(Tổ Quốc) - Trong nửa đầu năm 2019, một tỷ người châu Á sẽ đi bỏ phiếu chọn ra nhà lãnh đạo tiếp theo cho hai quốc gia lớn nhất trong khu vực.
Một nửa trong số trên – bao gồm 400 triệu người tại Ấn Độ và 79 triệu người tại Indonesia – nằm trong thế hệ millennial, bao gồm những người sinh ra trong khoảng từ năm 1980 cho tới 2001. Nhiều người thậm chí lần đầu tiên được chính thức tham dự một cuộc bầu cử quốc gia.
Ít nhất một tỷ cử tri châu Á sẽ đi bầu cử trong nửa đầu năm 2019 (ảnh: Bloomberg)
Kinh tế là yếu tố quyết định thắng lợi?
Các vấn đề kinh tế, cụ thể hơn là việc làm được đánh giá sẽ là mối quan tâm hàng đầu của các cử tri trẻ tuổi.
Mong muốn có được nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ được quyết định vào ngày 17/4/2019 với lời hứa "tái công nghiệp hoá" nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á. Cơn sốt tiêu dùng góp phần giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp cao sau cuộc khủng hoảng châu Á năm 1998 giờ đã hạ nhiệt. Nếu không nhanh chóng chuyển sang sản xuất quy mô lớn và gia tăng giá trị cho xuất khẩu nguyên vật liệu thô, rất khó để các khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 9% của vùng Tây Java, Indonesia – có thể "theo kịp" được tỷ lệ trung bình chỉ khoảng 5% của cả nước.
Ông Widodo muốn tiếp tục dành ngân sách phát triển hạ tầng cơ sở, thậm chí ngay cả khi đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm được dự đoán là lần đầu tiên sẽ giảm sút kể từ khi ông nắm quyền vào năm 2014. Tuy nhiên, đối thủ của ông, Tướng Prabowo Subianto, đang hướng tới một lập trường mang chủ nghĩa dân tộc hơn thông qua lời cam kết tái xem xét các khoản đầu tư trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Trong số này bao gồm cả một dự án đường sắt tốc độ cao từng nhận được rất nhiều kỳ vọng. Giải pháp của ông Prabowo nhằm thu hút thêm nhiều đầu tư tư nhân là giảm thuế và thu hẹp chi tiêu chính phủ.
Tổng thống Joko Widodo liệu có tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai? (ảnh: getty)
Tình trạng thất nghiệp và những bất mãn về đất đai đang lan rộng – cũng là hai vấn đề chính trong chiến dịch tranh cử của nhà lãnh đạo đối lập Ấn Độ Rahul Gandhi. Ông Ganghi hy vọng có thể tận dụng thành công những "nhược điểm" của đương kim Thủ tướng Narendra Modi, điển hình là lệnh cấm tiền tệ gây tranh cãi và mức thuế hàng hóa – dịch vụ ảnh hưởng tới các công ty nhỏ.
Do việc cắt giảm trợ cấp nhiên liệu trong năm bầu cử thường được coi là bước đi "tự sát chính trị", cả ông Modi và Widodo đều mong muốn giá dầu thế giới sẽ giữ ở mức thấp. Trợ cấp tiền mặt cho người nghèo tại Indonesia sẽ tăng gấp đôi trong năm 2019. Tuy nhiên với nguồn thu tăng mạnh, thâm hụt ngân sách dự báo sẽ vẫn thấp hơn 2% GDP.
Điều tương tự không áp dụng cho Ấn Độ. Sau khi đảng của ông chiếm ưu thế trong các cuộc trưng cầu dân ý tại một số bang, ứng cử viên Gandhi liên tục gia tăng sức ép để Thủ tướng Modi phải miễn giảm nợ cho nông dân. Cùng lúc, ông Modi đang tìm cách lôi kéo tầng lớp trung lưu bằng cách hứa cắt giảm 28% số lượng hàng hóa phải đóng thuế. Ngay cả khi chưa tính thêm gánh nặng này, thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa kết thúc vào tháng Ba của Ấn Độ sẽ phải rất khó khăn mới đáp ứng được mục tiêu là 3,3% GDP. Và bầu cử sẽ diễn ra vào tháng Năm.
Chủ tịch Đảng Quốc Đại Rahul Gandhi mong muốn trở thành Thủ tướng tiếp theo của Ấn Độ (ảnh: AFP)
Bloomberg nhận định, đối với cả Indonesia và Ấn Độ, điều khó dự đoán nhất của năm 2019 chính là chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu trong năm 2019, FED dừng lại sau 3 lần tăng lãi suất, đồng rupee của Ấn Độ và đồng rupiah của Indonesia – hai đồng tiền hoạt động tệ nhất tại châu Á trong năm 2018, sẽ không phải chịu áp lực. Tại Indonesia, nguy cơ từ thâm hụt tài khoản vãng lai vào khoảng 3,4%, đang hiển hiện rất rõ ràng. Với giá dầu cọ và cao su sụt giảm, xuất khẩu dự báo phục hồi chậm. Còn tại Ấn Độ, một sự thay đổi người lãnh đạo bất ngờ của ngân hàng trung ương có thể dẫn tới những điều kiện tài chính thả lỏng hơn – thậm chí là cả cắt giảm lãi suất – nhằm khuấy động tăng trưởng tín dụng trước thềm bầu cử.
Nguy cơ khó lường từ mạng xã hội
Có tới 1/3 dân số Indonesia đang sử dụng Facebook (ảnh: getty)
Nếu Fed được đánh giá là phông nền cho các cuộc bầu cử năm 2019 tại châu Á, thì Facebook có thể quyết định tính chất, thậm chí là kết quả. Kể từ khi scandal tiết lộ thông tin 87 triệu người dùng bị phanh phui, mạng thông tin xã hội này liên tục phải đối mặt với nhiều thách thức.
Giới phân tích đang lo ngại về vai trò lặp lại của mạng xã hội trong thắng lợi của ứng cử viên Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro tại Brazil. Trong khi đó, WhatsApp - ứng dụng tin nhắn thuộc sở hữu của Facebook, hiện có tới 250 triệu người dùng tại Ấn Độ. Quốc gia châu Á không thiếu các vụ giết người và phạm tội bắt nguồn từ tin tức giả. Trong khi đó, Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Thông tin Rudiantara của Indonesia cho biết, chính quyền tỏ ra khá chậm chạp và không hiệu quả khi xử lý hoặc gỡ bỏ các nội dung sai lệch trên mạng Internet. Có tới 1/3 người dân Indonesia đang sử dụng Facebook.
Cách một tỷ cử tri châu Á phản ứng trước thông tin sai lệch, tin tức giả và thái độ ngày càng cứng rắn hơn trước các cộng đồng thiểu số (tại Indonesia là cộng đồng người Hoa và tại Ấn Độ là cộng đồng người Hồi giáo) trong các cuộc bầu cử lớn năm 2019 – vẫn còn là "ẩn số". Quốc gia láng giềng Việt Nam là Thái Lan cũng sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 24/2/2019. Một nền chính trị bền vững sau thời gian dài bất ổn sẽ là điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư tại Thái Lan. Tuy nhiên, trong năm 2019, có lẽ đó sẽ là một hy vọng có phần hơi quá sức.