• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Anh trả Pháp hàng chục triệu USD ngăn dòng người di cư

Thế giới 15/11/2022 12:44

(Tổ Quốc) - Theo một thỏa thuận được ký ngày 14/11, Anh đã đồng ý trả cho Pháp 72,2 triệu euro để ngăn chặn những con thuyền di cư qua kênh English Channel - một động thái cho thấy quan hệ giữa 2 nước láng giềng đang được cải thiện, hãng tin AFP đưa tin.

Khoảng 42.000 người - hầu hết trong số họ là người Albania, Iran và Afghanistan đã vượt qua eo biển này để từ Pháp đến Anh trong năm nay.

Con số này cao hơn con số 28.561 người của năm ngoái và tăng gấp nghìn lần so với năm 2018. Năm 2018 là thời điểm lần đầu tiên những người di cư và những người xin tị nạn bắt đầu đi thuyền buồm qua English Channel - một trong những kênh đào vận chuyển bận rộn nhất thế giới.

Sau khi ký thỏa thuận với người đồng cấp Pháp Gerald Darmanin, Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman cho biết trong một tuyên bố: "Không có biện pháp nào có thể giải quyết nhanh chóng vấn đề, nhưng thỏa thuận mới này sẽ giúp chúng tôi có thể tăng đáng kể số lượng hiến binh Pháp tuần tra trên các bãi biển ở miền bắc nước Pháp.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết số tiền lần này sẽ tài trợ cho việc tăng 40% số lượng người trong lực lượng an ninh tuần tra các bãi biển phía bắc. Cụ thể, sẽ có thêm 100 người được bổ sung vào lực lượng này.

Anh trả Pháp hàng chục triệu USD ngăn dòng người di cư - Ảnh 1.

Nhóm lớn này, được cho là người di cư, lên tàu của Lực lượng Biên phòng Anh sau khi họ được vớt ở eo biển English Channel. Ảnh: EPA-EFE.

Lần đầu tiên, các nhóm quan sát viên sẽ được triển khai ở cả hai bên kênh English Channel để "tăng cường nhận thức chung".

Bộ Nội vụ Anh cho biết: "Sự sắp xếp này có nghĩa là lần đầu tiên, các sĩ quan chuyên môn của Vương quốc Anh cũng sẽ được phối hợp với các đối tác Pháp của họ".

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, ông tin rằng các con số người di cư qua Kênh English Channel sẽ giảm nhưng không thể dự đoán khi nào sẽ có kết quả chính xác.

"Tôi tự tin rằng chúng tôi có thể hạ được các con số. Nhưng... vấn đề này cũng không phải sẽ được giải quyết một cách thần kỳ. Chúng tôi không thể làm điều đó trong một sớm một chiều", ông phát biểu với truyền thông trước hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali.

Sức ép từ vấn đề di cư

Các chính phủ kế nhiệm của Anh đã trả cho Pháp hàng trăm triệu euro trong suốt thập kỷ qua để cải thiện an ninh biên giới trên bờ biển English Channel, đặc biệt là xung quanh cảng Calais.

Các khoản mua sắm trước đây của Pháp bằng tiền của Anh bao gồm ống nhòm ảnh nhiệt, xe máy, máy bay không người lái và SUV để phục vụ cho các cuộc tuần tra trên bãi biển.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngại từ phía Anh, đặc biệt là giới truyền thông cánh hữu và các thành viên của đảng Bảo thủ cầm quyền, khi cho rằng Paris làm chưa đủ.

Nhiều năm qua, quan hệ hai bên dưới thời những người tiền nhiệm Boris Johnson và Liz Truss đã gay gắt về vấn đề này. Một trong những cuộc tranh cãi nghiêm trọng nhất giữa ông Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, khi 27 người di cư chết đuối ở English Channel.

Và thỏa thuận lần này cho thấy mối quan hệ ấm áp hơn giữa Pháp và Anh kể từ khi ông Sunak nắm quyền lãnh đạo.

Năm nay, ông Sunak và ông Macron cũng đã tổ chức cuộc gặp đầu tiên thân mật vào tuần trước bên lề hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Ai Cập và sẽ gặp lại nhau vào tuần này tại G20 ở Indonesia.

Trên thực tế, vấn đề quản lý dòng người xin tị nạn và người di cư kinh tế từ châu Phi và Trung Đông đã làm căng thẳng quan hệ ngoại giao trên toàn châu Âu trong phần lớn thập kỷ qua.

Pháp và Italy, hai nước có chính phủ cực hữu mới, đã nổ ra mâu thuẫn vào tuần trước sau khi Rome từ chối cho một thuyền cứu hộ chở người di cư cập cảng Địa Trung Hải.

Ông Macron và người đồng cấp Italy Sergio Mattarella đang kêu gọi cùng nhau quay trở lại "quá trình hợp tác toàn diện" vào ngày 14/11 sau những bế tắc tuần trước khi Pháp cuối cùng phải cho phép con thuyền này cập cảng của họ.

Hướng tới giải pháp bền vững

Trên bờ biển English Channel, dư luận vẫn còn nghi ngại về việc liệu khi tăng cường số lượng sĩ quan Pháp tuần tra các cồn cát gồ ghề và các bãi biển rộng lớn ở đây có thể đảo ngược làn sóng di cư ngày càng tăng hay không.

Các nhà quan sát cho biết thuyền của những người di cư ngày càng lớn hơn, các thủ đoạn của những kẻ buôn lậu ngày càng tinh vi hơn và số lượng các con thuyền ngày càng nhiều hơn.

Theo số liệu của Anh, khoảng 972 người đã băng qua con đường này vào thứ Bảy và 853 người vào Chủ nhật tuần trước khi thời tiết nắng ấm.

Lực lượng tuần duyên Pháp kiên quyết không ngăn chặn tàu thuyền khi chúng đã xuống biển vì cố gắng làm như vậy có thể khiến chúng bị lật.

Các nhóm vận động từ lâu cũng đã chỉ trích Anh vì từ chối cung cấp cho những người xin tị nạn cơ hội đưa ra yêu cầu được bảo vệ mà không cần vượt qua eo biển.

Clare Moseley, người sáng lập tổ chức từ thiện Care4Calais, nói với AFP về thỏa thuận hôm thứ Hai: "Thành thật mà nói, nó không khác bất cứ điều gì mà chúng tôi đã nghe trước đây. Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta cần tập trung vào việc cho mọi người lối đi an toàn, cung cấp cho họ những cách an toàn để xin tị nạn và cứu mạng sống của họ".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ