• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vì sao nhiều doanh nghiệp như Vingroup đầu tư vào nông nghiệp?

Kinh tế 16/07/2017 23:21

(Tổ Quốc) -Trước thềm đối thoại của doanh nghiệp tư nhân với Thủ tướng vào cuối tháng 7, phóng viên đã trao đổi với Tổng giám đốc Vinamit Nguyễn Lâm Viên về những mối quan tâm của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện nay.

Tích tụ hạn điền

- Thưa ông, nền nông nghiệp đã, đang và sẽ được xác định là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại nhiều nút thắt khiến nông nghiệp Việt Nam khó có thể bứt phá để thể hiện khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác ngay cả trong khu vực. Với một doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như Vinamit, ông thấy những nút thắt nào cần được gỡ bỏ và gỡ bỏ như thế nào?

+ Chúng ta thấy rõ ràng là một doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam tới nay vẫn chưa thể bùng nổ thành sản xuất quy mô lớn, với tổng sản lượng nguyên liệu lớn có chất lượng phù hợp với điều kiện thị trường.

Muốn bán được thì yếu tố sản phẩm phải hấp dẫn và chúng ta cũng chưa làm được vì cách làm tiểu nông và manh mún, chuyên phục vụ thương lái là chủ yếu, chứ không phục vụ thị trường đẳng cấp cao, chất lượng cao và đồng đều.

 Tổng giám đốc Vinamit Nguyễn Lâm Viên.

Yếu tố đó bắt nguồn từ doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam bản thân không có khả năng để có số lượng đất đai với quy mô canh tác lớn, đó là nút thắt quan trọng.

Chính phủ có chính sách khuyến nông tốt nhiều năm nay nhưng chính sách về thị trường thì chúng ta hoàn toàn thiếu. Lẽ ra chúng ta có chính sách thị trường tốt rồi mới khuyến nông, đây là lỗi mà khi không làm được thì đi vào con đường bế tắc, sản xuất nhưng không bán được, hoặc bán với giá rẻ, không làm chủ được thị trường.

Vấn đề là doanh nghiệp và nhà nước là tìm được con đường tháo gỡ, doanh nghiệp tự tháo gỡ là chủ yếu. Điều này không thể mang lại tổng thể lớn nếu không có sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ để chúng ta có một chính sách thị trường rộng lớn hơn, có những sản phẩm hoàn hảo chinh phục và hấp dẫn thị trường, trở thành làm chủ cuộc chơi của chúng ta, đó là những câu chuyện then chốt mà ta phải làm.

Nếu gỡ được điều đó song hành với thay đổi về mặt phương pháp canh tác, quản trị nông nghiệp để mặc những chiếc áo thật đẹp cho sản phẩm thì nền nông nghiệp mới phát triển được. Nếu chưa có tư duy đó, còn hạn chế, còn lo sợ thì chúng ta sẽ luôn luôn đi vào bế tắc. Muốn vậy, Chính phủ phải tích tụ hạn điền, không có vài trăm ngàn, vài triệu ha thì chúng ta có gì đó sai, có hạn điền để cho doanh nghiệp thuê làm nông nghiệp.

- Để thu hút hiệu quả hoạt động đầu tư phát triển nông nghiệp quy mô công nghiệp phù hợp với yêu cầu của bối cảnh mới, theo ông, cần tập trung cải thiện những vấn đề gì?

+ Quan trọng là tư duy quyết tâm của Chính phủ, Chính phủ cần có đất trong tay, sẵn sàng xem xét những doanh nghiệp nào phát triển nông nghiệp theo thị trường tốt, quy hoạch lại để quản trị: quản trị về mặt nông pháp canh tác, quản trị thị trường, ai vào đây mà phá giá thì ta biết được để có những giải pháp, không bị đưa vào ép nông dân, hiện nay thương lái nằm sát với nông dân, để thương lái nước ngoài nằm cạnh và khi có chuyện gì họ ép giá, rút đi, nông dân khóc than thì hậu qủa chúng ta phải gánh.

Phải có hành động cụ thể là phải tích tụ ruộng đất, hỗ trợ cho dân mình thuê, ai có thị trường thì mới cho vào canh tác. Chính phủ xem xét thị trường đó tốt, Ban quản trị các dự án đó phải có những quy chế điều kiện như khu công nghiệp, khu chế xuất. Chúng ta làm giỏi nhanh, các khu công nghiệp nên giờ chuyện tích tụ nông nghiệp thì có quá nhiều kinh nghiệm, chắc chắn làm thành công.

Từ đó, chúng ta phân loại khu nào màu mỡ nhiều thì làm nông nghiệp sinh học, hữu cơ, đất xấu xa mạc cát, không còn màu mỡ thì quy hoạch thành các khu vực để ứng dụng công nghệ cao cho chúng. Không có miếng đất nào bỏ đi, miễn là Chính phủ có khu công nghiệp cho nông nghiệp và quản trị nó.

Làm được điều này, chúng ta có thể tự hào về những vùng nông nghiệp rộng lớn, có bàn tay sắp xếp hết cả rồi và lấy bài học từ các khu công nghiệp để làm.

Cuộc chơi không phụ thuộc vào thương lái

- Về thị trường cho nông nghiệp, theo ông, chính sách cho vấn đề này nên bắt đầu từ đâu?

+ Bức tranh nông nghiệp của chúng ta đều thấy: sản xuất tốt, khuyến nông tốt sản lượng nhiều nhưng chúng ta không biết bán ở đâu hết bởi vì từ trước tới nay chúng ta ngồi chờ vào thương lái. Cuộc chơi này chúng ta không có làm chủ.

Tấm gương mà chúng ta có thể coi việc đầu tư vào thị trường là Tập đoàn Vingroup với hệ thống Vin Mart. Đây là đơn vị nhạy bén về thị trường và tôi cho rằng, hiện họ chưa lãi nhưng đường đi đó đúng và sẽ thành công. Bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư thị trường, đó mới là nói đầu tư trong nước. Ở nước ngoài, các tập đoàn của các quốc gia trên thế giới họ đi tới từng nước để đầu tư, bỏ hàng triệu đô, hàng tỉ đô để đầu tư cho thị trường. Đó là câu hỏi, là con đường để đầu tư phát triển.

Con đường thứ hai là con đường kết hợp tức là kết hợp với những hệ thống đang có sẵn trên thế giới, kết hợp với hệ thống của các tập đoàn để chúng ta đi vào thị trường và các hệ thống siêu thị trên thế giới, các hệ thống bán lẻ, các chuỗi bán hàng trên thế giới… Chúng ta cần chuẩn bị các chứng nhận, chuẩn mực để họ thừa nhận hàng hóa nông sản của chúng ta.

Bước thứ 3 tôi cho rằng, trở thành một nhà cung ứng - supplier, tức anh là nhà cung ứng cho một nhà trung gian để họ bước thay anh đi vào thị trường, kết hợp với thị trường. Khi làm một nhà cung cứng thì anh cũng phải đảm bảo yếu tố căn bản, giá cả phù hợp hấp dẫn, để họ chấp nhận, thì liệu chúng ta có chuẩn bị tâm lý hành trang đầu tư điều ấy không?

Nếu không làm được những điều trên, vẫn giữ tâm lý ngồi nhà chờ thương lái thì chúng ta đi một con đường cực kỳ hẹp, con đường chỉ có thể bán đượ khi thế giới khan hiếm, thị trường không có hàng, chỉ bạn mới có thì họ mới nhớ tới bạn.

Nếu giải được những bài toàn này thì các doanh nghiệp sẽ ung dung, thoải mái để bước trên con đường chiến lược của họ.

Tôi vẫn nghĩ tất cả các doanh nghiệp đều có thể làm điều này. Anh không làm ra hệ thống lớn thì có thể sỡ hữu các chuỗi nhỏ. Anh không thể sở hữu hàng ngàn cửa tiệm thì anh có thể sở hữu vài trăm tiệm, vài chục tiệm, đó là cách xây dựng cho anh cái thị trường, xây dựng sự đối thoại của anh với thị trường.

- Vậy ông kỳ vọng gì về Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam trong việc thúc đẩy tiếng nói của khu vực tư nhân cũng như hỗ trợ Chính phủ phát huy vai trò kiến tạo để phát triển kinh tế?

+ Chắc chắn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là người đầu tàu, đi tiên phong, tấm gương cho các doanh nghiệp khác bước theo, và nông dân cũng sẽ bước theo. Làm sao càng rõ ràng con đường phát triển, Chính phủ hỗ trợ công bằng cho các thành phần thì không có lý do gì người dân không thay đổi.

Cốt lõi là vấn đề tìm sản phẩm tốt cho thị trường, người nông dân và doanh nghiệp có thể thuê đất để canh tác sản phẩm tốt, thu hút, hấp dẫn được thị trường. Vấn đề là kết nối mô đun để đưa sản phẩm ra thị trường. Chính phủ quy tụ được những người làm nông nghiệp giỏi. Cốt lõi của nền nông nghiệp này là từ năng lực canh tác giỏi, doanh nghiệp đi bước đầu và mô đun cuối cùng mà thôi.

- Xin cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ