(Tổ Quốc) - Chỉ trong tuần trước, hơn 20 triệu người dân thủ đô của Ấn Độ thức dậy buổi sáng đã phải đối mặt với chất lượng không khí tồi tệ khi làn sương mù dày đặc và độc hại bao phủ dày đặc khắp New Delhi.
Theo hãng CNN, các trường tiểu học ở thủ đô của Ấn Độ buộc phải đóng cửa, phương tiện bị hạn chế di chuyển trên đường và công trình xây dựng bị đình trệ khi New Delhi chìm trong màu xám mù mịt bao trùm, cản tầm nhìn của các tòa nhà. Người dân hoảng loạn đổ xô đi mua máy lọc không khí.
Đằng sau những cánh cửa đóng kín, chính quyền tiểu bang và các quan chức liên bang đã đưa ra kế hoạch làm sạch không khí thành phố sau khi Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) vượt qua 500 - một con số cao đến mức các chuyên gia cảnh báo rằng có thể làm giảm tuổi thọ đối với những người đang sống ở quanh đây trong hơn một thập kỷ tới.
Hàng năm, bầu trời New Delhi chuyển sang màu xám độc hại, khiến chính quyền thành phố phải nỗ lực giải quyết tình trạng ô nhiễm. Trong khoảng thời gian này, vấn đề ô nhiễm không khí thường là chủ đề nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhắc nhở 1,4 tỷ dân của đất nước rằng mùa sương mù đang quay trở lại rất nguy hiểm.
Và mỗi năm, tình trạng này vẫn không có gì thay đổi.
Câu chuyện thành công tại Trung Quốc
Bầu trời độc hại hiện tại của New Delhi gợi nhớ đến một thủ đô lớn khác của châu Á cách đây khoảng một thập kỷ nổi tiếng với sương mù dày đặc đến mức có thể che khuất tầm nhìn của toàn bộ tòa nhà chọc trời: đó là thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Tuy nhiên, Trung Quốc đã cải thiện được tình trạng ô nhiễm không khí độc hại đáng kể đến hiện tại.
Quá trình công nghiệp và đô thị hóa nhanh chóng đã góp phần đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường kinh tế. Trung Quốc đã phụ thuộc rất lớn vào nhiên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp nặng phát thải khiến không khí trở nên ô nhiễm nặng trước đây.
Ông Frank Christian Hammes, Giám đốc điều hành toàn cầu của IQAir cho biết Bắc Kinh "đã xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc" và đã làm rất tốt trong quá trình làm sạch không khí.
"Hiện tại, các nhà hàng và những quán ăn đường phố ở thủ đô Bắc Kinh không còn sử dụng than nữa. Các máy phát điện đã chuyển sang sử dụng khí đốt. Tất cả điều này đã tạo ra sự khác biệt lớn", ông Frank Christian Hammes nói.
Trong thập kỷ qua, chất lượng không khí của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Theo một báo cáo từ Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago, mức độ ô nhiễm không khí của Trung Quốc vào năm 2021 đã giảm 42% so với năm 2013, trong đó ca ngợi " kinh nghiệm thành công đáng kinh ngạc trong việc chống ô nhiễm của quốc gia châu Á này".
Bắc Kinh đã ra khỏi danh sách các quốc gia ô nhiễm tồi tệ nhất thế giới và hiện đứng thứ 27 trong bảng xếp hạng của IQAir - một công ty Thụy Sĩ chuyên theo dõi chất lượng không khí toàn cầu.
New Delhi bắt đầu tuần mới bằng việc một lần nữa được xếp hạng là quốc gia ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất. Nghiên cứu cho thấy các chính sách không khí sạch của Trung Quốc đã rất thành công.
"Ấn Độ có sẵn mọi thứ để làm không khí sạch. Chúng ta có khoa học và tài chính nhưng lại thiếu cách tiếp cận để giảm thiểu tình trạng này", ông Sunil Dahiya đến từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) ở New Delhi nhận định.
Theo truyền thống, vào cuối năm sau mỗi vụ thu hoạch mùa đông, hàng triệu nông dân Ấn Độ sẽ dọn sạch rơm rạ còn sót lại bằng cách đốt cháy các cánh đồng để chuẩn bị cho vụ lúa mì sắp tới. Điều này, cùng với tình trạng ô nhiễm do xe cộ và công nghiệp hóa, đã tạo ra lượng sương mù lớn trên khắp các bang Haryana, Punjab, Uttar Pradesh và New Delhi phía bắc Ấn Độ.
Hàng chục triệu hộ nghèo trong nước tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu rẻ tiền và độc hại để nấu ăn.
Giải pháp tạm thời
Ở cấp độ quốc gia, Ấn Độ đã triển khai Chương trình Không khí sạch vào năm 2019, sử dụng các chiến lược trên 24 tiểu bang và vùng lãnh thổ liên minh để giảm 40% bụi mịn vào năm 2025-2026. Các biện pháp này bao gồm đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than, thiết lập hệ thống giám sát không khí và cấm đốt rơm rạ nông nghiệp.
Theo dữ liệu của Chính phủ, một số thành phố của Ấn Độ đã thấy chất lượng không khí được cải thiện. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc thiếu sự thực thi và phối hợp chặt chẽ sẽ gây ra tiến độ chậm chạp lại.
Để đối phó với tình trạng ô nhiễm dai dẳng ở New Delhi, các giải pháp đưa ra như tưới nước trên đường, hạn chế giao thông bằng cách yêu cầu các phương tiện có biển số lẻ hoặc chẵn phải di chuyển xen kẽ thời gian trong các ngày và xây dựng hai tháp khói vào năm 2018 trị giá 200 triệu rupee (2,4 triệu USD), được thiết kế để hoạt động như máy lọc không khí khổng lồ.
Bên cạnh đó, New Delhi năm nay cũng có kế hoạch tạo mưa để cuốn trôi bụi mịn – một phương pháp được các nước châu Á khác như Trung Quốc, Indonesia và Malaysia đã áp dụng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết vẫn chưa rõ phương pháp này thực sự hiệu quả đến mức nào.
"Đây chỉ là những giải pháp tạm thời. Chúng ta cần giải quyết các vấn đề cơ bản chẳng hạn như ngừng đốt nguồn nhiên liệu tồn tại đa dạng từ phụ phẩm nông - lâm nghiệp như trấu, bã mía, mùn cưa gỗ, dăm bào và chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn", chuyên gia Lavakare từ tổ chức Care for Air cho biết./.