• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Anh là nước đầu tiên cấp phép thuốc viên trị Covid-19 giữa cảnh báo tâm dịch mới ở châu Âu

Thế giới 05/11/2021 13:50

(Tổ Quốc) - Anh ghi nhận ngày lịch sử khi trở thành nước đầu tiên cấp phép thuốc viên trị Covid-19 giữa cảnh báo tâm dịch mới ở châu Âu.

Anh là nước đầu tiên cấp phép thuốc viên trị Covid-19

Theo hãng CNN, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo châu Âu có thể đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới, chứng kiến khoảng nửa triệu người tử vong vì Covid-19. Việc lên tiếng từ phía WHO giống như hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng số ca bệnh đồng thời khẳng định sự cần thiết đối với việc tiêm chủng trên khắp châu lục.

Trong bối cảnh hiện tại, Anh cũng đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới kể từ thời điểm nới lỏng hạn chế. Việc yêu cầu người dân đeo khẩu trang và cung cấp giấy chứng nhận vaccine là bắt buộc ở khắp châu Âu.

Anh là nước đầu tiên cấp phép thuốc viên trị Covid-19 giữa cảnh báo tâm dịch mới ở châu Âu - Ảnh 1.

Anh là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc kháng virus có thể uống tại nhà để điều trị Covid-19. Ảnh: Reuters

Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe Anh (MHRA) ngày 4/11 đã phê duyệt sử dụng thuốc viên kháng virus - Molnupiravir của hãng dược khổng lồ Mỹ - Merck để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và trung bình. Hiện tại, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc viên trị Covid-19 Molnupiravir của hãng dược Mỹ Merck.

"Hôm nay là ngày lịch sử của đất nước. Anh là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc kháng virus có thể uống tại nhà để điều trị Covid-19. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng cho những người dễ bị tổn thương nhất và bị ức chế miễn dịch. Họ sẽ sớm được nhận phương pháp điều trị mang tính đột phá", Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết.

Phương pháp điều trị này có ý nghĩa to lớn để sử dụng cho người mắc bệnh Covid-19 điều trị tại nhà. Theo các nhà khoa học, thuốc Molnupiravir có thể điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, làm giảm nguy cơ diễn biến bệnh nặng hoặc phải nhập viện. Chính phủ Anh và Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) sẽ cân nhắc phương pháp điều trị trong quá trình triển khai liệu trình chữa bệnh cho bệnh nhân.

"Chúng tôi đang khẩn trương triển khai đưa vào sử dụng theo liệu trình đối với loại thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân", Bộ trưởng Y tê - Sajid Javid nói trong một tuyên bố.

Quá trình triển khai thuốc điều trị diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Anh đang nỗ lực hết sức để đối phó với tình hình dịch bệnh phức tạp trở lại. Trung bình trong 7 ngày gần đây, Anh chứng kiến khoảng 400.000 ca mắc Covid-19. Áp lực gia tăng đối với chính phủ trong quá trình triển khai "Kế hoạch B", trong đó có cả việc cấp phép sử dụng với loại thuốc điều trị Covid-19 - Molnupiravir của Merck. Việc đeo khẩu trang, triển khai hộ chiếu vaccine và một số quy định làm việc ở nhà cũng đang được duy trì.

Trong một tuyên bố riêng, Merck cho biết dự kiến sẽ sản xuất 10 triệu liệu trình điều trị vào cuối năm nay và đặt mục tiêu sản xuất 20 triệu liệu trình vào năm 2022.

Trong khi đó, Pfizer và Roche cũng đang chạy đua phát triển thuốc kháng virus để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Trong tháng trước, Pfizer đã bắt đầu nghiên cứu loại thuốc kháng virus đường uống để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt thuốc Molnupiravir sau khi công bố dữ liệu từ nghiên cứu giai đoạn cuối cho thấy Molnupiravir giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân Covid-19 trưởng thành ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Mặc dù chưa rõ thời điểm Merck triển khai loại thuốc này cho Anh nhưng công ty này đã cam kết sẽ tạo cơ hội tiếp cận thuốc kịp thời trên toàn cầu đồng thời có kế hoạch định giá phân cấp phù hợp với khả năng chi trả của một quốc gia. Merck cũng đang đàm phán với các nhà sản xuất thuốc để cung cấp giấy phép sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thuốc điều trị.

"Đỉnh dịch ở châu Âu"

Trong cảnh báo mới, Giám đốc khu vực của WHO - Hans Kluge cho biết tốc độ lây truyền trong khu vực rất nghiêm trọng.

"Châu Âu đang rơi vào tâm dịch. Theo một dự báo đáng tin cậy, nếu chúng ta tiếp tục đi theo quỹ đạo này thì khả năng sẽ phải đối mặt thêm nửa triệu ca tử vong vì Covid-19 ở châu Âu và Trung Á vào đầu tháng 2 năm sau", ông Klude nói đồng thời khẳng định diễn biến dịch bệnh đang rất phức tạp và có thể phải đối mặt với tình trạng nhập viện tăng.

Các quốc gia châu Âu đang tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh do biến thể Delta gây ra. Đông Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong châu lục. Nga và hiện tại là Đức đang duy trì các hạn chế nghiêm ngặt nhất. Các ca mắc tại Đức tăng mạnh, chỉ riêng ngày 4/11 số ca mắc mới trong ngày ở Đức đã ghi nhận 33.949 ca, lập kỷ lục kể từ tháng 12/2020. Tuy nhiên, tình trạng nhập viện và tử vong thấp hơn trước khi tiêm chủng.

Bộ trưởng Y tế Đức - Jens Spahn ngày 3/11 khẳng định nên tiếp tục duy trì các biện pháp nghiêm ngặt hơn với chương trình tiêm chủng.

"Các biện pháp nghiêm khắc cần áp dụng đối với bất kỳ ai từ chối vaccine", ông Spahn cảnh báo.

Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại sự gia tăng hơn nữa các bệnh nhiễm trùng, cùng với triệu chứng cảm lạnh vào mùa đông có thể khiến đội ngũ nhân viên y tế phải chịu áp lực lớn, thậm chí có thể kiểm soát được dịch bệnh vào dịp Giáng sinh hoặc năm mới.

Trong bản cập nhật hàng tuần mới nhất, WHO cho biết châu Âu đã ghi nhận mức tăng 6% số ca bệnh trong tuần trước. Đó là mức cao nhất so với bất kỳ khu vực toàn cầu nào bởi hầu hết các châu lục khác đều đang ghi nhận "xu hướng giảm hoặc ổn định".

"Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng với dự báo sẽ đối mặt làn sóng dịch bệnh mới", ông Kluge cho hay. 

Theo ông Kluge, quá trình nới lỏng hạn chế và tiêm chủng không đầy đủ là hai nguyên nhân chính gây ra sự bùng phát trở lại ở vùng Balkan và phía đông lục địa./.



NỔI BẬT TRANG CHỦ