• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ xoay trục sang Mỹ?

Thế giới 19/05/2020 16:04

(Tổ Quốc) - Vào thời điểm mà phần lớn châu Á đang tự điều chỉnh với sức mạnh đang lên của Trung Quốc và gia tăng khoảng cách chính trị với Hoa Kỳ, thì Ấn Độ đang đi theo một cách khác - chuyển sang quan hệ đối tác ngày càng gần gũi hơn với Hoa Kỳ và tìm cách cân bằng với Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Theo trang East Asia Forum, sự định hướng lại quan hệ với các nước lớn của Ấn Độ được tác động bởi hai yếu tố. Một là sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự mất cân bằng quyền lực ngày càng gia tăng với Bắc Kinh; và điều thứ hai là Thủ tướng Narendra Modi, đã thành công khắc phục xu hướng xa lạ với Mỹ, vốn "cố thủ" trong nền tảng chính trị Ấn Độ.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở thành thách thức quan trọng nhất đối với Ấn Độ. Mặc dù Ấn Độ có một hồ sơ dài về mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc, nhưng họ thấy rằng Bắc Kinh không hướng tới việc giải quyết các mối quan ngại của Ấn Độ. Và khi khoảng cách về sức mạnh quốc gia nghiêng theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, quan điểm cố hữu ở Delhi về sự ngang hàng với Trung Quốc đã trở nên không bền vững.

Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng ở những khu vực gần Ấn Độ và Delhi phải trả giá bằng thiệt hại về mình. Khi khoảng cách này ngày càng tăng, Trung Quốc sẽ không còn thấy cần thiết phải giải quyết những tranh chấp còn đang tồn tại với Delhi.

Ấn Độ xoay trục sang Mỹ? - Ảnh 1.

Ấn Độ tìm đến Mỹ để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Ảnh: East Asia Forum.

Bắc Kinh đã không đáp ứng yêu cầu của Ấn Độ về việc cân bằng thương mại song phương (thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã ở mức khoảng 50 tỷ USD vào năm 2019). Nhìn rộng hơn, Delhi lúc này không còn có thể thể dựa vào Nga để cân bằng với Trung Quốc như đã làm từ những năm 1960 đến những năm 1990. Delhi lúc này thấy Moscow có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh.

Bối cảnh này đã khiến cho việc tìm kiếm mối quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ trở thành chủ đề trung tâm trong các chính sách đối ngoại và an ninh của Ấn Độ trong vài năm qua. Cùng với khối lượng thương mại song phương ngày càng tăng (160 tỷ USD năm 2019) và việc tăng cường mua thiết bị quốc phòng của Mỹ (với con số tích lũy là 20 tỷ USD trong hai thập kỷ qua), Delhi đã mở ra khả năng tương tác lớn hơn giữa các lực lượng vũ trang của hai bên, hợp tác chống khủng bố chuyên sâu và hợp tác chính trị trong khu vực và xa hơn nữa.

Sự mở rộng đáng kể hợp tác an ninh Mỹ - Ấn dưới thời ông Narendra Modi vẫn là một câu đố chính trị thú vị.

Tìm cách tăng cường quan hệ

Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông Modi hoàn toàn không nhiệt tình trong việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với Hoa Kỳ. BJP từng phản đối sáng kiến hạt nhân dân sự với Hoa Kỳ và tìm cách thay đổi chính phủ Manmohan Singh năm 2005. Ông Modi còn phải đối phó với sự cảnh giác sâu sắc về Hoa Kỳ trong các hệ tư tưởng Hindutva.

Các bộ phận lớn của Bộ Ngoại giao, các lực lượng vũ trang, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ và ngành khoa học đều nghi ngờ sự hợp tác với Hoa Kỳ và phản đối bất kỳ thay đổi chính sách lớn nào nhắm tới tăng cường quan hệ với Washington. Một điều khá rõ ràng là từ khi ông Modi lên nắm quyền vào năm 2014, ông đã thể hiện quyết tâm thay đổi tình trạng này. Từ việc mời một tổng thống Hoa Kỳ (ông Barack Obama) làm khách mời danh dự tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa hàng năm của Ấn Độ đến việc thay đổi lập trường về khí hậu để có thể hợp tác với Hoa Kỳ, ông Modi đã thực hiện các bước đi mà trước đây không thể tưởng tượng được.

Trong hai cuộc mít tinh lớn, một ở Houston với cộng đồng người Mỹ gốc Ấn trong tháng 9 năm 2019 và một là buổi tiếp đón quy mô lớn Tổng thống Donald Trump ở thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, vào tháng 2 năm 2020, ông Modi đã kỷ niệm mối quan hệ đặc biệt giữa hai bên và tuyên bố Mỹ là đối tác quan trọng nhất của Ấn Độ.

Ông Modi nhận thức sâu sắc về những hệ lụy của việc để an ninh Ấn Độ phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ. Ông ý thức được sự hỗn loạn hiện nay trong chính trị nội bộ Hoa Kỳ và triển vọng của những thay đổi nhanh chóng trong định hướng đối ngoại của Hoa Kỳ. Do đó, ông Modi mong muốn duy trì mối quan hệ đối tác an ninh truyền thống với Moscow và điều chỉnh cẩn trọng mối quan hệ khó khăn và ngày càng bất đối xứng với Bắc Kinh.

Khi thách thức từ Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng, Delhi không còn cách nào khác là phải cạnh tranh với Bắc Kinh nhưng tránh để mình rơi vào vào một cuộc đối đầu tốn kém. Khi đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc và phòng ngừa sự khó lường của Hoa Kỳ, Thủ tướng Ấn Độ cũng mong muốn phát triển mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các cường quốc trung lưu khác như Pháp, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia và Australia.

Dưới thời ông Modi, Delhi đang tìm cách loại bỏ nhiều sự e ngại truyền thống khi tìm kiếm các thỏa thuận với Washington và thay vào đó là nắm bắt cơ hội củng cố vị thế của chính Ấn Độ trong số các cường quốc.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ