(Tổ Quốc) - Washington muốn thúc đẩy năng lực của các đối tác châu Á trong khu vực này và tăng cường sự tương tác, một tổ chức tham vấn của Đại học Bắc Kinh cho hay.
Hoa Kỳ đã tổ chức ít nhất 85 cuộc tập trận quân sự chung với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm nay khi họ tìm cách cạnh tranh với sức mạnh gia tăng của Bắc Kinh, đặc biệt là ở Biển Đông, theo một tổ chức tham vấn Trung Quốc.
Tăng cường sức mạnh tại khu vực
Trong khi các cuộc tập trận - được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 11 - có quy mô khác nhau, mục đích của họ là nhất quán: mở rộng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và tăng cường khả năng phòng thủ của các đồng minh, Sáng kiến Chiến lược Tình hình Biển Đông – có liên kết với Đại học Bắc Kinh, cho biết trong một báo cáo.
"Thông qua các cuộc tập trận này, Mỹ đang tăng cường khả năng tương tác với các quốc gia khác và tạo ra sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trên vai trò một cường quốc hàng hải", báo cáo này nhận định và nói thêm rằng, Mỹ "có thể sẽ có thêm các cuộc tập trận về năng lực chiến đấu cốt lõi… nhằm giải quyết mối đe dọa an ninh khu vực họ nhận thấy".
Trong số các cuộc tập trận chung và đa quốc gia được tổ chức trong giai đoạn này, Philippines đã tham gia ít nhất 16 cuộc, Thái Lan 9 và Singapore 6 hoạt động, báo cáo cho biết.
Mặc dù cả Singapore và Thái Lan đều không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, thì hợp tác quân sự giữa hai quốc gia Đông Nam Á này và Mỹ đang ngày càng sâu sắc, báo cáo cho biết.
Trong cuộc tập trận Griffin ở Thái Bình Dương, được tổ chức từ ngày 24 tháng 9 đến ngày 10 tháng 10 tại vùng biển ngoài khơi đảo Guam, hải quân Hoa Kỳ và Singapore đã tổ chức hoạt động diễn tập đầu tiên về tác chiến chống hạm nổi, phóng một tên lửa tấn công hải quân, và tham gia chống tàu ngầm và diễn tập chiến tranh trên không, báo cáo này cho hay.
"Bằng cách thêm các nội dung mới vào các cuộc tập trận thường lệ và tập trung vào những hoạt động nhấn mạnh sự sẵn sàng chiến đấu, các cuộc tập trận trở nên chuyên nghiệp hơn với các mục tiêu rõ ràng hơn", cũng theo báo cáo này.
Tương tự như vậy, trong cuộc tập trận COPE Tiger, có sự tham gia của Mỹ, Singapore và Thái Lan hồi tháng 3, Mỹ đã sử dụng máy bay chiến đấu F16C để diễn tập trấn áp các lực lượng phòng không không quân đối thủ và tăng cường các kỹ năng tấn công trên không của không quân Thái Lan.
Hoa Kỳ cũng đã mời các đồng minh khác, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, tham gia tập trận ở Biển Đông, trong nỗ lực "thu hút nhiều quốc gia vào [vấn đề này], báo cáo cho biết.
Cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang tăng cao ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đặc biệt là ở Biển Đông, nơi Washington cho biết họ đang tiến hành các hoạt động tự do hàng hải – điều Bắc Kinh liên tục chỉ trích.
Hôm thứ Sáu tuần trước, chỉ huy của hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương John Aquilino đã chỉ trích Trung Quốc về việc xây dựng các đảo nhân tạo tại tuyến đường thủy đang tranh chấp và cho biết Mỹ có cam kết lâu dài với khu vực.
Ông nói: "Chúng tôi đang cạnh tranh với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" và nói thêm rằng Hoa Kỳ đã chia sẻ các giá trị chung với các đồng minh châu Á. "Tôi tin rằng sức mạnh của quan hệ hợp tác cùng những giá trị đó sẽ là điều giữ cho các quốc gia trong khu vực được an toàn".
Tướng Charles Brown, chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cho biết lực lượng không quân Hoa Kỳ cũng đã thực hiện thường xuyên các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, mặc dù họ không được chú ý nhiều như các hoạt động hải quân.
Collin Koh, một chuyên gia nghiên cứu của Chương trình An ninh Hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết việc tăng cường khả năng tương tác giữa Mỹ và các đồng minh khu vực sẽ làm phức tạp kế hoạch quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Những cuộc diễn tập này không chỉ tăng cường khả năng và năng lực tổng thể của hải quân Asean [Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á] mà còn giúp họ dễ dàng hơn khi làm việc cùng với quân đội Hoa Kỳ trong những lúc cần thiết.
Dù Lầu Năm Góc có nhiều mục tiêu tại đây thì các sáng kiến của Hoa Kỳ đôi khi bị giới hạn bởi quy mô và cấu trúc của các lực lượng hải quân đồng minh, chuyên gia Koh nói.
Chẳng hạn, Brunei chỉ có một số lượng nhỏ tàu chiến được trang bị tên lửa chống hạm, ông nói. "Những yếu tố này ảnh hưởng đến việc chọn lựa tiến hành các loại hình đào tạo".