• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Sống chung với mẹ chồng” chủ yếu đánh vào tò mò của khán giả

Văn hoá 27/04/2017 08:48

(Tổ Quốc) -Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” đang là tâm điểm chú ý của nhiều khán giả. Nhưng liệu số lượng người xem đông đảo có tỉ lệ thuận với chất lượng của phim?

Bắt gặp nhiều chi tiết từ cuộc sống

Không phải ngẫu nhiên bộ phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng” đã và đang nhận được sự quan tâm của công chúng đến vậy. Bởi đó là câu chuyện  muôn đời với nhiều sắc thái “mẹ chồng nàng dâu” và ai trong tất cả chúng ta cũng có thể nằm trong số các nhân vật từ bộ phim.

Mẹ chồng với nàng dâu là hai người phụ nữ “xa lạ” nhưng lại ở được gắn kết và tạo thành một mối quan hệ gia đình bới một người đàn ông là con trai và là chồng.

Chính sự khác biệt của hai người phụ nữ đó, từ văn hóa, thói quen, quan niệm, sự ích kỷ, những thói hư tật xấu, những bảo thủ, áp đặt, xoi mói… mà ai cũng cho rằng mình là đúng, không chịu bỏ đi cái tôi, không muốn thay đổi hoặc dung hòa đã làm cho mối quan hệ mẹ chồng  - nàng dâu xảy ra nhiều mâu thuẫn. Từ những va vấp nhỏ nhất, tích tụ hàng ngày rất đời thường  ở bộ phim trong một chừng mực nào đó, ít nhiều đã khiến người xem cảm thấy dường như là tình huống mình đã từng trải qua, từng ấm ức, từng mắc phải như mối quan hệ nội – ngoại, sự quan tâm chiều chuộng thái quá của nhà con một, hiểu lầm…

Những nhân vật trong bộ phim đang gây chú ý khán giả. Ảnh: Tri thức trẻ.

Không những thế bộ phim còn xây dựng được hình ảnh khá điển hình, mỗi nhân vật đều có tính cách số phận  khác nhau, rất rõ nét để dễ dàng trở thành nguyên cớ tạo thành nút thắt, xung đột rất khó giải quyết đến tận cùng dẫn đến các mối quan hệ rạn nứt, rồi đổ vỡ không thể cứu vãn…

Đối với những người đang ở trong hôn nhân là vậy. Còn với những người chưa kết hôn, bộ phim khiến họ tò mò xem tình yêu sau khi kết hôn như thế nào, cuộc sống khi sống chung với mẹ chồng như thế nào?. Và sự xuất hiện của bộ phim đã phần nào giải đáp những thắc mắc mà đôi khi những người chưa kết hôn chỉ được nghe kể, được cảnh báo bằng lời nói hơn là hình ảnh có tác dụng ngay tới thị giác để rồi suy ngẫm, chiêm nghiệm và lựa chọn tương lai cho bản thân.

 Đâu rồi những “mẹ chồng nàng dâu” lý tưởng?

Tuy nhiên bộ phim đang khiến không ít người, trong đó có cả người chưa kết hôn và người đã kết hôn hoang mang. Họ nghi ngờ liệu thực tế có người mẹ chồng nào đối xử với con dâu như vậy không khi mà xã hội đang có những thay đổi tích cực, suy nghĩ lối sống đã văn minh hiện đại hơn.

Quả thực bộ phim ngoài những mặt được ghi nhận như kể trên thì người xem luôn có cảm giác “ức chế”, khó chịu vì có cảm giác “đi hơi quá”. Khán giả sẽ ngay lập tức ,muốn mình trở thành một vị quan tòa để phân xử, hoặc để nói thẳng trắng – đen rõ ràng cho nhân vật này nhân vật kia. Đành rằng có nhiều cách xây dựng bộ phim để hướng đến một thông điệp, nhưng số đông công chúng không phải ai cũng hiểu được ẩn ý thâm thúy của bộ phim nên việc đặt ra những câu hỏi bỏ ngỏ là điều không khó lý giải.

Thử nhìn lại những mối quan hệ theo diễn biến của phim thì thấy giữa mẹ chồng và nàng dâu từ thế hệ trước đến thế hệ này, từ nhà nọ đến nhà kia… luôn tồn tại mâu thuẫn đến nghẹt thở, đến phẫn nộ. Rồi người lẽ ra phải làm cầu nối hòa giải, giải tỏa mâu thuẫn đó là những người đàn ông trong gia đình thì thấy thật thất vọng. Chỉ có thể nói được dăm ba câu kiểu “dĩ hòa vi quý” mà không dứt điểm được  mấu mấu chốt vấn đề. Những mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu gia đình luôn được dồn nén, tích tụ và chỉ trực chờ một tác động nhỏ là dễ dàng bùng lên.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Thiết nghĩ, để định hướng dư luận cũng như làm cho bộ phim “mềm” đi thì nên xây dựng thêm một gia đình với quan hệ nàng dâu - mẹ chồng lý tưởng, là hình mẫu cho các gia đình, làm lay động những người đã, đang và sẽ sống trong hôn nhân với gia đình nhà chồng. Chỉ ra cái xấu, lên án cái xấu là cần thiết và đúng nhưng chưa đủ. Cũng như bên cạnh các bản tin đáng sợ về cướp của, giết người… đánh vào sự hiếu kỳ, tò mò của công chúng thì vẫn cần nêu gương những con người tử tế, những người tốt việc tốt để niềm tin vào cuộc sống không bị những hoang mang làm chao đảo, nhấn chìm. Nhà thơ Xuân Quỳnh từng viết những câu thơ về mẹ chồng làm thổn thức lay động bao người: "Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đây thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời, chưa xong".

Mặc dù cho đến giờ bộ phim chưa đi đến kết thúc, nhưng cái kết đã phần nào được úp mở trên các trang báo cùng với những so sánh giữa phim và truyện thì dường như bộ phim muốn chỉ ra rằng: các cặp vợ chồng trẻ muốn hạnh phúc thì đừng có sống chung với mẹ chồng, trong khi thực tế không phải ai sống chung với mẹ chồng cũng như vậy. Xem ra với khán giả, việc lấy được nụ cười, sự bực tức là sự dễ dàng hơn rất nhiều so với lấy được sự rung động từ trong sâu thẳm trái tim.

Văn học nghệ thuật, trong đó có cả điện ảnh của Hàn Quốc, Trung Quốc hay nhiều nước khác vẫn xây dựng mẫu nhân vật “lý tưởng”, “đẹp không tì vết”, “soái ca”… khiến bao người rung động, tìm kiếm, sống tích cực và trách nhiệm hơn… Lẽ nào một bộ phim về mẹ chồng- nàng dâu dù có được chuyển thể từ tiểu thuyết nước ngoài mà nhà làm phim lại ngần ngại đưa lên màn ảnh một khuôn mẫu lý tưởng giữa mẹ chồng – nàng dâu trong bối cảnh Việt Nam hôm nay?

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ