• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ tăng tốc mua dầu Nga, Mỹ nhanh chóng hành động

Thế giới 12/04/2022 16:51

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Hai đã đề nghị Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không xúc tiến việc mua dầu của Nga khi Mỹ và các quốc gia khác đang tìm cách cắt giảm nguồn thu từ năng lượng của Moscow.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau đó không đưa ra cam kết công khai nào về việc hạn chế mua năng lượng của Nga, một vấn đề gây ra căng thẳng với Mỹ.

Nhấn mạnh vào quốc phòng và năng lượng Nga - Ấn

Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, cuộc họp của hai nguyên thủ diễn ra thông qua hình thức video. Ông Biden mở đầu cuộc nhóm họp video bằng cách nhấn mạnh mối quan hệ đối tác quốc phòng giữa hai nước. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói rằng nước này và Ấn Độ sẽ "tiếp tục tham vấn chặt chẽ về cách đối phó với những tác động gây bất ổn từ căng thẳng Ukraine" đối với thực phẩm và các mặt hàng khác.

Tổng thống Mỹ cho biết: "Gốc rễ của mối quan hệ đối tác giữa hai bên là sự kết nối sâu sắc giữa người dân hai nước, mối quan hệ gia đình, tình bạn và những giá trị được chia sẻ".

Ông Biden cũng thông tin với ông Modi rằng Mỹ có thể giúp Ấn Độ đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của nước này. Mặc dù Ấn Độ mua rất ít dầu từ Nga, nhưng gần đây nước này đã tăng cường mua một lượng lớn dầu khi nhiều quốc gia khác đang tìm cách cô lập năng lượng Nga.

"Tổng thống (Biden-pv) cũng nói rõ rằng ông ấy không tin việc đẩy nhanh hoặc tăng nhập khẩu năng lượng của Nga hoặc các mặt hàng khác của Nga là vì lợi ích của Ấn Độ," thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói.

Cũng trong ngày thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gặp trực tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar.

Ấn Độ tăng tốc mua dầu Nga, Mỹ nhanh chóng hành động - Ảnh 1.

Cuộc họp của nguyên thủ Mỹ và Ấn Độ diễn ra theo hình thức video. Ảnh: AP.

Ông Austin kêu gọi Ấn Độ hành động cùng với các nền dân chủ khác để bảo vệ các giá trị chung. Ông Austin nói: "Hơn bao giờ hết, các nền dân chủ phải sát cánh cùng nhau để bảo vệ các giá trị mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ".

Ấn Độ vẫn tiếp tục mua năng lượng của Nga, bất chấp áp lực từ các nước phương Tây về việc tránh mua xăng dầu và khí đốt của Nga. Mỹ cũng đã xem xét các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ vì gần đây đã mua các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga.

Ấn Độ chưa phải là mối lo ngại của Mỹ

Tại một cuộc họp báo riêng của Bộ Ngoại giao hai nước, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã chỉ ra rằng châu Âu, chứ không phải Ấn Độ, mới là trọng tâm Washington cần lưu ý về việc mua năng lượng từ Nga.

Ông Subrahmanyam Jaishankar nói: "Tôi nghi ngờ, khi nhìn vào các số liệu, có lẽ tổng lượng mua hàng của chúng tôi trong tháng sẽ ít hơn so với những gì châu Âu thực hiện trong một buổi chiều".

Trong khi ông Biden và Modi kết thúc phiên họp bằng thông điệp từ phía Mỹ rằng hai bên cam kết tăng cường mối quan hệ, các quan chức Nhà Trắng không chắc liệu Ấn Độ có đứng về phía họ trong việc cô lập Nga hay không. Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau trực tiếp vào ngày 24/5 tại Tokyo để tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm Quad, liên minh gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về cách quản lý rủi ro toàn cầu liên quan đến lương thực, cứu trợ nhân đạo và biến đổi khí hậu. Ông Modi cũng thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình về một số mối liên hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc và điều này dấy lên nhiều lo ngại, quan chức Mỹ trên cho biết.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói rằng cuộc đối thoại của ông Biden và ông Modi là ấm áp và hiệu quả, mặc dù quan chức này nhấn mạnh rằng Ấn Độ sẽ tự đưa ra quyết định về cách phản ứng với ông Putin.

Tháng trước, Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ do nhà nước điều hành đã mua 3 triệu thùng dầu thô từ Nga để đảm bảo nhu cầu của nước này, bất chấp các yêu cầu từ phương Tây dừng mua các sản phẩm như vậy từ phía Nga. Tuy nhiên, Ấn Độ không đơn độc trong việc mua năng lượng của Nga. Một số đồng minh châu Âu như Đức vẫn tiếp tục mua nhiên liệu từ Nga, bất chấp áp lực của các nước đồng minh trong việc chấm dứt các hợp đồng này.

Báo chí Ấn Độ cũng cho biết Nga đang giảm giá mua dầu xuống thấp hơn 20% so với giá chuẩn toàn cầu.

Iraq là nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu của Ấn Độ, với 27% thị phần năng lượng nước này. Saudi Arabia đứng thứ hai với khoảng 17%, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với 13% và Mỹ với 9% thị phần, hãng tin Press Trust of India đưa tin.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ