• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn hóa được xây dựng cũng từ những con người biết phản ứng trước cái sai

Văn hoá 22/09/2016 06:06

(Tổ Quốc) - Để hình thành văn hóa ứng xử nơi công cộng, phải có những con người biết lên tiếng trước cái sai.

Dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, trên mạng tràn lan  hình ảnh các bãi biển ngập rác sau khi người dân kết thúc kỳ nghỉ lễ hay khu phố đi bộ ven Hồ Gươm ngày khai trương cũng tràn ngập rác thải... Những hình ảnh cho thấy thực trạng người Việt còn thiếu văn hóa ứng xử nơi công cộng, trong đó có những hành vi thiếu ý thức như xả rác bừa bãi ở nơi công cộng. Thế nhưng, có ai đặt ra câu hỏi, trong thời điểm ấy, có người nào nhắc nhở người khác không vứt rác ra nơi công cộng, hay chỉ đa phần là những con người, thấy người khác làm được thì mình cũng làm được?

Bởi vậy, để hình thành văn hóa ứng xử nơi công cộng, theo GS Nguyễn Lân Dũng, ngoài việc nghiêm minh trong xử phạt, phải khơi gợi ý thức của người dân bằng sự lên tiếng của số đông, của cộng đồng.

Lấy phố đi bộ làm câu chuyện để bàn thảo, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, phố đi bộ ở Hồ Gươm, Hà Nội là nơi rất vui. Nhưng còn nhiều bất cập. “Nhiều người đổ về khu vực phố đi bộ, trong khi khu vực phố cổ Hà Nội, đường phố bé, cấm nơi này ùn tắc nơi khác, rất bất hợp lý, rối loạn giao thông, xáo trộn đời sống người dân”- GS Nguyễn Lân Dũng nhận xét.

Việc hình thành phố đi bộ, văn hóa đi bộ cũng như văn hóa ứng xử nơi công cộng, theo GS Nguyễn Lân Dũng, phải nghiên cứu và làm theo diện rộng, cụ thể, chỉ thực hiện vào buổi tối.

“Những bất cập ở phố đi bộ như không có nơi gửi xe. Những người bán hàng ở các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, khó buôn bán. Chỉ nên thực hiện phố đi bộ vào buổi tối thôi, cấm cả ban ngày từ thứ Sáu đến Chủ nhật là quá dài”- GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

Vì những bất cập đó, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, hiện nay, Hà Nội đã sửa đổi chỉ thực hiện phố đi bộ vào buổi tối là hợp lý.

Tuy nhiên, vấn đề ý thức người dân tham gia phố đi bộ lại là cả một câu chuyện dài.

Để hình thành văn hóa ứng xử nơi công cộng, phải có những con người biết lên tiếng trước cái sai

GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định: “Hành vi vô kỷ luật là do chúng ta không nghiêm, từ người quản lý đến cộng đồng”.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, cái gì đã cấm thì phải có người quản lý. “Để xe máy đi vào phố đi bộ của người dân thì khoan chưa nói đến ý thức người đi xe máy mà trước đó, người quản lý phố đi phải chịu trách nhiệm. Sau đó là sự lên tiếng của cộng đồng.

GS cho biết: “Để hình thành văn hóa đi bộ, quan trọng là con người phải có văn hóa để đi bộ. Nói khó hiểu nhưng thực chất là chúng ta cần có chuẩn mực trong hành vi. Như không nói to, ồn ào, không chen lấn, xô đẩy, không vứt rác bừa bãi, không ăn mạc hở hang phản cảm. Như thế mới là có văn hóa ở chỗ đông người. Và khi có người sai thì cộng đồng phải cùng không bằng lòng, tỏ thái độ để lên án thì người ta mới nhận ra sự sai trái đó, từ đó mới giảm cái sai”.

Nhận định, sự lên án của số đông là yếu tố quan trọng, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Quan trọng là phải có sự lên án của số đông trước những người làm sai. Ngay cả với trang phục của một số người khi đi ra nơi công cộng cũng vậy, mặc như không mặc, quần áo đi ra ngoài đường phải khác quần áo ở nhà chứ. Nhưng mọi người cứ lờ đi, không ai ý kiến gì. Nếu tất cả cùng lên tiếng là như thế không được, thì tôi tin, người có hành động không đúng đó sẽ xấu hổ để lần sau không sai phạm nữa”.

Bản thân GS Nguyễn Lân Dũng từng đi trên 30 nước, ông chia sẻ: “Người dân các nước rất tôn trọng quy định chung nơi công cộng, đặc biệt là trang phục, lịch sự, đúng quy định. Hay có lần, tôi đi taxi ở Nhật, họ quý khách lắm. Khi tôi nói địa chỉ, họ chọn đường gần nhất để chở khách đi. Nhưng ở mình thì không, thậm chí còn chọn đường xa hơn. Đấy là do giáo dục. Họ rất tôn trọng và yêu quý khách nước ngoài. Còn ở mình thì cứ chạy theo lẽo đẽo, chèo kéo khách nước ngoài mua này mua nọ. Có lần tôi đã chứng kiến, ông khách Tây bị chèo kéo khó chịu quá nên nhảy lên taxi đi nhưng còn bị người bán hàng chửi với theo. Đó là mất lịch sự, không chấp nhận được. Chúng ta phải kỷ luật nghiêm. Vì Thủ đô văn minh lịch sự, người dân phải giúp nhau, ngăn cản hành vi vô văn hóa”.

GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, phố đi bộ là nơi để thư thái, thoải mái, nên mỗi người tham gia vào sinh hoạt cộng đồng này phải tôn trọng lẫn nhau. Ông chia sẻ: “Người Nhật Bản họ nói chuyện điện thoại mà người ngồi cạnh không nghe thấy tiếng. Còn Việt Nam mình thì oang oang". Những ý thức đó, theo GS Nguyễn Lân Dũng, nhà trường, gia đình, xã hội phải có trách nhiệm cùng lên tiếng giáo dục giới trẻ. “Vấn đề từ giáo dục trong nhà trường, gia đình, xã hội. Trước mắt là thái độ của người dân ở nơi công cộng phải góp ý kiến trước cái sai, cái xấu. Ví dụ có thể người ta phản ứng lại nhưng nhiều người cùng lên tiếng thì sẽ được. Tôi đã xem clip trộm móc ví của một người và nhiều người nhìn thấy nhưng không ai nói gì. Ai cũng lo thân mình mà không nghĩ đến cái chung thì khó”.

GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định: “Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng là nghĩ đến danh dự đất nước, đến dân tộc. Nếu chúng ta không lên án cái sai, ý thức sửa sai thì bạn bè quốc tế, du khách người ta coi thường mình”./.

 

Hoàng Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ