(Tổ Quốc) - Các quan chức châu Âu đang tìm cách đóng vai trò trung gian giữa Nga và Mỹ với hy vọng cứu vãn một hiệp ước kiểm soát vũ khí từ thời Chiến tranh lạnh mà ông Donald Trump đã đe dọa sẽ rút khỏi.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao tham gia không tự tin rằng họ sẽ thành công trong nỗ lực cứu vãn Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) kí kết năm 1987. Mặc dù nhận được sự ủng hộ của các quan chức cấp cao trong Bộ quốc phòng và Bộ Ngoại giao của Mỹ, họ lại phải đối mặt với sự phản đối từ các quan chức Nhà Trắng, đặc biệt là từ Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, theo The Guardian.
Cũng không rõ liệu Moscow có quan tâm đến việc đạt được một thỏa thuận hay không. Sự sụp đổ của INF sẽ mở đường cho quân đội Nga tự do triển khai các tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung dọc theo biên giới với NATO ở châu Âu và ở Trung Quốc, The Guardian nhận định.
Sẽ rất khó để Mỹ có thể hưởng lợi về mặt quân sự từ sự tan vỡ của hiệp ước này, vì Washington sẽ cần các nước đồng minh cung cấp các bãi phóng tên lửa nếu chúng được triển khai để có thể nhắm tới Nga và Trung Quốc. Hiện chưa rõ nước nào sẽ làm điều này – động thái cũng sẽ biến họ thành một mục tiêu.
Mỹ vào tâm điểm
Tuy nhiên, tuyên bố đột ngột của ông Trump tại một cuộc vận động chính trị ở Nevada ngày 20/10 rằng ông sẽ rút Mỹ ra khỏi hiệp ước này, khi chưa có thông báo nào tới các đồng minh, đã thu hút sự chỉ trích vào Washington chứ không phải Moscow. Các quan chức châu Âu đã yêu cầu có thêm thời gian để thực hiện một nỗ lực cuối cùng giải cứu hiệp ước này - mà họ coi là một trụ cột quan trọng trong việc kiểm soát vũ khí ở châu lục già.
Châu Âu rất lo ngại việc INF sụp đổ. Wikimedia Commons
Châu Âu đã tìm cách thuyết phục các đối tác Mỹ rằng việc Mỹ bãi bỏ hiệp ước – mà không cho Nga cơ hội cuối cùng để tuân thủ - có thể làm suy yếu thêm sự ủng hộ toàn cầu cho Hoa Kỳ, và sẽ giúp Moscow thoát khỏi việc bị đổ lỗi về sự sụp đổ này.
"Chính quyền Mỹ cần để châu Âu đi cùng với họ", một nhà ngoại giao châu Âu nói. "Điều quan trọng là (khi Mỹ đã cùng châu Âu đàm phán-pv) nếu thỏa thuận này còn thất bại thì rõ ràng rằng đó là lỗi của người Nga. Tôi nghĩ chính quyền (Mỹ-pv) đã hiểu được điều này".
Ông Trump sẽ gặp ông Vladimir Putin và cuộc họp G20 tại Buenos Aires vào cuối tháng này, nhưng không rõ vấn đề này có được nêu ra hay không. Ông Bolton đã nói với ông Putin khi họ gặp nhau tại Moscow vào tháng 10 rằng Tổng thống Trump đã quyết định hủy bỏ INF.
Hoa Kỳ trong hơn bốn năm qua đã cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, thông qua việc phát triển và triển khai một tên lửa tầm trung mới từ mặt đất. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump vào ngày 20/10 đánh dấu một sự đảo chiều mạnh mẽ chính sách về INF lâu nay của Mỹ.
Tuyên bố này cũng đã khiến Bộ quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ bất ngờ. Một cuộc họp cấp nội các để thảo luận về chính sách INF được lên kế hoạch vào ngày 15/10 đã bị hủy bỏ mà không có sự giải thích của ông Bolton, các quan chức cho biết.
Sự cứng rắn của người Nga
Nga phủ nhận loại vũ khí mới của họ vi phạm các hạn chế của INF - cấm tên lửa hạt nhân có tầm bắn từ 500 đến 5.500km. Moscow cũng cáo buộc Mỹ là bên phá vỡ hiệp ước này, chỉ ra các bệ phóng cho các tên lửa đánh chặn trong hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên đất liền được triển khai ở Romania và sẽ sớm được triển khai ở Ba Lan, có thể được sử dụng cho một tên lửa hành trình tấn công.
Trong cuộc thảo luận cuối cùng giữa Washington và Moscow về INF, vào tháng 6 vừa qua, đại sứ về kiểm soát vũ khí Mỹ John Ordway, đã đưa ra yêu cầu của Mỹ về việc Nga đóng băng triển khai tên lửa mới.
Theo các nguồn tin quen thuộc với phía Nga trong các cuộc đàm phán, các nội dung Ordway đưa ra cũng bao gồm một yêu cầu Moscow thừa nhận đã vi phạm hiệp ước, một điều kiện mà Kremlin gần như chắc chắn sẽ từ chối.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận cuộc họp của Ordway với một phái đoàn Nga, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.
Những hậu quả về sự sụp đổ của hiệp ước INF sẽ là rất lớn: nó có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới, làm tăng đáng kể nguy cơ leo thang hạt nhân, tiếp tục làm suy yếu quan hệ chính trị giữa Hoa Kỳ, Nga và châu Âu
Theo các điều khoản của INF, sẽ mất sáu tháng để việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này có hiệu lực, kể từ ngày Washington thông báo chính thức về ý định rút lui. Nhưng kể từ khi ông Trump đưa ra tuyên bố ở Nevada, không có thông báo nào được đưa ra.
Một nhóm các chuyên gia vũ khí hạt nhân của Mỹ, Nga và Đức đã đưa ra tuyên bố hôm Chủ nhật, cảnh báo về nguy cơ INF bị xóa sổ và nêu lên một tiến trình để hướng tới đàm phán một thỏa hiệp.
"Những hậu quả về sự sụp đổ của hiệp ước INF sẽ là rất lớn: nó có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới, làm tăng đáng kể nguy cơ leo thang hạt nhân, tiếp tục làm suy yếu quan hệ chính trị giữa Hoa Kỳ, Nga và châu Âu".
"Chúng tôi tin rằng Hoa Kỳ và Nga nên tận dụng tất cả các lựa chọn hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng INF thay vì loại bỏ hiệp ước này."