• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phục dựng một Syria giống châu Âu: Tham vọng Nga bành trướng Trung Đông?

Thế giới 26/07/2018 16:17

(Tổ Quốc) - Nga vừa cho biết sẽ  tiến tới công cuộc tái xây dựng Syria giống như mô hình của châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Một Syria giống châu Âu hậu chiến tranh

Trong cuộc họp báo chung giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 25/7, người đứng đầu trung tâm quản lý quốc phòng Nga -  ông Mikhail Mizintsev cho biết, các nỗ lực của Moscow nhằm tái xây dựng lại Syria sẽ dựa trên mô hình tương tự với nỗ lực “siêu phàm” để khôi phục lại Liên bang Xô-viết và các đồng minh sau Chiến tranh Thế giới II.

Nga nói sẽ tái thiết Syria giống mô hình châu Âu sau Chiến tranh thế giới 2.

“Trong quá trình giải quyết các nhiệm vụ quan trọng cho người dân Syrai nhằm khôi phục đất nước, điều cần thiết là phải sử dụng các kinh nghiệm lịch sử. Ở đây chúng tôi có thể lấy lại mô hình của châu Âu và với nước Nga. Tôi tin tưởng vào kinh nghiệm đã từng trải qua của đất nước chúng tôi trong nỗ lực  phục hồi kinh tế đất nước trong quá khứ. Giai đoạn phục hồi đất nước của chúng tôi ở khoảng thời gian 15 năm. Trong 5 năm, Nga đã trở thành siêu cường kinh tế đứng thứ hai của thế giới”, ông Mizintsev  nói thêm.

Từ năm 2015, Nga đã là nhà tài trợ đứng đầu cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong suốt nội chiến. Syria gần như đã rơi vào tình trạng bị xâm chiếm và tước đoạt  lãnh thổ sau các cuộc xung đột khiến cho cơ sở hạ tầng bị tàn phá mạnh.

“Điều này là cần thiết để sử dụng kinh nghiệm hậu chiến tranh của chúng tôi nhằm tái thiết Syria cũng như các hướng giải quyết hữu ích đối với các cuộc chiến tranh hiện đại và các cuộc xung đột vũ trang. Về cơ bản, tôi yêu cầu công tác chuẩn bị các tài liệu phân tích và liên quan nhằm áp dụng cho quá trình tái thiết Syria”, ông Mikhail Mizintsev nói thêm.

Trong chiến tranh, Liên bang Xô- viết đã trải qua nhiều thương vong quân sự và dân sự hơn bất kỳ quốc gia nào khác và sau đó là nỗ lực xây dựng lại đất nước cùng với các đồng minh Đông Âu khi Mỹ liên tục đầu tư mạnh vào Tây Âu.

Các chương trình nghị sự giữa Mỹ và Liên bang Xô-viết đã khiến cho cả hai nước rơi vào Chiến tranh Lạnh trong hàng thập kỷ. Mỹ và Xô viết đã thiết lập quan hệ quân sự và chính trị, từ đó hình thành hai trục đối lập trên toàn cầu.

Mỹ có sẵn sàng giúp sức?

Mỹ đã hình thành liên minh và mở rộng cuộc chiến tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố IS trong năm 2014. Washington hỗ trợ lực lượng nổi dậy cùng với liên minh người Kurd (được biết đến là lực lượng dân chủ Syria) tại khu vực này.

Không giống như Chiến tranh Thế giới thứ 2, Mỹ và Nga không trao đổi xung quanh chiến trận dọc biên giới. Vai trò của Nga liên tục thúc đẩy hỗ trợ không quân, bao gồm quân đội Syria và lực lượng bán quân sự, trong đó có lực lượng Hồi giáo Shitte do Iran hậu thuẫn trên thực địa.

Cùng với chính quyền Syria sẵn sàng lấy lại toàn bộ đất nước, Mỹ và các đồng minh bày tỏ do dự trong việc đầu tư tái thiết Syria do chính quyền Tổng thống Syria Assad kiểm soát. Tuy nhiên, điều này có chút thay đổi sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố vào tuần trước trong thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki rằng, Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga để hỗ trợ nhân đạo khắp Trung Đông.

Trước động thái này, Lầu Năm Góc đã lên tiếng. Cả Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Tướng Joseph Votel, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết, quân đội Mỹ hiện chưa có bất kỳ chuẩn bị nào để phối hợp với Nga tại Syria. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết lực lượng quân đội Mỹ chỉ có một cơ hội duy nhất ở Syria là phải hợp tác với Nga trong quá trình hỗ trợ nhân đạo, chẳng hạn như giúp đỡ người tị nạn trở về…

Khi được hỏi về các thỏa thuận giữa Nga và Mỹ tại Syria, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định không có thay đổi gì đối với chính sách của Mỹ đối với Syria và từ chối cung câp thông tin chi tiết.

Trong thời gian dài, Nga luôn tự đặt  ra câu hỏi về chiến lược của Mỹ tại Syria sau hàng loạt các nghi ngờ về mục đích thực sự của Washington tại khu vực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng, Mỹ không hề có nhiệm vụ pháp lý tại Syria và liên tục thay đổi các lời nói của mình trong nhiều năm qua để biện minh cho sự hiện diện kéo dài tại khu vực.

“Theo những gì thường được nghe trong tuyên bố của truyền thông của Mỹ. Các đại diện Quốc hội và các chuyên gia của chính quyền Mỹ đều cho rằng, chiến lược của Mỹ tại Syria, Washington không thể nắm bắt được bản chất của nó”, ông Shoigu cho biết trong một phỏng vấn trên tờ báo Il Giornale.

“Trong  những năm gần đây, các lập luận về sự hiện diện bất hợp pháp của Mỹ không chỉ đi  theo luật quốc tế mà còn là chính luật Mỹ về các liên quan của Washington tại Syria”, ông Shoigu nói thêm.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, cảnh báo việc Mỹ từ chối hợp tác với chính quyền Nga và Syria càng cho thấy sự thiếu chính đáng của Washington khi triển khai các hoạt động tại Syria.

“Thông qua những tuyên bố của ông ấy, Tướng Votel không chỉ làm mất đi uy tín của một người giữ vị trí tư lệnh quân đội, mà càng cho thấy tính bất hợp pháp trong sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria theo cả luật pháp quốc tế lẫn luật Mỹ”, tướng Konashenkov nói.

Theo ông Konashenkov, nếu ông Votel từ chối đề xuất của Nga thì hướng tốt nhất là Mỹ không được can thiệp vào tiến trình hòa bình và phải rút quân ra khỏi Syria.

Trước đó, Tổng thống Trump nhiều lần từng đưa ra ý định  giảm bớt sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại Syria trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố IS đã đi đến hồi kết.

Tuy nhiên các cố vấn tổng thống và quan chức quân sự Mỹ không chấp nhận  đề xuất của ông Trump với lý do sự trở lại của các phần tử thánh chiến và sự hiện diện gia tăng đáng lo ngại của Iran tại Syria./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ