• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ai là thành viên nội các đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden?

Thế giới 21/01/2021 14:09

(Tổ Quốc) - Lần đầu trong một thập kỷ Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Thượng viện, Hạ viện và cả Nhà Trắng.

AP đăng tải, hôm thứ Tư (20/1), 3 nghị sỹ mới đã chính thức nhậm chức, giúp phe Dân chủ đảm bảo được đa số tại Thượng viện Mỹ. Như vậy, một chính phủ thống nhất với quyền kiểm soát hai viện đều nghiêng về đảng cầm quyền sẽ giúp tân tổng thống có thêm nhiều lợi thế trong nỗ lực giải quyết các thách thức chưa từng có trong tiền lệ mà nước Mỹ đang đối mặt.

Ai là thành viên nội các đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden được thông qua? - Ảnh 1.

3 Thượng nghị sỹ mới tuyên thệ tại Thượng viện Mỹ dưới sự hướng dẫn của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (ảnh: AP)

Trong lần bỏ phiếu đầu tiên sau khi ông Biden trở thành Tổng thống thứ Hoa Kỳ thứ 46, Thượng viện đã thông qua đề cử của ông Biden cho vị trí Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia đối với bà Avril Haines. Các nghị sỹ đã làm việc cả buổi tối và dàn xếp được sự phản đối từ một số đảng viên Cộng hòa trước thành viên đầu tiên trong nội các mới.

Từng là phó giám đốc của CIA, bà Haines được kỳ vọng sẽ trở thành nhân tố chủ chốt trong đội ngũ an ninh của ông Biden.

Tân Lãnh đạo Phe Đa số tại Thượng viện Chuck Schumer mong muốn các đồng nghiệp biến lời kêu gọi đoàn kết của Tổng thống Biden thành hành động.

"Tổng thống Biden, chúng tôi đã nghe thấy ông một cách rõ ràng. Chúng ta có một chương trình nghị sỹ dài hơi và chúng ta cần phải hoàn thành nó cùng nhau", ông Schumer nói.

Ba nghị sỹ Dân chủ mới gia nhập Thượng viện trong bối cảnh tỷ lệ số ghế giữa hai đảng "giằng co" là 50-50; tuy nhiên Đảng Dân chủ giành được đa số nhờ vào sự xuất hiện của Phó Tổng thống Kamala Harris.

"Ngày hôm nay chúng ta đang lật sang một trang mới sau bốn năm, chúng ta sẽ tái đoàn kết đất nước, đánh bại COVID-19, đẩy mạnh hỗ trợ kinh tế cho người dân", ông Jon Ossoff – một trong 3 nghị sỹ mới phát biểu trước báo giới.

Đây là lần đầu trong một thập kỷ Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Thượng viện, Hạ viện và cả Nhà Trắng. Tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng đang đứng trước loạt thách thức vô cùng khó khăn bao gồm cuộc khủng hoảng COVID-19 và những ảnh hưởng kinh tế của nó cũng như sự chia rẽ trong nội bộ sau khi những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump tấn công vào tòa nhà Quốc hội ngày 6/1.

Ai là thành viên nội các đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden được thông qua? - Ảnh 2.

Tổng thống mới nhậm chức Biden kêu gọi nước Mỹ đoàn kết để cùng vượt qua các thách thức chưa từng có trong tiền lệ (ảnh: AP)

Quốc hội Mỹ sẽ tiến hành xem xét đề xuất của ông Biden về gói hồi phục COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD nhằm phân phối vaccine và thúc đẩy kinh tế. Cùng lúc, Thượng viện còn phải tổ chức phiên tòa luận tội ông Trump sau khi Hạ viện cáo buộc ông kích động bạo lực trong vụ tòa nhà Quốc hội. Các đề cử nhân sự của ông Biden cũng cần nhận được sự thông qua của Thượng viện.

Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Biden nhấn mạnh, để "khôi phục tâm hồn" của đất nước cần tới "sự đoàn kết". Tuy nhiên, trong khi Washington tìm cách tiến vào kỷ nguyên Biden, lãnh đạo phe Cộng hòa Mitch McConnell tỏ không dễ dàng từ bỏ quyền lực.

Đề cử bà Haines ban đầu bị ngăn cản bởi Nghị sỹ Tom Cotton vì lý do cần có thêm thông tin về chương trình thẩm vấn mở rộng của CIA. Còn Thượng nghị sỹ Josh Hawley phản đối đề cử cho vị trí Bộ trưởng An ninh Nội địa (Alejandro Mayorkas) sau những đề xuất thay đổi của ông Biden trong vấn đề nhập cư.

Ông McConnell cũng từ chối tham gia một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với các thượng nghị sỹ Dân chủ trừ khi họ đáp ứng được những yêu cầu của ông – trong đó quan trọng nhất là duy trì thủ tục filibuster cho phép một đảng thiểu số có quyền ngăn trở các dự thảo luật cần 60 phiếu thông qua.

Trong bài phát biểu đầu tiên ở cương vị lãnh đạo đảng thiểu số, ông McConnell nhấn mạnh, kết quả bầu cử sát nút với quyền kiểm soát cả hai viện thuộc về phe Dân chủ, cho thấy người dân Mỹ "tin tưởng cả hai đảng chính trị". Ông McConnell cũng bày tỏ sẵn sàng làm việc với tổng thống mới "bất kỳ khi nào có thể".

Còn theo tân thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, mong muốn "đầu tiên và trọng tâm" của Tổng thống Biden là các thành viên nội các được thông qua. Thượng viện có thể "đảm nhận nhiều nhiệm vụ cùng lúc", bà Psaki nói.

Ngay trong bối cảnh bình thường, điều trên cũng đã là một yêu cầu khó khăn cho một Thượng viện, tuy nhiên, giờ đây gánh nặng lại càng thêm chồng chất bởi  Đảng Cộng hòa đang bị chia rẽ sâu sắc giữa những người trung thành với cựu tổng thống và những nhà quyên góp giàu có đang muốn tránh xa những thành viên Cộng hòa ủng hộ ông Trump.

Các cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực giữa hai ông Schumer và McConnell được cho là vẫn ở thế bế tắc. Các nghị sỹ Dân chủ tiến bộ và tự do dường như sẵn sàng chấp nhận yêu cầu về thủ tục filibuster để có thể đẩy nhanh các ưu tiên nghị sự của Tổng thống Biden. Tuy nhiên, không phải toàn bộ phe Dân chủ đều đồng ý. Ông Schumer vẫn chưa chấp nhận bất kỳ điều gì trong khi ông McConnell nhất quyết không chịu nhượng bộ.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ