• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ "đón đầu" các cơ hội tiềm năng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Thế giới 01/06/2022 19:55

(Tổ Quốc) - Trang CNBC dẫn tin, ở bối cảnh hiện tại, Ấn Độ đang nắm lấy cơ hội trở thành thành viên của một số hiệp ước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chuyến thăm chính thức châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần trước có thể xem là cơ hội để Ấn Độ nắm bắt trục xoay tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ấn Độ "đón đầu" các cơ hội tiềm năng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Indian Express

Động thái của New Delhi thể hiện sự củng cố quan hệ đồng minh với Washington trong bối cảnh Mỹ đã vượt lên Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong năm tài chính tính đến tháng 3/2022, báo cáo cho biết.

Gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã khẳng định cam kết của Ấn Độ với khu vực. Trong hội nghị tại Ấn Độ với sự tham gia của nhiều quốc gia Đông Nam Á tuần trước, ông Jaishankar đã nhấn mạnh New Delhi sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy liên kết chặt chẽ hơn với các quốc gia Đông Nam Á.

"Kết nối sẽ không chỉ xây dựng dựa trên quan hệ đối tác mà chúng tôi có với ASEAN và Nhật Bản mà sẽ tạo nên sự khác biệt trong thời gian tới", ông Jaoshankar nói.

Các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể vượt qua địa lý và yếu tố lịch sử nếu họ các chính sách kinh tế đúng đắn, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ - ông Jaoshankar nhấn mạnh.

Ảnh hưởng của Trung Quốc

Cả New Delhi và Washington đều ý thức về sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cũng như ảnh hưởng kinh tế lớn của Bắc Kinh trên toàn cầu. Ông Manoj Kewalramani, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Takshashila ở Ấn Độ nhận định đây là tín hiệu cho thấy cho dù tồn tại các khác biệt giữa Washington và Delhi nhưng hai nước đều có "sự hiểu biết sâu sắc về lập trường của nhau".

"Ấn Độ sẽ đạt được lợi ích từ tham gia khuôn khổ đa phương, có nghĩa là sẽ tăng cường một số tiêu chuẩn hóa giữa các lĩnh vực", cựu thư ký của Chính phủ Ấn Độ Rajan Katoch cho biết.

"Tôi hy vọng điều này sẽ dẫn đến những tín hiệu mới trong thương mại từ việc gây áp lực lên hệ thống của Ấn Độ. Theo quan điểm của tôi, Ấn Độ có thể thúc đẩy chương trình cung ứng với một số hàng hóa di chuyển đến nước này", ông Rajan Katoch nói đồng thời cho rằng những tính toán chiến lược có thể vượt xa các cân nhắc kinh tế. Điều này sẽ dẫn đến một thế giới phân cực.

Căng thẳng ở biên giới Himalaya giữa Ấn Độ với Trung Quốc đã dẫn đến xung đột leo thang cách đây hai năm. Hàng chục nghìn binh sĩ ở hai nước vẫn tiếp tục được huy động ở biên giới.

Theo ông Katoch, việc hạ thấp đi rào cản với thị trường Mỹ vẫn chưa được thảo luận ở giai đoạn này nhưng chắc chắn bất kỳ thay đổi nào chỉ có thể thông qua đàm phán.

"Các cuộc đàm phán có thể dẫn đến giảm bớt một số rào cản hoặc khuyến khích tiếp tục chuỗi cung ứng sang Ấn Độ. Tôi cho rằng đó là cách dễ diễn ra", ông Katoch nói.

Theo CNBC, tầm quan trọng của Ấn Độ với Mỹ mang tính chiến lược hơn là kinh tế. Là quốc gia châu Á duy nhất có tranh chấp về biên giới trên bộ với Trung Quốc và có sức mạnh của một thế lực mới nổi, Ấn Độ có lẽ là thành phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington nhằm kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong giai đoạn hiện tại. Sự hợp lưu chiến lược đó có thể mang đến sự nhượng bộ cho cả hai bên.

"Khái niệm về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ trở nên trống rỗng nếu không có sự tham gia của Ấn Độ", ông Joshua P. Meltzer, nhà nghiên cứu cấp cao trong chương trình phát triển và kinh tế toàn cầu tại Viện Brookings cho biết trong một phân tích gần đây.

Trang Global Times cũng dẫn tin, Mỹ hiện là một trong số ít nền kinh tế mà Ấn Độ có thặng dư thương mại. Theo hãng tin của Ấn Độ Press Trust of India (PTI), xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ đã tăng lên 76,11 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022 trong khi nhập khẩu tăng lên 43,31 tỷ USD cùng thời điểm.

"Dữ liệu xuất khẩu và nhập khẩu tích cực đã mang đến cảm giác lạc quan. Ấn Độ đang nổi lên là đối tác thương mại đáng tin cậy", ông Khalid Khan – Phó chủ tịch Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ cho biết đồng thời nói thêm rằng các công ty toàn cầu ngày càng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa kinh doanh ở các nước khác như Ấn Độ.

Theo Global Times, khi Washington tiếp tục nhắc đến định hướng hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là mong muốn khẳng định quan hệ với Delhi có sự bổ sung mạnh mẽ về kinh tế. Ấn Độ đã có các liên kết công nghiệp chặt chẽ với các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Nếu muốn trở thành trung tâm sản xuất của thế giới, ắt hẳn Ấn Độ phải tăng tốc hội nhập vào chuỗi công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương. Và chắc chắn không chỉ riêng Mỹ, việc tăng cường hợp tác với cả Trung Quốc cũng có thể giúp New Delhi đạt được mục tiêu này./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ