• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Vén màn” Mỹ cắt viện trợ Pakistan: Ván bài hiểm đến mức nào?

Thế giới 12/01/2018 14:29

(Tổ Quốc) - Quyết định cắt bỏ bỏ viện trợ an ninh cho Pakistan của Mỹ mặc dù gây phẫn nộ nhưng khó ảnh hưởng lâu dài tới tình hình khu vực.  

Quyết định của Tổng thống Donald Trump cắt bỏ 2 triệu USD viện trợ an ninh cho Pakistan có thể sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ mất đi một đồng minh thân cận trong cuộc chiến chống khủng bố. Điều quan trọng hơn, đó còn là một đồng minh sở hữu vũ khí hạt nhân.

Giận dữ và trả đũa

Mối quan hệ Mỹ - Pakistan bắt đầu trở nên thân thiết hơn trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Mặc dù vậy,  nó vẫn được nhìn nhận là một mối quan hệ vừa chiến lược vừa có vấn đề. Sự phức tạp tăng cao với sự can thiệp của Liên Xô vào Afghanistan năm 1979, dẫn đến việc Mỹ đổ tiền vào cơ quan tình báo của Pakistan nhằm đối phó với lực lượng du kích tại Afghanistan. Một trong số những người nước ngoài tham gia vào hỗn loạn Afghanistan lúc đó chính là Osama bin Laden. Kể từ sau sự vụ ngày 11/9, Mỹ đã rót hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Pakistan và tiếp tục coi đây là con đường cung cấp hậu cần quan trọng đến Afghanistan.

Tuy nhiên, bất chấp việc đã tham gia bắt giữ và tiêu diệt nhiều thủ lĩnh cấp cao al-Qaeda, Pakistan vẫn thường xuyên bị cáo buộc hỗ trợ cho các tay súng cực đoan, tiến hành tấn công tại cả Afghanistan và Ấn Độ. Bin Laden cũng từng trốn chạy ở Pakistan trong nhiều năm trước khi bị thiệt mạng trong một cuộc truy kích năm 2011.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, viện trợ của Mỹ cho Pakistan đã dần bị thu hẹp, đôi khi còn bị “đóng băng” bởi Quốc hội Mỹ. Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn với Tổng thống Trump. Trong một bài đăng đầu năm trên Twitter, ông Trump nói nước Mỹ đã cho đi hơn 33 tỷ USD “một cách ngốc nghếch” và chỉ nhận lại được “lừa đảo và giả dối”.

“Những gì sắp tới gần như đã định sẵn,” Mahmud Ali Durrani, một tướng lĩnh cấp cao đã nghỉ hưu của quân đội Pakistan, đồng thời là cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ cho biết. “Đây là một trong những thời điểm tồi tệ nhất trong quan hệ giữa hai nước”.

Người biểu tình Pakistan đứng trên một poster của ông Trump tại TP Lahore, Pakistan ngày 4/1 (ảnh: Bloomberg)

Bloomberg nhận định, ông Trump đang đối mặt với nguy cơ mất đi một đồng minh chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố - một đồng minh nắm trong tay vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ cũng đã thành công khiến giới chính trị Pakistan, vốn đang bị chia rẽ bởi những cáo buộc tham nhũng, bỗng trở nên “đoàn kết”, cùng đồng lòng chống lại nước Mỹ.

Cũng theo hãng tin Mỹ, ông Trump rất có thể sẽ “đẩy” Pakistan đến gần hơn với những kẻ cực đoan tại Afghanistan, bao gồm cả Taliban và mạng lưới Haqqani. Một trong những biện pháp “đáp trả”  mà Pakistan có thể thực hiện đó là đóng cửa đường bộ vào Afghanistan. Đó chính là những gì nước này từng làm trong suốt 8 tháng hồi năm 2011 và 2012, sau khi lực lượng NATO khiến các binh lính Pakistan thiệt mạng. “Nếu Pakistan quyết định trả đũa bằng cách đóng cửa các tuyến đường tiếp tế cho các lực lượng NATO, đó sẽ là rắc rối lớn,” Michael Kugelman, một học giả về Nam Á tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson tại Washington, nói.

Tuy nhiên, những tuyến đường trên lại là nguồn sinh lời lớn cho Pakistan, với các khoản thu từ chi phí vận chuyển và cầu đường; vì vậy, Islamabad có thể sẽ không muốn chặn đường Mỹ. Pakistan cũng đang phải đối mặt với những sức ép kinh tế và đồn đoán rằng, họ sẽ phải viện đến sự giúp đỡ từ Quỹ tiền tệ quốc tế. Ngoài ra, lần đóng cửa trước NATO cũng đã để lại nhiều tổn thất kinh tế nặng nề.

“Đối với nước Mỹ, tuyến đường Pakistan ít quan trọng hơn nhưng lại có chi phí thấp hơn,” Husain Haqqani, Đại sứ Pakistan tại Mỹ từ năm 2008 – 2011. “Mỹ phải quyết định xem nếu chi phí cao hơn sẽ là cái giá đáng phải trả cho việc chủ động hơn trong cuộc chiến tại Afghanistan. Pakistan phải quyết định nếu họ muốn từ bỏ những lợi ích từ việc vận chuyển”.

Bài Tweet hôm 1/1 của ông Trump, trong đó chỉ trích nặng nề Pakistan

Trung Quốc hay là Mỹ?

Nếu lựa chọn như vậy, Pakistan rất có thể tăng cường tìm kiếm hơn nữa các nguồn đầu tư từ Trung Quốc. Bắc Kinh đang “bơm” hơn 50 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng nằm trong sáng kiến thương mại “Một Vành đai, Một con đường” tại Pakistan. Bốn năm trước, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Pakistan; và kể từ đó, tỷ trọng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Pakistan đã tăng gấp đôi, lên 1,2 tỷ USD/năm. Với dòng tiền đến từ Trung Quốc không ngừng mở rộng, Pakistan sẽ càng có thêm “động lực” để từ chối các yêu cầu của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Haqqani chỉ ra, các khoản vay từ Trung Quốc khó có thể thay thế hoàn toàn cho tiền mặt và vũ khí tối tân của Mỹ. “Pakistan luôn luôn thiếu ngoại tệ,” ngài cựu Đại sứ giải thích. “Ngoài ra, Trung Quốc đòi hỏi tỷ lệ lãi suất cho vay lớn hơn”.

Pakistan cũng có thể muốn tránh những lệnh cấm vận có thể xảy ra, bao gồm cả việc hạn chế đi lại. Ngày càng nhiều tầng lớp trung lưu của nước này sống và làm việc tại Mỹ, hơn là Trung Quốc. Thêm nữa, Mỹ cũng vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Pakistan.

Cho dù thế nào, “nước Mỹ từng cắt viện trợ cho Pakistan trước đó và điều đó không khiến Pakistan thay đổi thái độ,” học giả Kugelman tại Trung tâm Woodrow Wilson lưu ý.

Cuộc chiến dai dẳng của Mỹ tại Afghanistan vẫn chưa có hồi kết

Các quan chức Mỹ cũng đã để ngỏ khả năng tái cung cấp viện trợ nếu Pakistan tỏ ra hợp tác hơn. Về phần mình, Islamabad cho rằng, họ đã bỏ ra nhiều công sức hơn bất kỳ nước nào trong cuộc chiến chống khủng bố; và điều này đã được chứng thực qua cuộc sống đang dần hồi sinh tại các thành phố của Pakistan.

Theo Abdul Basit, một nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, việc thiếu nguồn hỗ trợ tài chính của Mỹ còn có thể tác động đáng kể đến kế hoạch hiện đại hóa thiết bị quân sự của Pakistan, bởi Islamabad dựa rất nhiều vào công nghệ từ Mỹ.

Mặc dù vậy, đến cuối cùng, quyết định cắt viện trợ gần như không có ảnh hưởng lâu dài đến tình hình khu vực. Ông Basit nhận định, cho dù có sự ủng hộ hoàn toàn của Pakistan, Washington vẫn sẽ không thể tìm ra được một giải pháp cho Afghanistan. “Chắc chắn sẽ có tức giận ở Islamabad,” Basit nói. “Tuy nhiên, Islamabad có thay đổi thái độ của mình không? Họ có thể sẽ có một số động thái nhất định. Nhưng một sự thay đổi chiến lược? Tôi nghĩ là không”.

(Theo Bloomberg)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ