• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thương nhớ ở ai: Cái yếm và câu chuyện khoảng cách thế hệ

Thời sự 18/11/2017 10:00

(Tổ Quốc) -Mới chiếu những tập đầu tiên của Thương nhớ ở ai, bộ phim đã bị khán giả phản ứng bởi trang phục của diễn viên.

Bộ phim truyền hình Thương nhớ ở ai được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng đang thu hút sự chú ý khán giả. Tuy nhiên, khi chỉ mới chiếu những tập đầu tiên, bộ phim đã bị khán giả phản ứng bởi trang phục của diễn viên.

Còn nhớ trong Chân quê, nhà thơ Nguyễn Bính từng than thở: Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng/ Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi,  và tiếc nhớ cái hình ảnh quen thuộc, gần gũi thân thương đã in hằn vào tâm trí của nhà thơ và có lẽ cũng là của nhiều người: Nào đâu cái yếm lụa sồi, Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?/ Nào đâu cái áo tứ thân?/ Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?.

Và nếu đặt câu “áo cài khuy bấm em làm khổ tôi” với các bạn trẻ hiện nay chắc hẳn không ít bạn sẽ cười vì cái khuy bấm quá quen thuộc, quá dễ sử dụng chứ làm gì đến mức “làm khổ” ai.

Dẫn như vậy để thấy, trang phục cũng mang tính lịch sử. Trang phục của con người cũng là một trong nhiều thứ để nhận diện con người thuộc thời nào, gắn với lịch sử ra sao.

Bộ phim Thương nhớ ở ai đang chiếu trên VTV3. Ảnh: vtv.vn 

Trở lại câu chuyện trang phục trong bộ phim đang bị khán giả bắt lỗi trang phục phản cảm khi các nữ diễn viên chỉ mặc áo yếm mỏng và không mặc áo lót bên trong.

Phải nói ngay rằng, khán giả lên tiếng, khó chấp nhận chuyện trang phục của diễn viên Thương nhớ ở ai phần lớn là những người được sinh ra và lớn lên không cùng “thời” với bộ phim. Họ sống ở thời đại khác, mặc trang phục khác… nên chuyện khó chấp nhận cũng là điều dễ hiểu.

Còn người trong cuộc của bộ phim, từ đạo diễn, đến diễn viên… thì lại ra sức bảo vệ quan điểm của mình, rằng bối cảnh của bộ phim vào khoảng những năm 1954 – 1970 thì phần lớn trang phục của phụ nữ với áo yếm thì khi tái hiện lại phải trung thành với lịch sử, không có cách nào khác, kể cả sự từ chối những thứ của thời hiện đại hỗ trợ, như miếng lót. Không những vậy, đoàn làm phim còn cho rằng, nếu làm sai lệch lịch sử để “chiều lòng” những khán giả đương thời, thì những khán giả cùng thời với bộ phim họ sẽ nghĩ gì, họ sẽ phản ứng ra sao.

Khán giả có cái lý của khán giả và đoàn làm phim có cái lý của đoàn làm phim. Xem ra chưa bên nào chịu bên nào. Phải chăng đây là câu chuyện thế hệ mà nó đã và đang diễn ra hàng  ngày trong cuộc sống của chúng ta, thậm chí trong mỗi gia đình chúng ta – những gia đình tam đại đồng đường và tứ đại đồng đường.

Trang phục của diễn viên trong Thương nhớ ở ai. Ảnh: VFC

Chắc hẳn mọi người không còn xa lạ những câu chuyện người trẻ thường kể lại với bạn bè mình rằng bố mẹ hay ông bà ngày xưa nghèo đến mức phải góp nhặt và mua từng chiếc khăn mặt mùi xoa để ghép vào may thành cái áo mặc. Hay những chiếc áo rách được vá chằng vá đụp đến nỗi khó ai có thể nhận ra màu chiếc áo nguyên bản là gì. Thế rồi, trong những ngày lạnh giá, chiếc áo vá này được mặc trong cùng, còn chiếc áo lành lặn nhất được mặc ra bên ngoài để che đi nỗi xấu hổ, nỗi mặc cảm của biết bao người.

Vâng, những câu chuyện thật tương tự một thời xa xưa của cha, mẹ, ông, bà hẳn còn rất nhiều. Và có lẽ đối với thế hệ trẻ bây giờ chắc rất nhiều người không tin, bỏ ngoài tai hoặc cho rằng những người xưa đã “lẩm cẩm”, câu chuyện không còn chính xác, không đáng để tin cậy…

Vì thế mới có tình trạng dễ xảy ra những xung đột trong việc tìm tiếng nói chung của thế hệ trong mỗi gia đình. Chỉ khi nào mỗi cá nhân trong  gia đình “dung hòa” được giữa hiện tại và quá khứ thì câu chuyện thế hệ mới không là trở ngại.

Bởi xét cho cùng, cuộc sống luôn có những giá trị riêng, trong đó có giá trị bền vững không thay đổi theo thời gian, nhưng cũng có giá trị thay đổi theo thời gian và quan niệm. Câu chuyện trang phục cũng vậy. Hôm nay mặc thế này là thời thượng, là đẹp, là chuẩn mức, nhưng rồi có thể quá khứ là thảm họa và tương lai sẽ nhanh chóng bị đào thải.

Hoa hậu Ngọc Hân với áo yếm. Ảnh: 2 sao.

Vẫn biết, người làm nghệ thuật đôi khi cũng có sự “cứng nhắc”, có thể không giống ai, không chiều ai, không muốn làm người đẽo cày giữa đường để bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng một bộ phim làm ra để phục vụ ai, mang đến cho ai nếu không muốn nói là khán giả. Không lẽ, bộ phim của thời nào chỉ phục vụ riêng cho khán giả thời đó?, không lẽ làm phim về thời nguyên thủy phải đợi những người thời đó “đội mồ sống dậy” để làm khán giả chăng?

Giả sử đoàn làm phim vẫn cương quyết để nữ diễn viên mặc áo yếm nhằm trung thành với con người  thời đó, thì tại sao lại không chọn góc quay, xử lý góc quay để tất cả những cảnh “có phần nhạy cảm”, “khó chấp nhận” được che đậy khéo léo và dễ xem hơn?.

Và giả sử đoàn làm phim có phương án xử lý, như sử dụng miếng lót (chứ không phải áo), sử dụng chiếc yếm dày hơn cho diễn viên thì liệu khán giả thời nay và thời xưa có khắt khe đến mức phản đối và bắt diễn viên phải trung thành với thời xưa không?

Dung hòa giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người ngày hôm qua và ngày hôm nay có lẽ vẫn là con đường an toàn, dễ chấp nhận nhất cho câu chuyện thế hệ. Tuy nhiên, đây cũng là câu chuyện còn dài, cần sự khéo léo, tinh tế của những người trong cuộc.

Hiền Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ