• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sóng gió Trung- Ấn trên Himalaya, quyền lực châu Á để ngỏ?

Thế giới 04/08/2017 06:36

(Tổ Quốc) - Căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á bắt đầu khi Bắc Kinh có động thái mở rộng một con đường ở khu vực tranh chấp.

Căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á bắt đầu khi Bắc Kinh có động thái mở rộng một con đường ở khu vực tranh chấp.

Trung Quốc ngày 2/8 đã gia tăng áp lực lên Ấn Độ nhằm yêu cầu nước này rút khỏi cuộc căng thẳng quân sự kéo dài nhiều tuần qua– vụ việc đã cho thấy cuộc cạnh tranh của các cường quốc đối với vai trò lãnh đạo châu Á đang làm tăng nguy cơ xung đột.

Tranh chấp bắt đầu vào tháng 6 khi Bắc Kinh điều động các công nhân và máy móc để mở rộng một con đường ở vùng Himalaya xa xôi - cao nguyên mà Ấn Độ gọi là Dolam còn Trung Quốc gọi là Donglang. Đây là nơi cả Trung Quốc và Bhutan cùng tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Con đường nằm gần khu vực được gọi là "ngã ba", nơi mà Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan gặp nhau.

Cao nguyên Dolam - nơi diễn ra tranh chấp Trung - Ấn hiện tại. (Nguồn: WSJ)

Theo thông tin từ Ấn Độ, những người lính Bhutan đã cố gắng ngăn chặn việc xây dựng và New Delhi sau đó đã  đưa quân đội của họ cùng với Bhutan. Sau đó, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng cường triển khai và trú đóng binh lính tại khu vực tranh chấp này.

Bắc Kinh nói rằng Ấn Độ đang xâm phạm lãnh thổ nước này và phải đưa quân lùi lại như một "điều kiện tiên quyết và là cơ sở cho bất kỳ cuộc đối thoại có ý nghĩa nào." Còn New Delhi nói rằng việc xây dựng đường xá trong khu vực trên làm tổn thương các lợi ích an ninh của Ấn Độ và các tuyên bố lãnh thổ của Bhutan. Bhutan cũng nói rằng các hành động của Trung Quốc là "sự vi phạm trực tiếp" tới bản ghi nhớ chung của các bên về việc không thay đổi hiện trạng trên thực địa cho đến khi cuộc tranh chấp biên giới của họ được giải quyết.

Trong một văn bản xác nhận lập trường đưa ra hôm thứ Tư, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ "rõ ràng" đã băng qua lãnh thổ Trung Quốc. "Ấn Độ đã đưa ra nhiều lý do để biện minh cho hoạt động bất hợp pháp của họ, nhưng các lập luận của họ không có cơ sở thực tế hoặc pháp lý và chỉ đơn giản là không đứng vững được", cơ quan  này cho biết.

"Không một quốc gia nào nên đánh giá thấp quyết tâm của chính phủ và người dân Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm.

Căng thẳng kéo dài

Trước đây, hai quốc gia có vũ trang hạt nhân đã thường xuyên phải đối mặt với những tranh chấp lãnh thổ, bao gồm cuộc chiến năm 1962.

Hiện tại, sự đối đầu trên cao nguyên Dolam cũng đang làm dấy lên mối lo ngại về thời kỳ căng thẳng kéo dài giữa Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng trong khu vực.

Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nói: "Nếu Ấn Độ rút lui, điều này sẽ gửi tín hiệu tới những nước láng giềng rằng Trung Quốc là thế cược tốt hơn Ấn Độ. "Tranh chấp này không chỉ là về một con đường. Điều này phản ánh những thay đổi và cơ cấu lại đang diễn ra ở châu Á."

Cả hai quốc gia này đều đang được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo cứng rắn, những người muốn tập trung vào viêc thể hiện sức mạnh.

Hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc đều là những người cứng rắn, muốn tập trung vào viêc thể hiện sức mạnh. (Nguồn: PTI)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi muốn ngăn chặn một châu Á đơn cực. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đang chuẩn bị cho một Đại hội đảng quan trọng vào mùa thu. Các nhà ngoại giao nước ngoài nói rằng Bắc Kinh muốn giảm thiểu những căng thẳng về địa chính trị có thể ảnh hưởng tới tiến trình chuẩn bị Đại hội, tuy nhiên, không muốn bị coi là “yếu mềm” trước tranh chấp biên giới với Ấn Độ.

Tranh chấp hiện nay đang được chú ý do Ấn Độ không tuyên bố chủ quyền lãnh thổ nơi quân đội của họ được triển khai tới. Các nhà chiến lược quân sự Ấn Độ đang lo ngại sự tiếp cận của Trung Quốc vào khu vực này có thể khiến Ấn Độ dễ bị tổn thương ở vùng "Cổ gà", một vùng đất hẹp nằm gần ngã ba biên giới trên, kết nối phần lớn Ấn Độ với phía đông bắc.

Cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ, Ajit Doval, đã ở Bắc Kinh cuối tuần trước. Chưa bên nào lên tiếng về việc liệu tranh chấp trên đã được thảo luận trong các cuộc họp của ông với các quan chức Trung Quốc hay chưa.

Cạnh tranh tiềm ẩn

Quan hệ giữa hai nước, chưa từng gần gũi, đang ngày càng xa cách khi Trung Quốc theo đuổi sự gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Bắc Kinh đã xâm nhập vào những khu vực ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ, từ Nepal đến Sri Lanka và Ấn Độ Dương. Đáp trả lại, Ấn Độ đã tạo được mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản, những động thái làm Bắc Kinh lo lắng.

Ấn Độ cũng đã theo dõi một cách thận trọng khi Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi sự cân bằng quyền lực ở châu Á, bao gồm vấn đề Biển Đông.

Sự cạnh tranh đã nổi lên theo những cách khác nhau trong những tháng gần đây. Trung Quốc đang ngăn chặn Ấn Độ tìm kiếm tư cách thành viên trong một cơ quan quốc tế kiểm soát việc buôn bán công nghệ hạt nhân và đã ngăn chặn các nỗ lực của Ấn Độ áp đặt lệnh trừng phạt của LHQ đối với thủ lĩnh nhóm  khủng bố ở Pakistan.

Vào tháng 4, Ấn Độ đã tạo điều kiện cho chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến các vùng nhạy cảm của nước này, bất chấp những lời cảnh báo lặp đi lặp lại từ Trung Quốc.

Trong tháng 5, Ấn Độ cũng từ chối tham dự hội nghị Nhất đới, nhất lộ - kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có liên kết với hàng chục quốc gia. Trong đó, chương trình của Trung Quốc trong việc xây dựng một hành lang kinh tế đi qua vùng lãnh thổ do chính quyền Pakistan kiểm soát mà New Delhi cũng tuyên bố chủ quyền - đã dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ Ấn Độ.

Jayadeva Ranade, chủ tịch của Trung tâm Phân tích và Chiến lược về Trung Quốc cho biết: "Lập trường của Ấn Độ đối với các vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển toàn cầu của Trung Quốc đã làm Bắc Kinh tức giận. "Họ nhìn nhận sự can thiệp của Ấn Độ (về con đường trên Himalaya) như bước tiếp theo trong một loạt động thái leo thang."

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột này, Bắc Kinh luôn duy trì lập trường chỉ trích gay gắt đối với Ấn Độ.

Một bài bình luận của tờ Global Times đã cảnh báo: "Sự kiên nhẫn của công chúng đang cạn kiệt" và "có lẽ đã đến lúc họ (Ấn Độ) phải được dạy một bài học thứ hai", dẫn chứng về cuộc chiến năm 1962.

Bhutan đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan trong cuộc cạnh tranh địa chính trị. Ấn Độ cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự quan trọng cho Bhutan và có ảnh hưởng đáng kể, nhưng người Bhutan không nghĩ rằng họ là một nước thuộc sự bảo hộ của Ấn Độ.

Trung Quốc, không có quan hệ ngoại giao với Bhutan, muốn khai thác tính nhạy cảm này để giảm bớt ảnh hưởng của Ấn Độ và bắt đầu muốn xây dựng vị thế tại đây, cũng như nước này đã làm ở những nơi khác trong khu vực.

Antoine Levesques, một nhà nghiên cứu về Nam Á tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết: "Ấn Độ và Trung Quốc đều có động cơ để duy trì lập trường của họ, gia tăng thêm những khó khăn trong việc dự đoán thời gian chót căng thẳng sẽ kéo dài và điểm kết sẽ ra sao".

(Theo WSJ)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ