(Tổ Quốc) - Đối với Biển Đông, có rất nhiều bài học có thể được rút ra từ cách nhiều quốc gia trên thế giới đã hợp tác để giải quyết các tranh chấp trên biển.
Tại một hội thảo được tổ chức ngày 4/12 về an ninh hàng hải và nỗ lực ủng hộ hệ thống quốc tế dựa trên pháp luật, các quan chức ngoại giao và các học giả đã chia sẻ quan điểm về vai trò của hợp tác đa phương trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế.
Con đường chiến lược Biển Đông
Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chitick: "Chúng ta đang ở trong bối cảnh có những thay đổi về kinh tế cũng như địa chính trị. Một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó các dân tộc cả lớn và nhỏ đều nhất trí tuân thủ theo những quy định đó và tôn trọng chủ quyền của nhau. Những chuyển đổi về động năng quyền lực cũng như việc không tiếp tục các chuẩn mực quốc tế đã và đang là những vấn đề neo mắc trong sự phát triển của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương".
Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chitick. (Nguồn: VOV)
Ủng hộ một khu vực trong đó các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế và không có đe dọa, sử dụng vũ lực hay sự cưỡng ép, ông Chitick cũng cho biết, "đối với Australia, an ninh biển luôn là vấn đề quan trọng vì chúng tôi luôn coi trọng việc có môi trường biển, cũng như khu vực hòa bình và thịnh vượng".
Theo TS. Phạm Lan Dung – Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, an ninh hàng hải có ý nghĩa rất quan trọng với các nước trên thế giới, đặc biệt với các nước ở Biển Đông, cũng như Việt Nam vì biển đóng một vai trò quan trọng trong hòa bình, ổn định của các quốc gia nói chung cũng như việc phát triển kinh tế đất nước. Các nước trong khu vực luôn nỗ lực thúc đẩy hợp tác về an ninh hàng hải, đảm bảo an ninh hàng hải cũng như đảm bảo hòa bình, ổn định nói chung, hạn chế những va chạm trên biển, từ an toàn giao thông hàng hải đến hạn chế cướp biển, xử lí tình huống va chạm trên biển, cũng như tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai.
Trong bối cảnh như vậy, những nỗ lực để tăng cường hợp tác an ninh biển sẽ là mối quan tâm không chỉ mỗi quốc gia mà cả cộng đồng, cả khu vực. Các nước trên thế giới ý thức được Biển Đông là khu vực có tầm quan trọng về mặt chiến lược, cũng là nơi có một tuyến đường biển giao thông hàng hải thiết yếu và quan trọng. Vì vậy, các nước như Australia, Anh, Nhật Bản và các nước trong khu vực đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt và có những nỗ lực rất lớn để thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông.
Bà Phạm Lan Dung - Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao. (Nguồn: VOV)
Biển Đông nhìn vào những kinh nghiệm quốc tế
Đối với Biển Đông, có rất nhiều bài học có thể được rút ra từ cách nhiều quốc gia trên thế giới đã hợp tác để giải quyết các tranh chấp trên biển.
Australia và Timor Leste đã có tiến trình giải quyết tranh chấp trên biển hết sức thành công. Ngày 6/3 năm nay, Australia và Timor Leste đã kí kết Hiệp ước phân định ranh giới trên biển lịch sử, chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài liên quan hải giới giữa hai nước ở biển Timor.
Theo ông Craig Chitick, đối với Australia, sự thành công trong việc hòa hợp với Timor Leste là ví dụ trong hợp tác quốc tế và giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình. Quá trình hòa giải này thu hút được sự quan tâm của rất nhiều các nước vì kết quả của quá trình hòa giải không chỉ mang kết quả tốt đẹp cho Australia và Timor Leste mà còn chứng minh cho việc thượng tôn pháp luật và sử dụng luật pháp để có thể giải quyết các tranh chấp hòa bình.
Tại khu vực châu Á, Nhật Bản cũng đã có kinh nghiệm kí kết các hiệp định đánh bắt cá chung giữa Nhật Bản và Trung Quốc và giữa Nhật Bản và Đài Loan. Nhận định về những kinh nghiệm này, bà Phạm Lan Dung cho hay, mặc dù vấn đề hợp tác trên biển là một vấn đề hết sức khó khăn và đôi khi đụng chạm đến những vấn đề rất nhạy cảm về chủ quyền, quyền chủ quyền, nhưng nếu có những nỗ lực chính trị giữa các bên và các nước tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể, đặt sang bên những lo lắng về cách tiếp cận hay những vấn đề rộng hơn thì các nước vẫn có thể đạt được những khuôn khổ cụ thể, rõ ràng để điều chỉnh những lĩnh vực rất quan trọng trên biển như đánh bắt cá chung.
Cũng theo chuyên gia này, trong ví dụ về hiệp định và cơ chế xử lí giữa Nhật Bản – Trung Quốc, chúng ta thấy họ đã chia các vùng biển thành các tầng lớp khác nhau, áp dụng theo các quy chế cụ thể giúp hạn chế xung đột giữa các bên.
Ông Craig Chitick khẳng định, những diễn biến trên là những kết quả vô cùng quan trọng cho các nước khu vực trong giải quyết tranh chấp cũng như các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông có thể xem xét để có các giải pháp mang tính lâu dài dựa trên luật pháp quốc tế, đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực.
Đề cập đến Việt Nam và cách tiếp cận của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế, trong đó có an ninh hàng hải khu vực, Phó Đại sứ Anh tại Hà Nội Steph Lysaght đề cập đến một thuật ngữ - và cũng là một chính sách không kém phần quan trọng của Việt Nam: Hội nhập - intergration. Theo ông Steph Lysaght, những năm 70, Việt Nam chưa tham dự vào nhiều hoạt động của thế giới, như vậy, chưa có được khả năng tác động với khu vực. Nhưng thế giới hiện đã thay đổi rồi. Quá trình hội nhập của Việt Nam với cộng đồng quốc tế cũng như cam kết của Việt Nam đã tạo nên những ảnh hưởng ngày càng tăng của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề khu vực. Đây là một tiến triển thực sự tích cực của Việt Nam và điều đó đang đem lại lợi ích cho Việt Nam. Theo đó, sự tham gia của Việt Nam vào an ninh biển là một trong những ví dụ như vậy.