(Tổ Quốc) - Nhiều tỷ phú đô la mất cả nghìn tỷ đồng trong khi “ông chủ” Thế giới Di động kiếm gần 1.600 tỷ đồng trong tuần qua.
Nhiều tỷ phú đô la mất cả nghìn tỷ đồng
Tuần qua chứng kiến sự thay đổi "chóng mặt" của thị trường chứng khoán khiến nhiều tỷ phú đô la mất cả nghìn tỷ đồng.
Áp lực bán tháo trong phiên giao dịch sáng 11/10 đã đẩy các chỉ số chứng khoán lao dốc mạnh
Cụ thể, VIC giảm 4.600 đồng; VJC giảm 6.300 đồng, CTD giảm 7.800 đồng, SAB giảm 5.000 đồng, ROS giảm 2.100 đồng; HPG giảm 1.900 đồng… Mức giảm sâu của cổ phiếu không những tác động tiêu cực lên chỉ số mà còn khiến giá trị tài sản trong cổ phiếu của các tỷ phú hàng đầu bị sụt giảm đáng kể.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chỉ trong 1 buổi sáng mất tới 8.579,8 tỷ đồng; ông Trần Đình Long mất 1.015 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Phương Thảo mất 4.372 tỷ đồng; ông Trịnh Văn Quyết mất gần 803 tỷ đồng…
Ông chủ" Thế Giới Di Động kiếm gần 1.600 tỷ đồng
ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (Nguồn: Dân trí)
Chiều 10/10, có 175 mã giảm trên HSX trong khi chỉ có 109 mã tăng. HNX cũng chỉ có 71 mã tăng so với 90 mã giảm và không có "phép màu" nào với HNX-Index khi mà cả 3 mã lớn là ACB, SHB và PVS đều giảm. Cổ phiếu của Thế giới Di động (MWG) tuần qua tiếp tục tăng. Với mức giá hiện tại, MWG đã tăng giá mạnh gần 25% trong vòng 3 tháng qua và mức tăng so với đáy tại ngày 20/4/2018 lên tới gần 35% (tăng xấp xỉ 34.000 đồng/cổ phiếu). Thị giá của MWG đang cao ngất ngưởng, ở mức 131.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, trong nửa năm qua, tài sản của ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động đã tăng thêm gần 1.600 tỷ đồng.
Hiện ông Nguyễn Đức Tài có khoảng 6.149 tỷ đồng trên sàn chứng khoán thông qua sở hữu (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) 46,9 triệu cổ phiếu MWG. Qua đó, đưa ông Tài lọt top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Lần đầu công bố chỉ tiêu đánh giá "sức khỏe" doanh nghiệp Việt Nam
Sáng 13/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Họp báo công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017.
Cùng với các chỉ số đã có như Chỉ số về cải cách hành chính công (PAPI); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)… thì bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp được xây dựng và công bố hàng năm sẽ giúp Chính phủ và các địa phương biết tình hình phát triển của doanh nghiệp, từ đó, các địa phương biết mình đang ở đâu và thấy được những nhiệm vụ phải làm để tiến tới mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Bộ số liệu này để đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp chung của cả nước và của từng địa phương, đồng thời cũng là bức tranh nói lên tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp về doanh thu, chi phí, lợi nhuận, lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước, thu nhập của người lao động… Bên cạnh đó, Bộ chỉ số này cũng là cơ sở tốt để Chính phủ, các cơ quan nhà nước, các địa phương tham khảo, nghiên cứu và đề ra chính sách phù hợp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35.