• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc tìm cách giảm căng thẳng thương mại hay câu giờ?

Thế giới 20/05/2018 20:54

(Tổ Quốc) - Vòng hai đàm phán thương mại Mỹ-Trung có tiến bộ nhưng chưa đạt thỏa thuận cụ thể.

Mỹ và Trung Quốc vừa đưa ra những đánh giá tích cực về vòng đàm phán thứ hai nhằm giải quyết thâm hụt thương mại, đồng thời nhằm tháo ngòi một cuộc chiến thương mại có thể gây tổn thất cho cả hai nước. 

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết các cuộc đàm phán giữa hai bên đã “diễn ra tích cực, mang tính xây dựng và hiệu quả”. Trong khi Larry Kudlow, cố vấn trưởng kinh tế của Tổng thống  Trump cho biết các cuộc đàm phán “diễn ra tốt đẹp”, song một thỏa thuận vẫn còn xa vời. 

 Larry Kudlow, cố vấn trưởng kinh tế Nhà Trắng: Đàm phán diễn ra tích cực, nhưng kết quả vẫn xa vời.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc, dẫn đầu phái đoàn cấp cao Trung Quốc tới Washington từ ngày 15-19/5, cho hay: “Hai bên đã đạt đồng thuận, sẽ không tiến hành một cuộc chiến thương mại, và sẽ ngừng tăng thuế lẫn nhau”.

Ngày 19/5, hai đoàn đàm phán đã ra tuyên bố chung, nêu rõ: “Hai bên đã đạt được sự đồng thuận về tiến hành các biện pháp hiệu quả nhằm giảm đáng kể thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc… Trung Quốc sẽ tăng cường mua sắm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ một cách đáng kể. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng và việc làm tại Mỹ”. 

Ngày 17/5, Tổng thống Trump đã gặp Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ cử một phái đoàn tới Trung Quốc để tiến hành vòng đàm phán tiếp theo.


Ngày 17/5, Tổng thống Trump tiếp Phó Thủ tướng Lưu Hạc - nhà đàm phán hàng đầu của Trugn Quốc về thương mại.

“Tích cực” nhưng chưa đạt thỏa thuận nào

Mặc dù có rất ít thông tin chi tiết về vòng đàm phán Washington, nhưng sự xuất hiện của phái đoàn Trung Quốc với các thành viên đến từ các ngành kinh tế quan trọng của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán về các lựa chọn trong một loạt lĩnh vực. 

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow nhận xét: “Vẫn chưa đạt kết quả gì chắc chắn, có lẽ cần thời gian, nhưng tôi tin là họ muốn đạt một thỏa thuận”.

Tổng thống Trump từng đe dọa áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá lên tới 150 tỷ USD; nhưng cũng rất lo ngại hành động trả đũa của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới các bang nông nghiệp vốn ủng hộ đảng Cộng hòa; mặt khác một cuộc chiến thuế quan nếu xảy ra trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 sẽ có tác động tiêu cực với nền kinh tế. Nếu đảng Cộng hòa mất đa số tại Hạ viện, có khả năng Tổng thống Trump sẽ bị luận tội. 

Phía Trung Quốc tuyên bố sẽ sẽ không đưa ra bất cứ thỏa thuận nào xâm phạm tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ mở rộng thị trường một cách chủ động, ổn định và có trật tự, phù hợp với nhu cầu phát triển, tốc độ phát triển và thời gian biểu riêng của của nước này.

Trung Quốc có thể đang áp dụng chiến thuật câu giờ, hy vọng xuất hiện một nhân vật có cách tiếp cận bớt cứng rắn ông Trump.

Mỹ tìm cách đối phó Trung Quốc

Trong nhiều năm, Bắc Kinh theo chủ nghĩa trọng thương, đã khiến các thị trường trên thế giới tràn ngập hàng hóa được trợ giá, buộc các công ty của Mỹ phải chuyển giao công nghệ độc quyền cho các công ty Trung Quốc, trong khi hạn chế sự tiếp cận của doanh nghiệp nước ngoài đối với các khu vực rộng lớn của nền kinh tế. Đồng thời nước này còn dính líu đến việc công khai đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, Trung Quốc dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhắm mục tiêu chi phối các công nghệ tương lai, bao gồm các lĩnh vực người máy, khoa học sức khỏe và trí tuệ nhân tạo. 

Bảo hộ mậu dịch là một công cụ tệ hại để đạt các mục tiêu ông Trump muốn theo đuổi. Chúng làm tăng giá thành sản phẩm đối với người tiêu dùng Mỹ, phản tác dụng trong việc tạo ra việc làm mới. Thuế thép do Tổng thống Bush áp đặt vào năm 2002 đã dẫn đến việc khoảng 200.000 việc làm bị mất. Theo một số ước tính, thuế thép và nhôm chính quyền Trump áp đặt sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới, nhưng gần nửa triệu công ăn việc làm có thể bị mất trong khắp nền kinh tế Mỹ - nghĩa là 18 việc làm bị mất đi mới có 1 việc làm mới.

Theo Foreign Affairs, tạp chí có uy tín ở Mỹ, nếu Mỹ hành động đơn độc, Trung Quốc có thể đơn giản lựa chọn người tiếp theo trả giá cao nhất. Washington cần làm việc với các đối tác châu Á và châu Âu để đệ đơn kiện chung lên WTO kiện Trung Quốc. Một sự kết hợp giữa ý chí chính trị mạnh mẽ ở Washington và vai trò lãnh đạo của Mỹ ở nước ngoài có thể tránh được các lợi thế không công bằng của Trung Quốc mà không gây thêm tổn thất đáng kể trong tiến trình thực hiện; đồng thời lãnh đạo với một tầm nhìn tích cực nhằm đặt ra các quy tắc thương mại và đầu tư mới cho thế kỷ 21.

Điều Bắc Kinh ít muốn thấy nhất là Mỹ tập hợp lực lượng quốc tế nhằm kiềm chế Trung Quốc theo cách thức đã làm với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh 1.0./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ