• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thanh tra Bộ VHTTDL: Nhất quyết phải loại bỏ các lễ hội có hủ tục

Văn hoá 10/02/2017 20:54

(Tổ Quốc) -Ngày 10/2, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Vũ Xuân Thành đã trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Tổ Quốc về công tác thanh, kiểm tra mùa lễ hội 2017.

- Thời gian qua Thanh tra Bộ VHTTDL đã liên tục cử các đoàn đi thanh tra, kiểm tra các lễ hội. Xin ông cho biết một số đánh giá về công tác tổ chức lễ hội của các địa phương tới thời điểm này?

+ Trước hết, tới thời điểm này, tôi đánh giá rất cao mùa lễ hội năm nay với một số điểm nhấn. Qua báo chí và qua công tác thanh tra, kiểm tra, chúng tôi nhận thấy sự vào cuộc rất tích cực của các địa phương, thậm chí nhiều tỉnh ra nghị quyết chỉ đạo về công tác lễ hội.

Thứ 2, theo đánh giá của chúng tôi, các ban tổ chức quản lý lễ hội của các tỉnh hiện nay hoạt động tương đối chuyên nghiệp, từ khâu kế hoạch, tới khâu tổ chức từ trước trong và sau lễ hội. Trước lễ hội thì xây dựng kế hoạch, họp rồi trong lễ hội tiến hành kiểm tra xử lý, uốn nắn, sau lễ hội thì có tổng kết rút kinh nghiệm.

Thứ 3, sau khi Bộ VHTTDL tổ chức các hội nghị về thanh, kiểm tra và công tác truyên truyền thì dư luận xã hội, đặc biệt là của cộng đồng hiện nay rất ủng hộ chúng ta là không nên duy trì các lễ hội bạo lực và phản cảm. Trước đây phải nói là vấn đề này còn rất nhiều tranh cãi nhưng đến nay nhân dân đồng thuận cao với chúng ta trong công tác quản lý các lễ hội phản cảm.

Đó là ba điểm tốt.

Tuy nhiên, năm nay vẫn còn những thiếu sót: một là với các lễ hội không được phép, mang tính trục lợi hiện vẫn còn. Điển hình là chọi trâu ở Tuyên Quang hay vẫn còn hiện tượng phản cảm như tung lộc ở Chùa Hương.

Còn lại những vấn đề như ăn mặc phản cảm tại chốn tôn nghiêm thì còn cần phải có thời gian giáo dục, thuyết phục; hay như tình trạng cờ bạc như xóc đĩa, tổ tôm vẫn còn diễn ra trong lễ hội …

Chúng tôi còn đang chờ tới tối hôm nay, 10/2, sau khi xong phát ấn ở lễ hội Đền Trần và phát lương ở Hà Nam nữa. Tại các lễ hội này thì Bộ đã làm việc với các tỉnh rồi. Thanh tra Bộ và Cục Văn hóa cơ sở đang có người giám sát tại các lễ hội đó.

Phải nói là thời gian qua, các cơ quan của Bộ đã chủ động, tích cực kiểm tra, giám sát các lễ hội. Thậm chí, chúng tôi còn tổ chức cho nhiều anh em “nằm vùng” luôn tại các lễ hội để giám sát cho tới khi nào các lễ hội tổ chức xong xuôi, không còn vấn đề gì nữa thì mới rút lui.

  Chánh thanh tra Bộ VHTTDL Vũ Xuân Thành. Ảnh: Nam Nguyễn

- Thưa ông, thời gian tới, giả sử ở đâu đó vẫn diễn ra những lễ hội phản cảm, lễ hội không được phép tổ chức… thì Thanh tra Bộ sẽ có những biện pháp quyết liệt nào để chấm dứt, thậm chí là xóa sổ luôn các lễ hội phản cảm?

+ Cho tới nay, các biện pháp của Bộ là tương đối hữu hiệu, có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho tới Thanh tra Bộ, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản. Điển hình nhất là lễ hội ở Đền Đông Cuông, Yên Bái khi nắm được thông tin, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt và địa phương nghiêm túc thực hiện.

Các lễ hội mang tính bạo lực về cơ bản được chấm dứt. Những lễ hội như cướp phết ở Phú Thọ, cướp lộc ở Sóc Sơn, Hà Nội, chém lợn ở Bắc Ninh… năm nay đã loại trừ được tính bạo lực.

Thời gian tới, Bộ đã giao cho Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa tập trung theo dõi, phát hiện, tham mưu, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những sai phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội.

Thực hiện chỉ đạo này, Thanh tra Bộ đã và đang theo sát các lễ hội 'nóng' để tăng cường kiểm tra, thanh tra.

Với các Sở VHTTDL các tỉnh, thành, Bộ trưởng cũng đã yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội.

 Hội cướp phết, Phú Thọ năm 2017 đã có nhiều điểm mới trong công tác tổ chức. Ảnh: Nam Nguyễn

- Về các lễ hội chọi trâu, năm ngoái Bộ VHTTDL đã chỉ đạo, kiểm tra và rút gọn nhiều lễ hội. Năm nay công tác này thực hiện như thế nào thưa ông?

+ Những lễ hội chọi trâu không đúng bản chất, ngay từ khi bắt đầu mùa lễ hội hay tổng kết công tác lễ hội, Bộ và Thanh tra cũng như các Cục đã khuyến cáo các địa phương. Tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2016, tôi cũng đã có những phát biểu rất gay gắt về việc trục lợi, lợi dụng các lễ hội, đặc biệt là lễ hội chọi trâu. Trong số hồ sơ xin tổ chức lễ hội được trình lên, Bộ đã có vài ba văn bản “bác” vấn đề này. Chúng tôi cũng giải thích với các địa phương và họ không tổ chức thực hiện nữa. Duy nhất, một lễ hội chọi trâu bị lọt tại Na Hang, Tuyên Quang thì cơ quan chức năng của Bộ đã có ý kiến với địa phương và địa phương đã có biện pháp xử lý.

- Thay đổi lớn trong công tác quản lý lễ hội thời gian qua là Bộ đã có khuyến cáo với các địa phương để giữ lại những nét văn hóa nhưng cũng phải đảm bảo văn minh lễ hội. Vậy Bộ sẽ tiếp tục chủ trương này như thế nào với các lễ hội phản cảm, bạo lực, thưa ông?

+ Lễ hội là di sản văn hóa, vốn quý của dân tộc, nhưng trong qúa trình thực hiện phải có chắt lọc những hủ tục không phù hợp với văn minh nữa thì phải loại bỏ. Thay vào đó, chúng ta có thể thay thế bằng hình thức khác, Bộ VHTTDL luôn nhất quán trong bảo tồn lễ hội nhưng bảo tồn có phát huy với tinh thần là: các hủ tục thì loại bỏ, để phù hợp với nếp sống văn minh xu thế hội nhập hiện nay nhưng hồn cốt của lễ hội thì vẫn phải giữ.

Các bạn thấy, nếu cướp lộc mà tranh, đánh nhau thì bỏ chứ còn gì nữa, hay chém lợn mang con dao lớn ra giữa sân đình thì cũng phải bỏ và dùng hình thức khác thay thế.

Trước đây mình chỉ làm trong cộng đồng nhỏ làng xã, truyền thông cũng không như bây giờ, chỉ cần một cái điện thoại thì cả thế giới biết đến rồi. Trên thế giới cũng vậy, đấu bò tót của Tây Ban Nha cũng phải điều chỉnh lại.

Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa là, Bộ luôn định hướng, thống nhất: các lễ hội mà có hủ tục thì nhất quyết phải loại bỏ để tìm các hoạt động khác để thay thế.

- Xin cảm ơn ông!

Song Đào (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ