• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

5 thiết bị công nghệ hữu ích bị con người lãng quên chỉ sau 30 năm, nhìn lại bồi hồi nhưng chẳng ai muốn dùng

Khám phá 28/01/2023 20:58

(Tổ Quốc) - Dù từng là thứ mà ai cũng ao ước, săn đón nhưng những món đồ này cũng dần phải nhuờng chỗ cho các thiết bị hiện đại, hữu ích hơn.

Nhiều thập kỷ trôi qua, với sự phát triển của công nghệ, vô số những thiết bị hiện đại nhằm phục vụ cho nhu cầu của con người đã được phát minh, cải tiến và chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.

Vào thời điểm những năm 1980, có rất nhiều thiết bị công nghệ mang tính biểu tượng, từ Walkman đến đầu đĩa VCR hay máy nhắn tin. Hầu hết các tiện ích và thiết bị giải trí sáng tạo của thời kì trước đó đã trở nên lỗi thời. 

5 thiết bị công nghệ hữu ích bị con người lãng quên chỉ sau 30 năm, nhìn lại bồi hồi nhưng chẳng ai muốn dùng - Ảnh 1.

Giờ đây, khi con người ở kỷ nguyên của công nghệ, những chiếc điện thoại di động, công nghệ AI hay thiết bị gia dụng thông minh đang ngày càng phổ biến. Chúng đã khiến cho những món đồ công nghệ vốn từng vô cùng hữu ích trong cuộc sống trở nên lỗi thời và dần dần bị lãng quên.

Dưới đây là 5 tuyệt tác công nghệ có ảnh hưởng lớn của thập niên 1980 nhưng không còn được ưa chuộng ở thời điểm hiện tại.

Máy nhắn tin

Lần đầu tiên được phát triển thương mại vào những năm 1950 để sử dụng trong lĩnh vực y tế, máy nhắn tin sau đó được sử dụng phổ biến hơn vào những năm 1980. Khi có tin nhắn, mọi người sẽ ra những bốt điện thoại bàn, quay số và nghe lời nhắn của người khác gửi đến cho mình.

5 thiết bị công nghệ hữu ích bị con người lãng quên chỉ sau 30 năm, nhìn lại bồi hồi nhưng chẳng ai muốn dùng - Ảnh 2.

Nhờ sự phổ biến của mình, chiếc máy nhắn tin đã trở thành một hiện tượng văn hóa, được nhắc đến trong nhiều bài hát nổi tiếng vào thời điểm đó.

Trong thế kỷ 21, sự phổ biến rộng rãi của điện thoại di động và điện thoại thông minh đã làm suy giảm đáng kể ngành công nghiệp máy nhắn tin. Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục được sử dụng bởi một số dịch vụ khẩn cấp.

Đầu ghi băng video (VCR)

Xuất hiện trên thị trường Hoa Kỳ vào những năm 1970, hai định dạng đầu ghi video VCR nổi lên dẫn đầu ngành này là Betamax ra mắt năm 1975 và VHS, ra mắt năm 1976.

5 thiết bị công nghệ hữu ích bị con người lãng quên chỉ sau 30 năm, nhìn lại bồi hồi nhưng chẳng ai muốn dùng - Ảnh 3.

Vào năm 1980, khi VHS chiếm lĩnh thị phần lớn, những chiếc VCR là thiết bị không thể thiếu của mỗi gia đình. Theo đó, nó trang bị bộ hẹn giờ có thể lên lịch ghi các chương trình phát sóng trên TV, giúp người xem thoải mái xem các chương trình yêu thích của họ theo lịch trình của riêng họ. 

Trong suốt 20 năm, đây vẫn là một thiết bị quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của con người. Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, sự ra đời của đầu đĩa DVD đã dần khiến VCR mất đi thị phần của mình và chính thức ngừng sản xuất hoàn toàn vào năm 2016.

Máy fax

Cùng với điện thoại, máy photocopy và máy đánh chữ, máy fax được coi là thiết bị vô cùng phổ biến trong các văn phòng làm việc vào những năm 1980. Chiếc máy này hỗ trợ người dùng quét tài liệu có văn bản hoặc hình ảnh vào thiết bị, thiết bị này sẽ xử lý nội dung dưới dạng một hình ảnh duy nhất, chuyển đổi tài liệu đó thành bitmap và truyền nó qua đường dây điện thoại ở dạng âm tần. Ở đầu bên kia, máy fax khác sẽ nhận thông tin và tái tạo lại hình ảnh và in một bản sao ra giấy.

5 thiết bị công nghệ hữu ích bị con người lãng quên chỉ sau 30 năm, nhìn lại bồi hồi nhưng chẳng ai muốn dùng - Ảnh 4.

Năm 1964, Xerox đưa ra thị trường chiếc máy fax hiện đại đầu tiên và đến cuối những năm 1970, nhiều đối thủ cạnh tranh khác đã tham gia vào thị trường. Việc truyền tài liệu tức thời của máy fax là vô cùng thiết thực và tiện lợi. Nhưng các thiết bị này lại gât ồn ào, yêu cầu nguồn giấy đắt tiền và văn bản của chúng lại chỉ được hiển thị dưới dạng hình ảnh bitmap, không thể chỉnh sửa hoặc thay đổi. Do vậy, sau khi email và máy tính cá nhân trở nên phổ biến, những thiết bị như máy fax đã không còn giữ được vị thế của mình trong cuộc sống.

Máy đánh vần

Sự phát triển của công nghệ máy tính cá nhân đã mang lại một số trò chơi điện tử vào những năm 1970. Trong số đó, những chiếc máy đánh vần dành cho trẻ em là một trong những thiết bị cầm tay sớm nhất có màn hình trực quan và là một trong những máy chơi trò chơi đời đầu.

5 thiết bị công nghệ hữu ích bị con người lãng quên chỉ sau 30 năm, nhìn lại bồi hồi nhưng chẳng ai muốn dùng - Ảnh 5.

Theo đó, chiếc máy này sử dụng công nghệ lưu trữ đầy đủ các từ, sau khi người dùng nhập một từ bất kỳ, nó sẽ lập tức phát âm chuẩn xác từ đó, qua đó giúp cho trẻ em có thể hiểu rõ về từ mà mình đang học.

Sự phổ biến của chiếc máy này đã giúp nó trở thành một phần của văn hóa đại chúng. Nó được nhắc đến trong nhiều chương trình truyền hình và phim ảnh.

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của điện thoại, ipad,...việc sử dụng máy đánh vần cũng dần bị quên lãng.

Máy nghe nhạc Sony Walkman

Với những người trẻ ở thế kỷ 21, những chiếc ipod nghe nhạc đã không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng chiếc máy cassette cầm tay với tai nghe nhét tai mới chính là thiết bị tiên phong và đã mãi mãi thay đổi cách mọi người thưởng thức âm nhạc.

Sony Walkman hi-fi được giới thiệu tại Nhật Bản vào năm 1979 và một năm sau tại Mỹ đã cho phép người tiêu dùng trở thành DJ của chính họ. Họ không chỉ có thể chọn từ các phiên bản băng cassette mà các thiết bị băng cassette còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc mix các bài hát yêu thích lại vào một danh sách.

5 thiết bị công nghệ hữu ích bị con người lãng quên chỉ sau 30 năm, nhìn lại bồi hồi nhưng chẳng ai muốn dùng - Ảnh 6.

Sự phổ biến của Walkman và các thiết bị ăn theo đã giúp băng cassette lần đầu tiên bán chạy hơn đĩa nhựa vào năm 1983. Từ "Walkman" sau đó cũng được sử dụng để chỉ chung các thiết bị nghe nhạc cầm tay và được đưa vào Từ điển tiếng Anh Oxford năm 1986.

Dù vậy, cũng giống như các thiết bị công nghệ nói trên, thời kỳ hoàng kim của walkman đã dần khép lại để nhường chỗ cho ipod và sau đó là điện thoại thông minh, tai nghe không dây,...

Nguồn: History

Thanh Tâm

NỔI BẬT TRANG CHỦ