• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

5 loài động vật có khả năng bay lượn cừ khôi dù không phải là chim

Khám phá 07/01/2023 18:02

(Tổ Quốc) - Thế giới tự nhiên thật sự vô cùng phong phú. Một số loài động vật dù không phải chim nhưng lại có thể bay lượn điêu luyện. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về 5 loài động vật biết bay thú vị nhất dù không có cánh nhé.

1. Cá đuối bay    

Cá đuối bay hay còn gọi Mobula là một chi cá trong họ cá Myliobatidae (cá đuối đại bàng) thuộc bộ cá đuối ó Myliobatidae. Hẳn bạn sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên vì loài cá này có thể bay lên khỏi mặt nước như chim tới 2m. Những con cá đuối này có chiều ngang đạt tới 5,2m, trọng lượng đạt tới 1 tấn.

5 loài động vật có khả năng bay lượn cừ khôi dù không phải là chim - Ảnh 1.

Cá đuối có thể bay lên khỏi mặt nước như chim tới 2m. (Ảnh: NatGeo)

Theo các nhà khoa học, cá đuối bay sống trong phạm vi nhỏ hẹp với tỷ lệ sinh sản thấp. Điều này khiến chúng phải cạnh tranh rất khốc liệt để duy trì nòi giống. Khi tới mùa sinh sản, cá đuối bay sẽ tập trung thành bầy lớn bơi cùng nhau, cũng trong thời điểm này chúng sẽ tìm cách để kết bạn với cá đuối cái. Để thu hút bạn tình, những con cá đuối đực sẽ phi thân lên mặt nước cao nhất có thể rồi dang rộng "đôi cánh" để nhào lộn sao cho đẹp mắt nhất và để tăng diện tích tiếp xúc với mặt nước tạo tiếng nổ lớn nhất.

2. Rắn bay

Rắn bay có danh pháp khoa học: Chrysopelea là một chi rắn trong phân họ Ahaetuliinae họ Colubridae. Chúng là một nhóm rắn sống trên cây từ Đông Nam Á (ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia) tới Nam Á. Rắn bay chủ yếu sống ở các ngọn cây, chúng  nhảy từ cành cây để thoát khỏi kẻ săn mồi hoặc tìm kiếm con mồi. Chúng có thể bay tới khoảng cách lên đến 24m.

5 loài động vật có khả năng bay lượn cừ khôi dù không phải là chim - Ảnh 2.

Rắn bay có thể lướt đi nhanh với tốc độ 8 đến 10 mét/giây. (Ảnh: NatGeo)

Jake Socha, một nhà sinh vật học thuộc Đại học công nghệ Virginia cho biết: Các loài rắn bay có cấu tạo cơ thể đặc biệt có thể tự làm phẳng mình khi chúng quăng mình, chúng còn biết cách nghiêng bên này bên kia để hứng gió, tạo lực nâng chống lại trọng lực. Rắn bay có thể lướt đi nhanh với tốc độ 8 đến 10 mét/giây.

3. Mực bay

Mực bay có tên gọi Todarodes pacifius theo tiếng La-tinh, thuộc họ mực Ommastrephidae. Chúng sống ở phía bắc của Thái Bình Dương, quanh khu vực biển Nhật Bản, Trung Quốc và Nga, phía nam bờ biển Alaska và Canada, chúng cũng sống ở miền trung Việt Nam. Mực bay có màu xanh, dài khoảng 20cm, chúng có thể bay được 30m trên bề mặt nước để tránh kẻ thù hoặc tiết kiệm năng lượng khi di cư.

5 loài động vật có khả năng bay lượn cừ khôi dù không phải là chim - Ảnh 3.

Mực bay có thể bay được 30m trên bề mặt nước để tránh kẻ thù hoặc tiết kiệm năng lượng khi di cư. (Ảnh: NatGeo)

Mực bay có 2 vây và một vòi nước có tác dụng lấy nước từ bên này và đẩy nước ra ngoài từ bên kia. Đây cũng là cơ chế bay của mực. Chúng bay ngược về phía sau với các xúc tu đung đưa và vây của chúng hoạt động như đôi cánh giúp chúng giữ thăng bằng trong không trung.

4. Ếch bay

Ếch bay hay còn gọi là ếch lượn là một loài ếch trong họ Rhacophoridae. Chúng được tìm thấy ở Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, có thể cả Brunei, và có thể cả Myanma. Do có tứ chi rất khoẻ, giữa các ngón có màng da, màng chân lớn, nếp da bên cánh tay rộng nên ếch bay có thể dễ dàng liệng từ trên cây cao xuống và tiếp đất nhẹ nhàng, hoặc lướt từ cây này sang cây khác mà không hề hấn gì.

5 loài động vật có khả năng bay lượn cừ khôi dù không phải là chim - Ảnh 4.

Ếch bay có thể dễ dàng liệng từ trên cây cao xuống và tiếp đất nhẹ nhàng. (Ảnh: NatGeo)

Chúng có kích thước khá lớn, con đực dài 72,3 – 85,5mm, con cái 89,4 – 90,7mm. Màu sắc con đực và con cái giống nhau. Ngoại hình ếch bay thường tương xứng với khu vực sinh sống và có khả năng thay đổi. Loài sống ở vùng nhiệt đới thường có màu sắc sặc sỡ, còn loài sống ở vùng khí hậu ôn đới thường có màu tối hơn.

5. Sóc bay

Sóc bay là loài thú có túi kích thước nhỏ, có nguồn gốc từ nước Úc và New Guinea. Cấu tạo cơ thể cho phép sóc bay dễ dàng di chuyển từ cây này qua cây khác. Chúng có một lớp màng mỏng kéo dài hai bên sườn, có tác dụng như một chiếc dù lượn. Nhờ lớp mảng mỏng manh ấy mà sóc có thể bay xa tới 60 – 100 mét chỉ sau vài giây. Tuy nhiên, chúng không thể tự cất cánh từ dưới mặt đất mà phải thả mình từ trên cây cao xuống.

5 loài động vật có khả năng bay lượn cừ khôi dù không phải là chim - Ảnh 5.

Loài sóc này có thể bay xa tới 60 – 100 mét chỉ sau vài giây. (Ảnh: NatGeo)

Sóc bay ban ngày thường trốn trong tổ, đến tối mới ra ngoài kiếm ăn và dạo chơi. Đa số thời gian được chúng dành để ngủ. Sóc bay có 1 bộ lông màu xanh xám mịn màng, cơ thể nhẹ và nhỏ nhắn. Trong tự nhiên, sóc bay gần như có thể ẩn mình vào môi trường tự nhiên ví dụ như lá và cành cây. Chúng rất khó bị phát hiện bằng mắt thường.

*Bài viết được tổng hợp từ NHM, FactAnimal,NatGeo.

Nguyệt Phạm

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ