• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

20 năm sau vụ khủng bố 11/9, Al-Qaida còn liên hệ gì ở Malaysia hay không?

Thế giới 02/12/2021 17:13

(Tổ Quốc) - Dù mạng lưới hoạt động của Al-Qaida tại Malaysia không quá rõ ràng, các nhà chức trách nước này không thể đánh giá thấp mối đe dọa tiềm ẩn của nó, theo nhận định từ trang The Diplomat.

Vụ tấn công 11/9/2001 ở Mỹ là một trong những vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại, cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người. Sự kiện này đã đưa al-Qaida trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế.

Mặc dù có cơ sở chính tại khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan, al-Qaida đã có mối quan hệ lâu dài với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Malaysia. 20 năm kể từ vụ tấn công đẫm máu trên, al-Qaida vẫn còn liên hệ ở Malaysia và đặt ra một mối đe dọa không thể bỏ qua.

Jemaah Islamiyah: Cánh tay nối dài của Al-Qaida tại Malaysia

Chi nhánh Đông Nam Á của Al-Qaida, Jemaah Islamiyah (JI), do các chiến binh thánh chiến Indonesia Abu Bakar Bashir và Abdullah Sungkar thành lập ở Malaysia vào năm 1993. Hai tay súng này đã tìm kiếm nơi ẩn náu ở Malaysia từ năm 1985 - 1998 sau khi chạy trốn chiến dịch càn quét Hồi giáo cực đoan tại Indonesia. Mục tiêu chính của hai tay súng này là thành lập Dawlah Islamiyah Nusantara (Nhà nước Hồi giáo Đông Nam Á), bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, miền nam Thái Lan và miền nam Philippines.

Từ năm 1998 - 2009, JI đã thực hiện ít nhất 30 vụ tấn công khủng bố trong khu vực, bao gồm các vụ đánh bom ở Bali năm 2002 và 2005, vụ đánh bom Đại sứ quán Australia năm 2004 ở Jakarta, và vụ đánh bom khách sạn Jakarta Marriot và Ritz Carlton năm 2009. Bên cạnh là địa điểm ban đầu, Malaysia còn đóng vai trò là nơi trú ẩn chính của JI và là trạm trung chuyển để lực lượng này mua sắm hàng hóa và chuyển tiền cho các hoạt động.

Các hoạt động của JI ở Malaysia là nền tảng ra đời các thủ lĩnh chủ chốt của nhóm như Hambali, một công dân Indonesia sống ở Malaysia, người đã trở thành "chỉ điểm" của al-Qaida ở Đông Nam Á, và những tay súng như Azahari Husin và Noordin Top, hai kẻ đánh bom chủ chốt tham gia vào nhiều vụ đánh bom ở Indonesia.

20 năm sau vụ khủng bố 11/9, Al-Qaida còn liên hệ gì ở Malaysia hay không? - Ảnh 1.

Các chuyên gia nhìn nhận rằng nguy cơ khủng bố vẫn đang tiềm tàng tại Malaysia. Ảnh: MEI.

Hambali, người từng huấn luyện với al-Qaida ở Afghanistan vào cuối những năm 1980, là người hỗ trợ chính cho các công dân Malaysia tiến vào các vùng chiến sự như Afghanistan, Poso và Ambon ở Indonesia, và miền nam Philippines. Hambalcũng đóng vai trò trung gian giữa JI và al-Qaida ở Afghanistan, cũng như chủ mưu một số vụ tấn công quan trọng của JI ở Indonesia, bao gồm cả vụ đánh bom đêm Giáng sinh năm 2000 và vụ đánh bom ở Bali năm 2002.

Còn Bashir và Sungkar đã tham gia thành lập một trường nội trú Hồi giáo trực thuộc JI được gọi là Luqmanul Hakiem ở Ulu Tiram, Johor, Malaysia. Ngôi trường này có nhiệm vụ truyền đạt tôn chỉ của JI cho các học viên trẻ và gửi học viên đến các trại huấn luyện al-Qaida ở Afghanistan.

Cuộc họp chuẩn bị cho vụ 11/9 tại Kuala Lumpur

Vào tháng 12/1999, có thông tin tiết lộ rằng 9 thành viên al-Qaida thuộc một đơn vị chuyên tấn công liều chết đang có mặt ở Malaysia. Một tháng sau đó, bốn thành viên kỳ cựu của Al-Qaida bao gồm hai tên không tặc Nawaf al-Hazmi và Khalid al-Midhar đã có mặt tại Kuala Lumpur và được thành viên của JI đón tiếp. Những tên này đã thảo luận về kế hoạch tấn công 11/9 tại Mỹ. Họ đã tận dụng cơ hội đến thăm sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, sân bay còn tương đối mới vào thời điểm đó, để làm quen với an ninh sân bay.

Theo trang The Diplomat, Malaysia là điểm trung chuyển chính của các phần tử thánh chiến do chính sách nhập cư lỏng lẻo. Năm 2001, tên Yazid Sufaat được cho là đã đến Kandahar để giúp al-Qaida phát triển bệnh than trong khuôn khổ chương trình vũ khí sinh học của nhóm này.

Làn sóng khủng bố thứ hai

Sau vụ tấn công 11/9 tại Mỹ, al-Qaida đã lên kế hoạch cho đợt tấn công thứ hai vào năm 2002, được gọi là "âm mưu Bờ Tây". Vụ việc này được cho là có sự liên quan của một nhóm gồm 5 thành viên người Malaysia, bao gồm Mohamad Farik Amin, Mohammed Nazir bin Lep, Zaini Zakaria, Masran Arshad và Nik Abdul Rahman Mustaffa. Kế hoạch được vạch ra là cướp máy bay và tấn công các mục tiêu cao cấp của Mỹ, bao gồm cả Tháp Thư viện ở Los Angeles.

Người Malaysia được chọn cho âm mưu này vì al-Qaida biết rằng người Ả Rập đã chịu nhiều nghi ngờ sau vụ 11/9/2001 và khả năng trò chuyện bằng tiếng Anh của người Malaysia là một lợi thế. Hambali đã sắp xếp cho các thành viên tham gia trại huấn luyện al-Farouq của al-Qaida ở Afghanistan, nơi chúng được huấn luyện về chiến tranh du kích, súng cầm tay và chất nổ, đồng thời cam kết trung thành với các thành viên cấp cao của al-Qaida.

Tuy nhiên, âm mưu không thành hiện thực khi Masran và Zaini bị chính quyền Malaysia bắt giữ vào năm 2002. Nazir Lep, Farik Amin và Hambali bị bắt tại Thái Lan vào năm 2003, và hiện đang bị giam giữ tại Vịnh Guantanamo.

Al-Qaida còn hoạt động ở Malaysia không?

Mặc dù Indonesia đã truy bắt ráo riết các thành viên JI kể từ năm 2018, nhưng hoạt động tương tự ở Malaysia không được quyết liệt như vậy. Tuy nhiên, việc Malaysia không có cách hành động chống khủng bố rõ ràng không có nghĩa là ngày nay người Malaysia không liên kết với al-Qaida. Một trong những trường hợp như vậy là công dân Malaysia Ahmad Mustakim bin Abdul Hamid, người gần đây đã bị bắt và bỏ tù ở Somalia vì là thành viên của al-Shabab, một nhánh khủng bố địa phương của al-Qaida.

Trước tình hình các lực lượng khủng bố đang thay đổi, Malaysia cần phải cảnh giác trước mối đe dọa từ al-Qaida và các chi nhánh của nó. Điều này đặc biệt đúng đối với những người Malaysia đang tìm cách đến Nam Á và Trung Đông vì mục đích giáo dục như trường hợp của "lực lượng Ghuraba", liên quan đến sáu người Indonesia, 13 người Malaysia và hai người Singapore. Họ đã sử dụng giáo dục làm vỏ bọc cho các hoạt động khủng bố của mình.

Như trong quá khứ, Malaysia vẫn là điểm trung chuyển ưa thích và là nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố, đặc biệt là đối với al-Qaida và các chi nhánh của nó, do chính sách miễn thị thực của nước này. Ví dụ, vào tháng 12 năm 1995, thành viên al-Qaida Wali Khan Amin Shah, một cộng sự thân cận của Osama bin Laden, bị phát hiện đang lẩn trốn tại Malaysia và bị bắt tại Langkawi. Bên cạnh đó, cộng đồng Malaysia cũng tiếp tục có thiện cảm với các nhóm ủng hộ al-Qaida, bao gồm cả Taliban. Vụ bắt giữ liên quan đến al-Qaida gần đây nhất được biết đến ở Malaysia là vào năm 2019, liên quan đến 7 thành viên của nhánh al-Shariah al-Tunisia. Những tên này đang quá cảnh và sử dụng Malaysia làm căn cứ âm mưu tấn công các nước khác.

Do đó, trong bối cảnh tình hình địa chính trị và an ninh có nhiều biến động, đặc biệt là giữa đại dịch COVID-19, nước này cần cảnh giác hơn nữa. Vì Malaysia vẫn là một quốc gia rộng mở nên nhu cầu hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan tình báo quốc tế và theo dõi các nghi phạm khủng bố tiềm tàng là cách duy nhất để đảm bảo an ninh cho Malaysia và cộng đồng quốc tế.

NỔI BẬT TRANG CHỦ