siêu thị.

Đặc sản vùng cao vào siêu thị, người dân phấn khởi - Ảnh 8.

Ớt xiêm rừng Sơn Hà.

Đặc sản vùng cao vào siêu thị, người dân phấn khởi - Ảnh 9.

Lá lốt, rau dớn rừng...do bà con làm ra đã vào siêu thị.

"Được sự hỗ trợ tích cực từ phía Chương trình sinh kế cộng đồng, đến nay, Ban quản lý dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Sơn Hà đã kết nối nông sản của địa phương đến 20 siêu thị BigC trong cả nước. Đến thời điểm hiện nay, đã thiết kế xong logo Nông sản Sơn Hà và các nhãn hiệu hàng hóa theo đúng quy chuẩn, tạo thương hiệu riêng cho nông sản Sơn Hà; BQL dự án Giảm nghèo Tây Nguyên huyện đã gửi hồ sơ đăng ký và đã được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã số, mã vạch hàng hóa", ông Long cho biết.

Ông Long cũng cho biết thêm, UBND huyện đã quy hoạch vùng nguyên liệu để phát triển bền vững, khai thác nhưng phải bảo tồn, có trách nhiệm. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đồng ý hỗ trợ 2 đề án phát triển ớt xiêm (1 tỷ đồng) và phát triển gà kiến Sơn Hà (4 tỷ đồng) giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Còn ông Phạm Đình Nghĩa, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Sơn Hà cho hay, từ khi có các đơn vị hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm, đời sống bà con ngày một tốt hơn. Thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp nghiên cứu đưa ra các sản phẩm mới cho thị trường người tiêu dùng.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ