(Tổ Quốc) - Financial Times đăng tải, công ty mẹ của TikTok là ByteDance đang phải đối mặt với sự phản đối tại quê nhà Trung Quốc, ngay cả khi những rắc rối của họ với chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Cuối tuần trước, ông Trump ra sắc lệnh yêu cầu ByteDance hoàn tất bán lại phần vận hành tại Mỹ của TikTok trong vòng 90 ngày. Hiện startup Trung Quốc đang trong quá trình đàm phán với tập đoàn Microsoft. Điều này đã làm dấy lên sự giận dữ từ những người sử dụng và giới quan sát tại Trung Quốc rằng, ByteDance sẽ khuất phục trước những áp lực từ Mỹ.
Làn sóng giận dữ tại Trung Quốc
"ByteDance sẽ không bao giờ có thể đứng thẳng lại nữa một khi họ quỳ gối trước chính phủ Mỹ", một người dùng Weibo viết. "Chúng tôi không tha thứ cho những kẻ hèn nhát".
Theo nhiều nhà phân tích, yêu cầu từ chính phủ Mỹ đã đẩy ByteDance vào một tình thế đầy lúng túng. Một mặt, họ cần nỗ lực để đạt được một thỏa thuận liên quan tới hoạt động tại Mỹ; mặt khác phải tìm cách để không bị người dùng Trung Quốc xa lánh. Tính tới tháng 7, Douyin – phiên bản Trung Quốc của TikTok đã có 613 triệu người dùng – một con số "khổng lồ" so với 20 triệu thành viên vào 3 năm trước.
"ByteDance khiến cả Trung Quốc và Mỹ đều không hài lòng", một giám đốc điều hành của một công ty internet đối thủ đến từ Bắc Kinh nhận xét. ByteDance "đang đứng trước nguy cơ phải bán TikTok [tại Mỹ] với giá thấp trong khi bị mất đi khách hàng ngay tại chính quê nhà của mình".
Kể từ khi mở rộng hoạt động ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, ByteDance đã rơi vào tình thế khó khăn vì phải thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp với thị trường quốc tế.
Giống như nhiều công ty tư nhân Trung Quốc, ByteDance có một bộ phận chuyên chịu trách nhiệm đảm bảo rằng tất cả những nội dung văn bản và video của họ tuân thủ các quy định do Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra, bao gồm cả việc tránh một số chủ đề chính trị mang tính nhạy cảm. Công ty tuyển dụng một loạt nhân viên chuyên kiểm duyệt và loại bỏ các nội dung không phù hợp.
Tuy nhiên những hoạt động của TikTok bên ngoài Trung Quốc phần lớn được vận hành bởi các nhân viên quốc tế và có sự tự do lớn hơn. Hồi tháng 5, TikTok đã bổ nhiệm cựu giám đốc điều hành Disney là Kevin Mayer vào vị trí giám đốc điều hành ứng dụng. TikTok cũng không cho phép người dùng ở đại lục Trung Quốc được truy cập các nội dung của mình.
Các chuyên gia nhận định, thông báo cuối tuần trước của ByteDance về khả năng thách thức về mặt pháp lý trước một chỉ thị điều hành khác của Tổng thống Trump, một phần là nhằm chứng tỏ cho dư luận rằng, họ đang chống lại các động thái của Mỹ. Công ty tuyên bố, họ muốn đảm bảo "việc điều hành bằng luật pháp không bị bỏ qua" và người dùng của TikTok được "đối xử công bằng".
Tuy nhiên, theo ông Zhuang Bo, một nhà phân tích tại TS Lombard, "lời đe dọa có hành động pháp lý cho thấy giới lãnh đạo ByteDance đang sợ hãi".
Một số nhà bình luận khác cho rằng, dưới áp lực từ Washington, ByteDance có lẽ không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc bán lại hoạt động tại Mỹ. Điều này vô hình chung càng làm gia tăng sự phản đối tại Trung Quốc.
"Bán hoạt động tại Mỹ của TikTok ở mức giá phải chăng là sự lựa chọn duy nhất cho ByteDance", giáo sư Zhu Ning tại Học viện Tài chính cấp cao Thượng Hải viết trong một bài báo đăng tải trên mạng vào tuần trước.
Hợp đồng không dễ dàng
Các nước phương tây khác, như Pháp cũng đã tiến hành điều tra TikTok dựa vào cáo buộc là cách thu thập dữ liệu của ứng dụng video xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Tuy nhiên, theo tờ Sydney Morning Herald, một cuộc điều tra mới đây tại Australia đã kết luận, TikTok không phải là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia.
Giới chuyên gia dự đoán, việc bán TikTok chắc chắn sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp, như đánh giá tất cả các mã code và máy chủ - có thể mất hàng tháng hoặc hàng năm để thay đổi.
TikTok và các ứng dụng khác của ByteDance nổi tiếng nhờ hệ thống khuyến nghị dựa trên trí thông minh nhân tạo, cho phép giới thiệu với người sử dụng các nội dung phù hợp dựa trên mối quan tâm của họ. Cùng lúc ứng dụng cũng đẩy lên một số lượng nội dung nhất định không nằm trong mối quan tâm của người xem.
Những việc liên quan tới mã nguồn chỉ là bước đầu tiên. Hệ thống đòi hỏi đào tạo liên tục về dữ liệu người dùng – vốn là những công việc hợp tác giữa các kỹ sư, chiến lược gia và nhân viên vận hành. Vì vậy, các thuật toán sử dụng cho các thị trường khác nhau cũng rất khác biệt.
Reuters đưa tin, TikTok hiện chia sẻ các tài nguyên công nghệ với phiên bản Trung Quốc Douyin và các sản phẩm khác của ByteDance.
"Các chi tiết của sự tách rời hoạt động sẽ vô cùng phức tạp. Microsoft hoặc bất kỳ công ty nào mua TikTok sẽ cần phải đánh giá mọi mã nguồn, máy chủ, hợp đồng kinh doanh, quy trình và thậm chí là cả các nhân viên trước khi thực hiện các thay đổi đáng kể", ông Patrick Jackson, một cựu nhân viên nghiên cứu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ nói. "Tôi nghĩ quá trình này sẽ mất ít nhất hàng tháng trời, thậm chí là hàng năm".
Ngoài các khó khăn mang tính kỹ thuật, giới phân tích e ngại, viễn cảnh TikTok vận hành một cách tự do như trước đây tại Mỹ hiện đang rất thấp – và điều đó có thể sẽ đem tới rắc rối cho tham vọng của ByteDance tại các thị trường chủ chốt khác như Ấn Độ và châu Âu.