• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Anh chia rẽ vì leo thang căng thẳng với Mỹ ập tới đúng thời điểm "đen tối" nhất

Thế giới 10/07/2019 11:05

(Tổ Quốc) - Giới ngoại giao Anh tỏ ra lo lắng về tương lai quan hệ London-Washington sau vụ rò rỉ thông tin.

Vụ leo thang căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Anh liên quan tới các bức điện đại sứ quán bị rò rỉ, đã khiến một số nhà lập pháp Anh lo ngại cho quan hệ với Washington, đặc biệt trong bối cảnh, London đang kỳ vọng có thể dựa nhiều hơn vào mối quan hệ song phương đặc biệt khi đang chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Hôm chủ nhật (7/7), một tờ báo Anh đã đăng tải một số điện tín ngoại giao, trong đó Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump là "không đủ năng lực" và "không an toàn".

Đáp trả lại, hôm thứ hai (8/7), ông Trump cho hay, ông sẽ "không làm việc với" Darroch nữa. Một ngày sau đó, người đứng đầu nước Mỹ chỉ trích London vì đã "lén lút" đưa Darroch tới Washington (ông Darroch đảm nhận chức vụ Đại sứ Anh tại Mỹ từ năm 2016); đồng thời một lần nữa "tấn công" Thủ tướng sắp từ chức Theresa May về cách bà xử lý vấn đề Brexit.

darroch

Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch (ảnh: getty)

Không ít quan chức Anh cho rằng, căng thẳng ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ thân cận mà hai nước đang có kể từ Thế chiến thứ hai, cũng như cơ hội đạt được một thỏa thuận thương mại sau khi Anh rời EU. Sau chuyến thăm chính thức của ông Trump tới Anh hồi tháng Sáu, quan hệ London-Washington từng được kỳ vọng sẽ được củng cố hơn nữa.

"Đây là một sự kiện có khả năng phá hoại và tôi hy vọng rằng, toàn bộ cơ quan kỷ luật, hoặc thậm chí là luật pháp Anh sẽ trừng phạt người đã làm ra hành động này, cho dù đó là ai đi chăng nữa", Bộ trưởng thương mại quốc tế Liam Fox – người chịu trách nhiệm thiết lập quan hệ thương mại Anh hậu Brexit, nói với kênh BBC. Hiện đang có mặt tại Mỹ, trong một cuộc gặp vào thứ ba (9/7), ông Fox đã nói lời xin lỗi với con gái Tổng thống Mỹ Ivanka Trump về vụ rò rỉ thông tin.

"Sẽ có một thời gian khó khăn ở phía trước", ông Tom Fletcher, cựu Đại sứ Anh tại Lebanon, đồng thời từng là cố vấn chính sách đối ngoại cho chính phủ Anh, dự báo. "Mọi việc diễn ra vào một thời điểm mong manh cho nước Anh – chúng ta đang rất dễ bị tổn thương, chúng ta đang không ở những năm tháng tốt đẹp nhất".

Mọi việc diễn ra vào một thời điểm mong manh cho nước Anh.

Tom Fletcher

Theo ông Flercher, "mối quan hệ đặc biệt" và hợp tác Anh-Mỹ trong các lĩnh vực như an ninh – sẽ phục hồi đủ để vượt qua cuộc khủng hoảng. Nhưng vị Đại sứ Anh tiếp theo – dự kiến sẽ được bổ nhiệm vào năm 2020 sau khi ông Darroch kết thúc nhiệm kỳ bốn năm của mình, "sẽ phải xem xét cách xử lý mối quan hệ với Nhà Trắng – theo hướng kiềm chế lại hoặc là theo một vai trò mang tính chất 'phía sau màn hơn'".

Ông Flecher cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước phản ứng của ông Trump. "Điều tương tự đã xảy ra trước đây và mọi người đều hiểu đó là một phần của trò chơi", cựu đại sứ chỉ ra. "Nhưng trong quá khứ, chúng ta chưa từng có một người nhạy cảm như thế trong Nhà Trắng. Thật đáng tiếc vì mọi việc leo thang quá nhanh".

Một số cựu nhân viên ngoại giao Anh bào chữa cho nội dung trong các ghi chép của Đại sứ Darroch. "Ông ấy không làm gì sai cả", ông Christopher Meyer, người từng đảm nhận vai trò Đại sứ Anh tại Mỹ từ năm 1997 tới 2003 nói với kênh Sky News. Cung cấp cho chính phủ Anh một "đánh giá trung thực" về các chính quyền nước ngoài là "việc một đại sứ được trả lương để làm".

Tuy nhiên, cũng có nhiều người cảnh báo, vụ rò rỉ có thể sẽ khiến các nhà ngoại giao Anh khó tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tương tự.

"Thật xấu hổ vì tất cả chúng ta đều biết, đại sứ Anh luôn tin rằng, chính quyền Mỹ là 'thiếu năng lực', 'khó đoán', 'mộng tưởng'…", ông Peter Ricketts, Đại sứ đương nhiệm Anh tại Pháp viết trên tờ The Guardian. "Nhưng khía cạnh nguy hiểm nhất của vụ rò rỉ là nó phá hủy niềm tin vào sự bảo mật".

"Nếu hoặc khi mà Anh thực sự rời EU, quá trình thương lượng một nền tảng mới cho mối quan hệ với các đối tác cũ của chúng ta và tái suy nghĩ chiến lược quốc gia, sẽ làm phát sinh những yêu cầu chưa có trong tiền lệ. Sẽ vô cùng quan trọng cho các Bộ trưởng phải có được lời khuyên tốt nhất từ đội ngũ nhân viên và các quyết định đó dựa trên thông kê tất cả các thông tin chủ chốt", ông Ricketts đánh giá.

Còn ông Peter Westmacott, Đại sứ Anh tại Mỹ từ năm 2012 tới 2016 bình luận trên tờ The Telegraph, vụ rò rỉ đặt ông Darroch vào "một tình thế xấu hổ", nhưng thiệt hại lớn nhất lại xảy ra cho khả năng của nhà ngoại giao "được nói những gì họ thực sự nghĩ cho các bộ trưởng tại quê nhà". Ngoài ra, nguy cơ làm quốc gia chủ nhà tức giận sẽ khiến giới ngoại giao phải đối mặt với khó khăn hơn nhiều khi làm nhiệm vụ của mình.

Ông Westmacott cho rằng, vụ việc có mục đích là gây áp lực lên người kế nhiệm bà May – gần như chắc chắn là chính trị gia đảng Bảo thủ Boris Johnson, phải chọn được "một ai đó đã được coi là 'bạn bè' với chính quyền Trump" và "ít sẵn sàng để nói sự thật hơn" vào vị trí thay thế cho Đại sứ Darroch.

Trong khi đó, ông Flecher nhận xét, vụ lộ thông tin không nhất thiết phải là một đòn chiến thuật. "Theo kinh nghiệm của tôi, đó hầu như luôn là một sai lầm thay vì là một âm mưu", ông nói. "Cho dù trong trường hợp nào, việc chỉ định [Đại sứ mới] là một trong những điều đầu tiên mà tân Thủ tướng Anh phải làm. Chúng ta sẽ chờ xem nếu Tổng thống Trump coi đó là một chiến thắng khi nó xảy ra hay không".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ