(Tổ Quốc) - Mới đây, một nhóm các chuyên gia có trụ sở tại New Delhi cho biết Ấn Độ có thể chi khoảng 900 tỷ USD trong 30 năm tới để thực hiện bước chuyển đổi sang năng lượng sạch nhằm hạn chế các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo hãng AP, nếu Ấn Độ ngừng đốt than ngay lập tức thì hơn 500 triệu người lao động nước này sẽ mất việc làm. Tuy nhiên, nhóm các chuyên gia nghiên cứu có trụ sở tại New Delhi ngày 23/3 vừa dự báo mức chi phí khoảng 900 tỷ USD trong 30 năm tới để Ấn Độ có thể đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch nhằm hạn chế biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Diễn đàn quốc tế về Môi trường, Tính bền vững và Công nghệ, được biết đến là iFOREST, đã công bố 2 báo cáo chi tiết liên quan đến chi phí mà Ấn Độ phải trả để loại bỏ than và các nhiên liệu bẩn khác. Tất nhiên, quá trình loại bỏ than và nhiên liệu bẩn sẽ không gây nguy hiểm cho sinh kế hàng triệu người vẫn đang làm việc trong các mỏ than và các nhà máy nhiệt điện.
Phải đảm bảo rằng người dân đều có thể tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng sạch cần thiết lần này để ngăn chặn tác hại tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và đảm bảo cơ hội việc làm mới cho những người làm trong ngành nhiên liệu hóa thạch. Đây cũng là vấn đề chính mà các nhà phân tích khí hậu và năng lượng nên cân nhắc.
"Quá trình chuyển đổi cũng được xem là cơ hội giúp Ấn Độ hỗ trợ tăng trưởng xanh ở các quận và bang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của đất nước", ông Chandra Bhushan, người đứng đầu iFOREST cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 4 quận có mỏ than ở Ấn Độ và xác định 8 yếu tố chi phí, chẳng hạn như thiết lập cơ sở hạ tầng và chuẩn bị cho người lao động sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi. Khoản đầu tư quan trọng nhất để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi công bằng là chi phí thiết lập cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, mà báo cáo ước tính có thể phải chi tới 472 tỷ USD vào năm 2050.
Nhóm các chuyên gia nghiên cứu cũng cho biết dự kiến 600 tỷ USD sẽ được đầu tư vào ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng mới trong khi 300 tỷ USD bổ sung dưới dạng tài trợ và trợ cấp để hỗ trợ người lao động ngành than và các cộng đồng bị ảnh hưởng.
"Quy mô của quá trình chuyển đổi rất lớn. Nếu tính cả lao động khu vực chính thức và phi chính thức, chúng ta đang nói về một ngành là nguồn sống của 15 đến 20 triệu người từ lâu nay. Những báo cáo như thế này cực kỳ quan trọng vì việc bàn về chuyển đổi chỉ mới bắt đầu ở Ấn Độ... Chúng ta cần nhiều hơn nữa", ông Sandeep Pai - Cộng tác viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington D.C cho biết.
Chi phí cụ thể cho quá trình chuyển đổi
Ấn Độ là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Quốc gia này cũng phụ thuộc vào than đá để đáp ứng 75% nhu cầu điện và 55% nhu cầu năng lượng tổng thể. Vì vậy, sẽ còn một chặng đường dài để từ bỏ. Đầu tháng này, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh khẩn cấp yêu cầu các nhà máy điện than phải hoạt động hết công suất trong suốt mùa hè này để tránh mất điện.Theo số liệu của chính phủ, việc sử dụng than của nước này dự kiến sẽ đạt đỉnh từ năm 2035 đến năm 2040.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố vào năm 2021 rằng Ấn Độ sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070- tức là nước này chỉ thải ra lượng khí nhà kính ngang bằng với khả năng có thể bù đắp phần nào thông qua tín chỉ carbon. Đầu tuần này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã kêu gọi các quốc gia tăng tốc độ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, kêu gọi các nước đang phát triển phải đạt được mục tiêu này cho đến năm 2050.
Các báo cáo cũng khuyến nghị rằng Chính phủ Ấn Độ nên tập trung vào việc loại bỏ các mỏ than, nhà máy điện cũ và không có lợi nhuận trước tiên. Hơn 200 trong số hơn 459 mỏ than của Ấn Độ có thể ngừng hoạt động theo cách này. Ông Jayant Sinha, người đại diện cho khu vực nhiều than Hazaribagh ở bang Jharkhand, Ấn Độ cho rằng quá trình chuyển đổi năng lượng phải bắt đầu bằng việc loại bỏ than đá, đồng thời cho biết thêm rằng việc chuyển đổi sang năng lượng sạch cần cả quỹ và thể chế để đẩy mạnh.
"Cả hai điều này phải xảy ra đồng thời để có một quá trình chuyển đổi thành công", ông Jayant Sinha nhấn mạnh.
Quan hệ đối tác với các nước phát triển nhằm giúp các quốc gia phụ thuộc vào than đá như Nam Phi hay Indonesia thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng hợp lý đã được thực hiện trong những năm gần đây. Các chuyên gia năng lượng cho biết mặc dù những thỏa thuận này là những bước đi đúng hướng nhưng chúng có quy mô quá nhỏ để tạo ra tác động thực sự. Hiện vẫn chưa rõ liệu Ấn Độ có sẵn sàng cho thỏa thuận chuyển đổi năng lượng tương tự hay không.
Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với các quỹ khí hậu do các quốc gia phát triển hứa hẹn bởi đến hiện tại, những cam kết lời hứa hỗ trợ 100 tỷ USD/năm để giúp giải quyết các thách thức khí hậu từ năm 2009 từ các nước đang phát triển và thu nhập thấp vẫn chưa được đáp ứng./.