(Tổ Quốc) - Tướng Bipin Rawat: Ấn Độ có thể thực hiện “hai cuộc chiến tranh rưỡi”.
Dư luận thế giới quan tâm tới những vụ va chạm của lính biên phòng Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Sikkim.
Lời qua tiếng lại gay gắt
Trung Quốc cáo buộc binh sĩ Ấn Độ vượt qua điểm biên giới Doka La, mà Trung Quốc gọi là Donglong, hôm 18/6. Ngày 30/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố một bản đồ cho thấy khu vực này là một phần lãnh thổ Trung Quốc, theo Hiệp định Anh-Trung ký năm 1890.
Trung Quốc lập luận rằng người dân địa phương lâu nay chăn thả gia súc ở khu vực Donglong và điều này là chứng cứ chứng minh khu vực này thuộc về Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30-6 khẳng định: “Đường biên giới bắt đầu từ Bhutan tại đỉnh Gipmochi và chạy theo đường phân ranh nêu trên đến khi kết thúc gặp lãnh thổ Nepal. Rõ ràng điểm mà quân lính Ấn Độ xâm phạm nằm bên trong biên giới Trung Quốc”.
Ngày 30-6, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã ra thông cáo chỉ trích hoạt động này: “Ấn Độ quan ngại sâu sắc về các hành động gần đây của Trung Quốc và đã thông báo với chính quyền Trung Quốc rằng các hành động xây dựng này tạo ra sự thay đổi đáng kể về thực trạng, mang lại những hệ quả an ninh nghiêm trọng đối với Ấn Độ”. Thông cáo đồng thời nhắc nhở Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2012 đã từng cam kết dùng biện pháp tham vấn hoàn tất phân định những ngã ba biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và các nước thứ ba.
Ấn Độ và Trung Quốc đang chỉ trích nhau về sự hiện diện quân sự tại vùng biên giới. |
Mỗi bên đã triển khai khoảng 3.000 lính tại khu vực biên giới trong thế “đối đầu trực diện một cách rõ ràng", theo Times of India. Đây là đợt điều quân lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua tại khu vực.
Bhutan cáo buộc Trung Quốc xây một con đường ở Donglong tranh chấp gần Sikkim. Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố hành động của Bắc Kinh xây dựng con đường nói trên là “đơn phương hủy hoại các điểm ở ngã ba biên giới”, thay đổi nguyên trạng, vi phạm thỏa thuận năm 2012 giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Theo thỏa thuận này, đường biên giới ở khu vực này sẽ được quyết định thông qua tham vấn tất cả các bên liên quan.
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, binh lính Trung Quốc còn ngăn cản một nhóm người hành hương từ Ấn Độ đến khu vực núi và hồ thiêng Kailash Mansarovar Yatra, thuộc phía Tây Tạng của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra lời răn đe: “Chúng tôi hy vọng rằng nhân vật nào đó trong Lục quân Ấn Độ cần tiếp thu từ bài học lịch sử và ngừng ngay lời khiêu chiến”. Tuyên bố này ám chỉ việc Trung Quốc từng đánh thắng Ấn Độ trong cuộc chiến tranh biên giới 1962, đáp lại phát biểu tự tin của Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ, tướng Bipin Rawat, rằng Ấn Độ có thể thực hiện đồng thời “hai cuộc chiến tranh rưỡi”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley, ngày 30/6, chỉ trích Trung Quốc vì có những đe dọa úp mở và nói rằng “Ấn Độ của năm 2017 đã khác so với Ấn Độ của năm 1962”.
Phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản ánh quan điểm diều hâu của các tướng lĩnh Trung Quốc. Ngày nay, hai nước đều là cường quốc hạt nhân và có kho tên lửa đạn đạo. Chiến tranh là điều khó xẩy ra.
Nguyên nhân sâu xa
Quan hệ Trung - Ấn rơi vào căng thẳng lâu nay do tranh chấp lãnh thổ kéo dài, cũng như việc Bắc Kinh ủng hộ Pakistan, đối thủ của Ấn Độ tại Nam Á. Giới lãnh đạo Ấn Độ từ chối tham dự hội nghị “Vành đai, Con đường” do Trung Quốc tổ chức hồi giữa tháng 5. Bắc Kinh cũng không hài lòng sự cải thiện quan hệ an ninh và quân sự giữa Ấn Độ và Mỹ gần đây. Washington chuyển công nghệ quân sự tiên tiến cho Ấn Độ, trong khi kiềm chế việc Pakistan có vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc không hài lòng việc Ấn Độ tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ. |
Trung Quốc đang hà hơi tiếp sức cho Pakistan với đại dự án hành lang Trung Quốc-Pakistan 55 tỷ USD, giúp Trung Quốc có con đường tiếp cận Ấn Độ Dương với cảng nước sâu Gwadar có thể biến thành căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc ở hải ngoại.
Cảng Gwadar (Pakistan) - điểm then chốt của "Con đường tơ lụa trên biển" đe dọa vai trò Ấn Độ ở Ấn Độ Dương |
4.057km biên giới chung giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh chấp tại khu vực Arunachal Pradesh ở Himalaya. Hai bên thường xuyên cáo buộc quân đội của đối phương xâm nhập bất hợp pháp. Tuy nhiên, căng thẳng ở khu vực Sikkim hiếm khi xảy ra. Nhưng toàn bộ đường biên trên “Mái nhà thế giới” trải qua nửa thế kỷ phân tranh, chưa bao giờ yên ổn. Các phe phái Ấn Độ chưa chấp nhận cách đàm phán ưa thích của Trung Quốc: đổi chỗ này, lấy chỗ kia.
Tại Sikkim, trải qua nửa tháng, cả hai bên đều không sẵn sàng rút quân. Các cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa tướng lĩnh hai bên đến nay vẫn chưa có hiệu quả.
Sự cố Sikkim là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, Ấn Độ muốn tăng số quân đóng dọc biên giới kéo dài với Trung Quốc lên con số 90.000 người trong những năm tới.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều cơ hội gặp nhau hàng năm, sẽ giải tỏa những rắc rối ở Sikkim./.