(Tổ Quốc) - Theo trang SCMP, Ấn Độ hiện xuất hiện làn sóng mới gồm các doanh nhân, giám đốc điều hành và nhà giao dịch giàu có đang xâm nhập vào thị trường hàng xa xỉ.
Khi trung tâm mua sắm sang trọng đầu tiên được khai trương ở thành phố Mumbai, gần như tất cả các ngôi sao hạng A của Bollywood đều xuất hiện trên thảm đỏ trong trang phục thời trang cao cấp. Sự xuất hiện của các nhiếp ảnh gia tranh thủ chụp nhanh, gợi nhớ đến sự kiện lớn như Met Gala hàng năm ở thành phố New York (Mỹ).
Khoảng 66 thương hiệu xa xỉ toàn cầu – như Balenciaga, Saint Laurent, Versace, Tiffany & Co – đã mở cửa hàng tại Jio World Plaza ở Mumbai, một trung tâm mua sắm sang trọng một cửa ở thành phố giàu có nhất Ấn Độ. Đây cũng là nơi sinh sống của 169 tỷ phú và 59.000 triệu phú.
Trên thực tế, có thể dễ dàng nhận thấy mức tiêu dùng đang gia tăng ở Ấn Độ, một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới ở nhóm những người có tài sản 100 triệu USD.
Khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chững lại, các thương hiệu xa xỉ trên thế giới đã và đang để mắt nhiều hơn tới Ấn Độ, nơi dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm và hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Một báo cáo về tài sản của Công ty tư vấn bất động sản hàng đầu thế giới Knight Frank năm ngoái đã xếp Ấn Độ nằm ở vị trí thứ ba về số lượng tỷ phú, sau Mỹ và Trung Quốc.
Những người giàu có ở Ấn Độ đang phát triển vượt ra khỏi vòng tròn kinh doanh hộ gia đình lâu đời để phát triển mở rộng hơn. Trong khi các ông trùm doanh nghiệp, bao gồm những nhà sáng lập công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia cấp cao của công ty ngày càng nhiều.
"Có một nhóm người giàu mới đã và đang xuất hiện trong khoảng 7 đến 8 năm qua. Đây là những người lần đầu giàu có và có thu nhập khả dụng cao để mua nhà cao cấp, xe hơi sang trọng và đồ trang sức", ông Arvind Singhal, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty tư vấn bán lẻ Technopak cho biết.
Trung tâm hàng xa xỉ mới ở châu Á
Theo ông Arvind Singhal, thị trường hàng xa xỉ ở Ấn Độ đã đủ trưởng thành để bắt đầu nhận thấy nhu cầu từ các thành phố nhỏ hơn.
"Ấn Độ thua xa Trung Quốc ở hầu hết mọi thứ nhưng về mặt hàng xa xỉ, khoảng cách giữa hai nước đang thu hẹp lại. Tôi cho rằng Ấn Độ chỉ đi sau Trung Quốc khoảng 10 năm. Người dân Ấn Độ luôn cảm thấy thoải mái trong sự xa hoa – điều rất dễ nhìn thấy trong các phong tục tổ chức đám cưới xa hoa. Trước đây, người tiêu dùng không có sức mua lớn nhưng giờ đây đã có thêm sự hiểu biết văn hóa nhất định về sự xa xỉ", ông Singhal nhấn mạnh.
Điển hình, Jio World Plaza là sản phẩm trí tuệ của Isha Ambani, con gái của người giàu nhất Ấn Độ là ông Mukesh Ambani, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của đế chế kinh doanh Reliance Industries.
Trung tâm mua sắm xa xỉ này vừa khai trương ở thành phố Mumbai – xếp ở vị trí ngang hàng với thủ đô New Delhi về mặt địa điểm mua sắm sang trọng duy nhất. New Delhi được biết đến là quê hương của DLF Emporio, nơi những chiếc xe limousine lăn bánh hàng ngày để đón những người mua sắm giàu có từ khắp miền bắc Ấn Độ.
Tại Jio World Plaza, an ninh sẽ giúp người mua sắm tìm cửa hàng, mang theo túi mua sắm và đặt chỗ tại nhà hàng. Người bán hàng sẵn sàng tư vấn miễn phí cho người mua hàng về kiểu dáng, trợ giúp lựa chọn sản phẩm và nâng cao niềm tin của người mua hàng từ các thị trấn nhỏ hơn.
"Đó là một sự cân bằng khó duy trì – để hướng dẫn một người không biết gì về thời trang hoặc những gì phù hợp với họ, nhưng vẫn giữ được sự điềm đạm và tin cậy. Nếu họ đang phân vân giữa túi Gucci hay Prada, tôi sẽ giúp họ lựa chọn dựa trên tủ quần áo của họ", Suniti Sharma, một người bán hàng ở New Delhi cho biết.
Bà Sharma không xa lạ gì với những người mua sắm có những thói quen khác nhau, từ những người mua sắm hiểu biết, biết họ muốn gì cho đến những người thậm chí vẫn phát âm sai tên thương hiệu và cho rằng Armani là một thương hiệu Ấn Độ vì tên của nó có nét tương đồng với cộng đồng người Sindhi ở Ấn Độ.
Người tiêu dùng Ấn Độ cũng ngày càng đánh giá cao trải nghiệm riêng tư, độc quyền khi các câu lạc bộ chỉ dành cho thành viên mọc lên trên khắp đất nước. Và Jio World Plaza cũng đang hướng tới những người tiêu dùng như vậy, cung cấp các dãy phòng mua sắm riêng tư và được tuyển chọn cho những người cần sự riêng tư và không gian độc quyền.
Trung tâm mua sắm hy vọng sẽ là điểm đến để người tiêu dùng chi tiêu, tránh xa sự hỗn loạn, ồn ào và đông đúc đặc trưng của Ấn Độ.
"Khi khách hàng ở trong những trung tâm sang trọng này, họ thậm chí quên mất mình đang ở Ấn Độ", bà Sharma nói.