• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sau cánh cửa G20, ẩn tình "quyền lực" Trung Quốc tại sân sau Mỹ

Thế giới 29/11/2018 10:27

(Tổ Quốc) - Argentina và Trung Quốc đang hướng đến đạt được một thỏa thuận trong vòng vài ngày tới về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ tư tại quốc gia Nam Mỹ này.

Dự án trị giá hàng tỷ đô la này sẽ củng cố ảnh hưởng sâu sắc của Bắc Kinh tại một vùng đất vốn là một đồng minh quan trọng của Mỹ.

Trung Quốc đang nổi lên

Argentina hy vọng sẽ công bố một thỏa thuận với phía Trung Quốc về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Atucha III trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc vào ngày Chủ nhật – theo sau hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Juan Pablo Tripodi, người đứng đầu cơ quan đầu tư của quốc gia này nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.

Thỏa thuận tiềm năng này, được báo cáo trị giá lên đến 8 tỷ đô la, là biểu tượng của việc tăng cường quan hệ kinh tế, ngoại giao và văn hóa của Trung Quốc với Argentina. Đây là một phần của việc thúc đẩy ảnh hưởng rộng rãi hơn của Bắc Kinh vào Mỹ La Tinh – điều đã dấy lên hồi chuông báo động với Mỹ, vốn xem khu vực như sân sau của nó và đang nghi ngờ về động cơ của Trung Quốc.

Trọng tâm của cuộc họp tuần này giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề G20 sẽ là về cuộc chiến thương mại song phương, tuy nhiên, bối cảnh sẽ là sự cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Mỹ Latinh.

Sau cánh cửa G20, ẩn tình quyền lực Trung Quốc tại sân sau Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Argentina và Mỹ la tinh đang gia tăng. (Nguồn: Reuters)

Khi Argentina đàm phán một thỏa thuận tài chính trị giá 56,3 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giải cứu nền kinh tế gặp khó khăn hồi đầu năm nay, ông Trump đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch và sự lãnh đạo của Tổng thống Mauricio Macri.

Nhưng Trung Quốc đã nổi lên như một đối tác thương mại, nhà đầu tư và tài chính quan trọng của Argentina, theo đánh giá của Reuters đối với các dữ liệu thương mại và đầu tư cho thấy. Bắc Kinh đã bơm hàng tỷ đô vào nền kinh tế của Argentina và định vị mình như một người cho vay đáng tin cậy đối với nền kinh tế Argentina đang gặp khủng hoảng.

Trung Quốc và Argentina dự kiến sẽ ký một thỏa thuận trao đổi tiền tệ vào cuối tuần này, tăng gấp đôi số tiền ban đầu của hạn mức lên 18,7 tỷ USD. Thỏa thuận này sẽ làm cho Trung Quốc trở thành người cho vay phi tổ chức lớn nhất đối với Argentina.

Trung Quốc là nước nhập khẩu chính đậu tương Argentina, cây trồng mang đến nguồn tiền mặt lớn nhất cho nước này. Trong 10 năm qua, Bắc Kinh cũng nổi lên như một nhà tài chính lớn cho các dự án của Argentina, chủ yếu là cơ sở hạ tầng, trị giá khoảng 18 tỷ USD, với lãi suất thấp từ 3 đến 4%.

Các cuộc đàm phán về đầu tư của Trung Quốc cho nhà máy điện hạt nhân Atucha III là một nguyên nhân chính khiến chính phủ Mỹ lo ngại, một quan chức chính quyền của Trump nói với Reuters.

Atucha III sẽ là một trong những dự án lớn nhất được tài trợ bởi Trung Quốc ở Argentina, theo dữ liệu mà Reuters xem được về tài trợ của Trung Quốc.

Tờ báo quốc gia của Argentina, Clarin, đưa tin vào cuối tuần rằng, nếu thỏa thuận được ký kết, Trung Quốc sẽ cho Argentina vay 6,5 tỷ USD và hoàn trả trong vòng 20 năm, với 8 năm ân hạn và 4,5% lãi hàng năm. Reuters chưa thể xác nhận độc lập những chi tiết này.

"Nó (những dự án này-pv) tạo ra sự phụ thuộc kinh tế và chính trị vào Trung Quốc, điều này cực kỳ nguy hiểm", quan chức Mỹ trên cho biết và nói thêm, "thông điệp cho Macri và các nhà lãnh đạo khu vực khác ngày càng được làm rõ rằng "chủ quyền của bạn có thể bị mất do bị nợ nần và bạn có thể mất chủ quyền vào tay người nắm giữ nợ của bạn".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc mạnh mẽ phản bác quan điểm đó.

"Hoạt động đầu tư và tài chính ở châu Mỹ Latinh phù hợp với các quy tắc của thị trường và các quy định và thông lệ quốc tế chung, và không có bất kỳ điều kiện chính trị nào được đính kèm" và sự tham gia của các công ty Trung Quốc trong các dự án về điện, nước và đường bộ đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của Argentina, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Lên tiếng Bảo vệ mối quan hệ của Argentina với Trung Quốc, một quan chức chính phủ Argentina nói với Reuters rằng Bắc Kinh là một nhà đầu tư quan trọng và sẽ càng trở nên quan trọng hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, quan chức này thừa nhận mối quan ngại của Mỹ không phải là không có lí do.

"Nói chung, tôi sẽ nói đó là một cảnh báo công bằng và là một điều quốc gia nên xem xét. Tôi nghĩ rằng Argentina đang xem xét điều đó rất nghiêm túc," quan chức này cho biết.

Nền tảng tới sân sau của Mỹ

Theo ông Juan Uriburu, một luật sư người Argentina, người đang làm việc cho hai liên doanh lớn của Argentina - Trung Quốc, sự gắn kết của Trung Quốc với Argentina có thể là do ba yếu tố: tài nguyên thiên nhiên, thể chế còn yếu và thiếu các lựa chọn tài chính khác.

"Trung Quốc có thể đầu tư để có được tỉ lệ "lợi ích" cạnh tranh ở đây. Trong khi đó, những gì họ tạo ra là những thị trường mới cho các công ty Trung Quốc ở nước ngoài, và tại nước sở tại có nghĩa là các công ty Trung Quốc sẽ làm việc, tạo ra sản phẩm, tạo nên đầu máy xe lửa, xe hơi, đường ray, mọi thứ, "Uriburu nói.

Tripodi, người đứng đầu cơ quan đầu tư của Argentina, đã ghi nhận các chính sách thân thiện với doanh nghiệp của Macri cho sự đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc. Lợi ích từ các công ty Trung Quốc đang phát triển "theo cấp số nhân", ông nói.

Tại Brazil, nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latinh, Tổng thống cánh hữu Jair Bolsonaro cũng có lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc khi vận động tranh cử, miêu tả Bắc Kinh như một kẻ săn mồi tìm cách thống trị các lĩnh vực kinh doanh chính. Nhưng kể từ khi chiến thắng bầu cử, ông Bolsonaro đã làm dịu lập trường của mình, nói rằng Trung Quốc được chào đón đầu tư vào Brazil và thương mại giữa hai nước có thể phát triển.

Theo Reuters, ảnh hưởng của Trung Quốc ở Argentina đã vượt ra những con số. Điển hình, họ đã thành lập các Viện Khổng Tử, tổ chức văn hóa tại trường đại học lớn nhất của Argentina, Đại học Buenos Aires và một trường đại học thứ hai ở tỉnh Buenos Aires.

Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng các viện nghiên cứu này, với số lượng hơn 100 cơ sở trên toàn thế giới, là một nỗ lực của Trung Quốc để tăng cường ảnh hưởng chính trị của mình – điều Bắc Kinh phủ nhận.

Một trong những ví dụ rõ ràng nhất về quyền lực mềm của Trung Quốc tại Argentina là chính phủ nước này đã tổ chức một sự kiện được truyền hình trên toàn quốc với sự góp mặt của Đại sứ Trung Quốc hồi đầu tháng này để giới thiệu xe bọc thép và các thiết bị an ninh khác mà Trung Quốc đã quyên góp để giúp bảo đảm an ninh cho thượng đỉnh G20.

Các quan chức an ninh Argentina từng nói với Reuters rằng họ sẽ tổ chức một sự kiện riêng để nêu bật sự hỗ trợ của Mỹ cho hội nghị thượng đỉnh này. Tuy nhiên, dù thượng đỉnh G20 sắp diễn ra vào cuối tuần nhưng sự kiện trên vẫn chưa xảy ra.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ