• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Malaysia tăng cường biện pháp bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô

Thế giới 17/02/2025 13:45

(Tổ Quốc) - Theo trang SCMP, bên dưới vùng nước màu ngọc lam của Redang là cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng về tình trạng san hô bị tẩy trắng, rác thải và sự thờ ơ của con người.

Theo các nhà bảo tồn biển Muhaimin Hou, vào mùa cao điểm, hơn 100 chiếc thuyền sẽ chở khách du lịch đến hòn đảo Redang đẹp như tranh vẽ.

Malaysia tăng cường biện pháp bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô - Ảnh 1.

Một thợ lặn đang kiểm tra những con cá sống quanh rạn san hô ngoài khơi đảo Tioman ở Pahang, như một phần trong cuộc khảo sát thường niên của Reef Check Malaysia về các rạn san hô của đất nước này. Ảnh: Reef Check Malaysia

Du khách rất thích thú với hệ sinh thái rạn san hô ngoài khơi bang Terengganu ở phía đông Malaysia, khiến nơi đây luôn phải đối mặt với thách thức lớn: san hô bị hư hại, những đống rác thải còn sót lại trên những bãi biển nguyên sơ và tài nguyên thiên nhiên của hòn đảo bị đe doạ.

"Vấn đề với những người du ngoạn trong ngày là người lái thuyền và hướng dẫn viên của họ không phải người Redang. Họ không biết thả neo ở đâu và dễ làm hư hại các rạn sạn hô", Muhaimin, trợ lý giám đốc chương trình của nhóm bảo tồn Reef Check Malaysia cho biết.

Và rồi còn rác thải chất đống. Theo ông Muhaimin, những người đi chơi trong ngày sẽ tụ tập tại Bãi biển Teluk Dalam để ăn trưa đóng gói sẵn. Sau khi ăn, họ chỉ để lại rác ở đó. Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng quá nhiều rác thải.

Thiên đường san hô

Redang là một trong những viên ngọc quý của Malaysia, thiên đường của đa dạng sinh học biển, thu hút hàng chục nghìn du khách đến đây mỗi năm.

Từ bơi cùng rùa biển ở Tioman đến lặn cùng cá mập đầu búa ở Sipadan, các rạn san hô dưới biển ở Malaysia là nam châm thu hút du lịch sinh thái. Theo Bộ Du lịch Malaysia, du lịch chiếm khoảng 15% doanh thu hàng năm của Malaysia và đất nước này đã đón hơn 25 triệu du khách vào năm 2024 - tăng 24% so với năm trước.

Tuy nhiên, những rạn san hô của Redang đối mặt với nhiều thách thức khi đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự kiện san hô bị tẩy trắng toàn cầu trong năm qua. Xung quanh Pulau Lima, một hòn đảo nhỏ ở phía đông Redang, hơn 90% san hô đã được coi là chết.

San hô bị tẩy trắng có thể phục hồi khi nhiệt độ đại dương giảm xuống, nhưng Redang thì không may mắn như vậy.

Ông Muhaimin từ Reef Check Malaysia cho biết hầu hết các rạn san hô ở đây đều không có cơ hội phục hồi.

Một cuộc khảo sát của Reef Check Malaysia năm ngoái ghi nhận 63% trong số 315 hòn đảo và khu vực mà họ nghiên cứu cho thấy sự suy giảm về diện tích san hô sống, một chỉ số quan trọng về sức khỏe của rạn san hô.

Nếu không có hệ sinh thái san hô phát triển mạnh, hiệu ứng lan rộng sẽ xảy ra liên tiếp - ít cá hơn, bờ biển dễ bị tổn thương và ngành du lịch có nguy cơ tự hủy hoại.

Các rạn san hô không chỉ mang đến cảnh quan dưới nước tuyệt đẹp mà còn hỗ trợ khoảng 1/4 các loài sinh vật biển, bao gồm các loài cá như cá mú và cá hồng, là thực phẩm chính trong bữa ăn gia đình trên khắp châu Á. Chúng cũng hoạt động như đê chắn sóng tự nhiên, bảo vệ bờ biển khỏi bão và hoạt động song song với rừng ngập mặn để ngăn chặn xói mòn và bổ sung nguồn cá.

Trên toàn cầu, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc ước tính các rạn san hô đóng góp 2,7 nghìn tỷ đô la Mỹ hàng năm cho nền kinh tế thế giới. Nhưng chúng cũng là điềm báo của thảm họa khí hậu.

Cơ quan của Liên hợp quốc đã cảnh báo ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu được duy trì ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F), thì khoảng 90% các rạn san hô vẫn có thể biến mất vào năm 2050 do đợt nắng nóng kéo dài trên đại dương.

Trách nhiệm bảo tồn

Các rạn san hô của Redang hiện cũng đối mặt với mối đe dọa bởi biến đổi khí hậu và sự vô trách nhiệm của con người. Theo báo cáo mới nhất của Reef Check Malaysia, lưới đánh cá bị vứt bỏ, neo đậu bừa bãi và các hoạt động du lịch phá hoại đã gây thiệt hại ước tính 83% các rạn san hô của Malaysia.

"Chúng ta không thể kiểm soát những tác động tự nhiên như san hô bị tẩy trắng, nhưng chúng ta có thể giảm thiểu thiệt hại vật chất do hoạt động của con người để các rạn san hô có khả năng chống chọi tốt hơn với vùng nước ấm hơn", ông Adzmin Fatta, Giám đốc chương trình của Reef Check Malaysia cho dự án bảo tồn Semporna tại Sabah nhận định.

Bên cạnh đó, sự hồi sinh của du lịch sau đại dịch cũng làm trầm trọng thêm vấn đề. Kể từ năm 2023, du lịch đại chúng phát triển mạnh mẽ, đe dọa các hệ sinh thái san hô ở đây.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều là bi quan và u ám. Các nhà bảo tồn cho biết chúng ta vẫn có những hy vọng. Cộng đồng địa phương và cơ quan chính phủ đang nỗ lực bảo vệ kho báu biển ở Malaysia. Các chương trình cấp phép và đào tạo cho các công ty lữ hành, các chiến dịch nâng cao nhận thức người dân và du khách từ cơ sở đồng thời tăng cường tuần tra tình nguyện là những biện pháp đang được quan tâm.

Shahir Yaman, người đứng đầu dự án Reef Check Malaysia tại Tioman, cách Redang 350 km (218 dặm) về phía nam, tin rằng nhận thức của con người đang tăng lên.

"Hãy tưởng tượng trong tương lai, chúng ta mất đi nguồn dồi dào của cá, tôm hùm, rạn san hô. Tất cả những thứ liên quan đến hải sản. Chúng ta sẽ mất đi những giá trị của biển cả mà chúng ta vô cùng tự hào. Vì vậy, người dân phải nhận thức rõ ràng hơn rằng nguồn thu nhập của họ đến từ các rạn san hô, rằng khách du lịch đến đây vì họ muốn ngắm các rạn san hô. Vì vậy, cộng đồng địa phương sẽ phải nâng cao trách nhiệm và ý thức bảo tồn nhiều hơn nữa", ông Yaman nói./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ