• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ không chịu khúm núm trước Trung Quốc

Thế giới 08/08/2017 12:58

(Tổ Quốc)-Căng thẳng Trung-Ấn tại khu vực Doklam có thể diễn biến theo chiều hướng xấu, cũng có thể bước sang giai đoạn tuyên bố rút quân.

Gần hai tháng qua, binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu tại một khu đất nhỏ hẹp thuộc ngã ba giáp ranh Tây Tạng, Bhutan và bang Sikkim của Ấn Độ. Căng thẳng có thể dẫn tới một cuộc xung đột quân sự ở Himalaya. Đốm lửa Sikkim có thể cháy lan ra đường biên giới Trung-Ấn chưa được xác định rõ ràng kéo dài hơn 4000 km. Trong khi những người lính đối mặt tại điểm tranh chấp, các nhà chức trách Bắc Kinh và New Delhi đang tìm cách giải quyết tranh chấp phù hợp lợi ích và thể diện.

Lính Trung Quốc tại một cứ điểm đối diện Ấn Độ

Trung Quốc tiến hành chiến tranh cân não

Bắc Kinh đang tiến hành cuộc chiến tranh tâm lý nhằm buộc Ấn Độ phải lùi bước mà không cần tốn một viên đạn nào.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng sự kiềm chế của quân đội Trung Quốc là có giới hạn. Trung Quốc hàng ngày đưa ra những lời đe dọa về “cuộc đối đầu toàn diện”, “chiến tranh tổng lực”… dọc đường biên giới Trung-Ấn, cảnh báo Ấn Độ phải hứng chịu sự “thất bại ê chề” hơn những gì họ trải qua trong cuộc chiến biên giới năm 1962.

Bắc kinh còn tìm cách khai thác sự chia rẽ về chính trị nội bộ tại Ấn Độ, với việc bắt tay các đối thủ của Thủ tướng Modi, công kích “chủ nghĩa dân tộc Hindu” nhằm khoét sâu những bất đồng tại Ấn Độ. Nhưng dường như Thủ tướng Modi kiểm soát được chính trường tại Ấn Độ không kém gì Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc.

Để đánh vào các giây thần kinh của đối phương, Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc tập trận gần biên giới Ấn Độ, với sự tham gia của xe tăng, bệ phóng tên lửa với đại bác lòng ngắn và pháo hỏa tiễn.

Điều Trung Quốc thực sự bận tâm chính là Ấn Độ đang ngày càng gần gũi với Mỹ. Dưới thời ông Modi, chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã trải qua sự thay đổi to lớn. Ngày 18/6, vào lúc hơn 400 quân Ấn Độ tiến vào khu vực Doklam để ngăn cản công binh Trung Quốc hai ngày trước đó khởi công xây dựng một con đường tiến tới khống chế ngã ba biên giới, hải quân Ấn Độ tiến hành tập trận với hải quân Mỹ và Nhật Bản ở Vịnh Belgan. Một cuộc xung đột vũ trang do Trung Quốc phát động chỉ càng đẩy nhanh sự phối hợp chặt chẽ về an ninh và quốc phòng giữa New Delhi và Washington.

Bản đồ điểm tranh chấp trên cao nguyên Doklam

Trung Quốc muốn chia tách Bhutan khỏi ảnh hưởng trực tiếp Ấn Độ. Do cuộc chơi này, Trung Quốc gây áp lực lên Bhutan thông qua việc xâm phạm lãnh thổ nhưng đã bị Ấn Độ kịp thời can thiệp ngăn cản. Hiện tại, quân đội Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự thường trực ở Bhutan. Một đại đội đã rút khỏi khu vực tranh chấp, nhưng một tiểu đoàn vẫn làm nhiệm vụ cản trở Trung Quốc làm đường. Trong ngắn hạn quân đội Ấn Độ có ưu thế tại khu vực Doklam.

Ấn Độ không chịu khúm núm trước Trung Quốc 

Sushma Swaraj, bà Ngoại trưởng có thân hình nhỏ nhắn và nụ cười hiền hòa của Chính phủ Modi, phát biểu tại Thượng viện Ấn Độ, ngày 3/8, tuyên bố Ấn Độ đã nỗ lực tháo gỡ tình trạng đối đầu với Trung Quốc. Ngoại trưởng Ấn Độ đưa ra lập trường cứng rắn, cả hai bên trước hết đều phải rút quân để tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Nhiều người băn khoăn tại sao Ấn Độ lại chọn thời điểm này để kháng cự Trung Quốc ở khu vực biên giới Himalaya. Trong ba năm qua, dưới sự dẫn dắt mạnh mẽ của Thủ tướng Modi, nền kinh tế Ấn Độ chuyển hướng tích cực; Ấn Độ ngày nay không phải là Ấn Độ của 55 năm về trước. Nhưng Trung Quốc cũng không phải là Trung Quốc cách đây 55 năm. Khoảng cách thực lực giữa hai quốc gia vẫn chênh lệch đáng kể: GDP của Trung Quốc hiện vẫn lớn gấp 5 lần so với của Ấn Độ.

Binh lính Trung- Ấn đối diện đấu tranh pháp lý tại miền băng giá

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rất tự tin khi nói rằng Ấn Độ và Trung Quốc không nổ súng trong vòng 40 năm nữa. Chủ tịch Tập Cận Bình dường như cũng không muốn có xung đột quân sự vào năm ông chủ trì Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc. Chiến tranh biên giới Trung-Ấn sẽ làm hỏng ngoại giao chu biên của chính quyền Tập Cận Bình, xóa đi hình ảnh hòa bình, quan điểm hài hòa trong nước và hài hòa giữa các quốc gia mà ngoại giao Trung Quốc đang ra sức thể hiện ra bên ngoài. Các nhà hoạch định chính sách ở New Delhi có lẽ cũng bắt mạch được thực tế ấy nên không ngần ngại thực hiện một cuộc đối đầu nhỏ trên mái nhà thế giới. Bà Sushma Swaraj cho biết Chính phủ Ấn Độ không chỉ thương lượng về vấn đề Doklam mà còn đàm phán cả về quan hệ song phương với Trung Quốc.

Cuộc đối đầu quân sự hiện nay tại khu vực Doklam giữa quân đội hai nước Trung-Ấn có thể diễn biến theo chiều hướng xấu, cũng có thể bước sang giai đoạn tuyên bố rút quân. Trong bối cảnh đầy rẫy những lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh Trung-Ấn lần thứ hai, kết thúc có hậu có thể sẽ là việc các bên rút quân khỏi khu vực Doklam đang gây nhiều tranh cãi./.

Người bình luận 


 

NỔI BẬT TRANG CHỦ