(Tổ Quốc) - Thượng đỉnh ba bên Nga, Ấn Độ và Trung Quốc bên lề G20 đang thu hút sự chú ý của giới phân tích.
Theo cây viết Melkulangara Bhadraumar trên trang Strategic Culture, cuộc họp thượng đỉnh ba bên của Nga, Ấn Độ và Trung Quốc bên lề G20 tại Buenos Aires ngày 1 tháng 12 đã trở thành một sự kiện mang tính bước ngoặt trong an ninh châu Á và chính trị toàn cầu.
Sự kiện này – được gọi là định dạng RIC -đã thực hiện một bước nhảy vọt lớn khi các lãnh đạo của ba nước đồng ý "tổ chức các cuộc họp ba bên như vậy trong các dịp đa phương", trích dẫn từ một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Nguồn cơn sức ép Mỹ?
Điều quan tâm đặc biệt là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra sáng kiến này và cả Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều nhiệt tình hoan nghênh. Ba nhà lãnh đạo đã rất chú ý tới bối cảnh nơi cuộc họp diễn ra.
Họ đề cập đến các nhu cầu hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia trong việc phản ứng trước những thách thức đối với an ninh và phát triển. Việc thúc đẩy hệ thống đa phương, dân chủ hóa trật tự quốc tế và hòa bình và ổn định thế giới đã được nhấn mạnh nhiều lần.
Theo giới phân tích, thượng đỉnh 3 bên Nga - Trung - Ấn đánh dấu những bước chuyển đáng kể. (Nguồn: Strategic Culture)
Đáng chú ý, nhận xét của Thủ tướng Modi là nhấn mạnh và cụ thể nhất. Ông Modi lưu ý rằng, cuộc họp mang tới "một cơ hội để tự do và công khai thảo luận về một số vấn đề quan trọng dấy lên mối quan tâm trên toàn cầu."
"Không nghi ngờ gì, thế giới ngày nay đang trải qua một giai đoạn thay đổi nghiêm trọng, bất ổn và căng thẳng địa chính trị đang gia tăng. Đang có sức ép nghiêm trọng đối với sự lãnh đạo toàn cầu. Quan hệ đa phương và trật tự thế giới dựa trên các quy tắc chung đang ngày càng chịu nhiều áp lực …. Chúng ta có thể thấy điều này xảy ra khi các biện pháp trừng phạt được áp đặt bên ngoài các chính sách của Liên hợp quốc và các chính sách bảo hộ đang đạt được sức mạnh".
"Chương trình nghị sự phát triển Doha trong WTO đã thất bại. Kể từ Hiệp định Paris, chúng ta đã không nhìn thấy mức cam kết tài chính dự kiến thay mặt cho các nước phát triển mang tới cho các quốc gia đang phát triển. Chúng ta vẫn còn rất xa trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững".
Cả ba nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng Nga, Ấn Độ và Trung Quốc có một vai trò lãnh đạo quan trọng trong môi trường quốc tế hiện tại và thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường cơ chế hợp tác ba bên RIC.
Thượng đỉnh RIC tại Buenos Aires có thể được xem là bước tiến hợp lý sau những thay đổi diễn ra trong địa chính trị của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn gần đây. Mặc dù có những nỗ lực mạnh mẽ của Mỹ, các quốc gia trong khu vực vẫn hạn chế các động thái xa rời Trung Quốc. Melkulangara Bhadraumar cho rằng, các nước này vẫn phần nào lo ngại những chính sách thất thường, không thể đoán trước của Mỹ.
Mặt khác, khả năng vượt trội của Mỹ về mặt quân sự đối với Trung Quốc đang giảm dần, trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang mở rộng ảnh hưởng tại Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, nơi từng là "phạm vi ảnh hưởng" độc quyền của Mỹ.
Sự chuyển dịch của Ấn Độ
Từ quan điểm của Ấn Độ, đáng chú ý, ông Modi đã thể hiện sự hào hứng đối với sáng kiến của ông Putin về thượng đỉnh ba bên RIC. Ông Modi không chỉ hồi sinh lại các sợi dây liên kết của quan hệ Ấn Độ - Nga, đã suy giảm trong thập kỷ qua, mà còn thấy sự hợp tác như một chiếc neo lại sự tự chủ chiến lược của Ấn Độ. Nhìn lại, hội nghị thượng đỉnh không chính thức của ông Modi với ông Putin tại Sochi trước đó đã diễn ra tại một thời điểm quyết định trong việc thúc đẩy các chiến lược khu vực và toàn cầu của Ấn Độ trong môi trường quốc tế đầy biến động.
Quyết định mạnh mẽ của ông Modi vào tháng 10 trong việc thúc đẩy thỏa thuận tên lửa S-400 với Nga khi đối mặt với áp lực to lớn của Hoa Kỳ nhấn mạnh sự quyết đoán theo đuổi các chính sách đối ngoại độc lập. Hội nghị thượng đỉnh RIC diễn ra trong bối cảnh cuộc họp giữa ông Putin và ông Trump bị hủy bỏ ở những phút cuối cùng.
Điều thứ hai, ông Modi đang xây dựng sự đồng thuận mà ông đã đạt được với Chủ tịch Tập tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Vũ Hán vào tháng Tư. Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng cường các mối liên hệ song phương của họ nhằm tăng cường liên kết chiến lược của họ. Ông Modi đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Tập ba lần kể từ tháng 4 tới nay. (Cuộc gặp Song phương cuối cùng của ông Modi với ông Trump là vào tháng 11 năm 2017.)
"Tinh thần Vũ Hán" đã cho kết quả tích cực. Căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đã giảm xuống và trọng tâm là xây dựng lòng tin, phối hợp giải quyết tranh chấp biên giới. Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ gần đây đã nói rằng quan hệ song phương đang chứng kiến một trong những giai đoạn tốt nhất của họ trong lịch sử.
Có thể hiểu được, ông Putin đã nắm bắt được thời điểm để kết nối các bên bằng cách bắt đầu đề xuất về định dạng RIC ở cấp hội nghị thượng đỉnh. Đây là một ý tưởng ban đầu được đưa ra vào năm 1998 nhưng lúc đó nó đã đi trước thời đại. Sau hai thập kỉ, tam giác ba bên này đã góp phần định hình mũi nhọn hướng đông trong chính sách đối ngoại của Nga, khi Moscow ưu tiên tăng cường quan hệ với các nước châu Á.
Dù vậy, làm thế nào định dạng RIC ở cấp độ hội nghị thượng đỉnh sẽ phát triển như một tam giác chiến lược vẫn còn phải được xem xét.
Vẫn có một mức độ bất đối xứng trong RIC trong khi Nga thích các mối quan hệ quân sự và chính trị chặt chẽ với cả Trung Quốc và Ấn Độ, điều Trung Quốc và Ấn Độ chưa thật sự nhìn nhận ở cấp độ phù hợp. Ấn Độ và Trung Quốc vẫn có mối quan tâm mạnh mẽ về việc quan hệ đối tác kinh tế với phương Tây và cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không tìm kiếm một liên minh "chống phương Tây". Dù vậy, định dạng RIC đủ linh hoạt để thảo luận về các vấn đề quốc tế.