(Tổ Quốc) - Các thành viên châu Âu trong NATO ngày 25/10 đã kêu gọi Mỹ nỗ lực đưa Nga quay trở lại tuân thủ INF.
Các thành viên châu Âu trong NATO ngày 25/10 đã kêu gọi Mỹ nỗ lực đưa Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân thay vì từ bỏ nó, các nhà ngoại giao cho biết. Động thái này hướng tới tránh một sự chia rẽ trong liên minh mà Moscow có thể tìm cách khai thác, theo Reuters.
Trong một cuộc họp kín tại NATO, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ và các quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia đã thông báo cho các phái viên liên minh về quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung INF năm 1987 của Tổng thống Donald Trump.
Các thành viên NATO muốn Mỹ có những nỗ lực cuối trước khi rời khỏi INF. (Nguồn: EPA)
Các nhà ngoại giao thân cận với cuộc họp này cho biết, Đức và các đồng minh châu Âu đã kêu gọi Washington thực hiện những nỗ lực cuối cùng để thuyết phục Điện Kremlin dừng những hành động mà phương Tây cho là đang vi phạm hiệp ước này, hoặc có thể đàm phán lại để đưa Trung Quốc tham gia vào INF.
"Các đồng minh muốn thấy một nỗ lực cuối cùng để tránh việc Mỹ rút khỏi", một nhà ngoại giao NATO nói với điều kiện giấu tên vì tính chất mật của cuộc họp. Sự kiện này diễn ra hai ngày sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton thông báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về các kế hoạch này ở Moscow.
"Không có ai thắc mắc về việc Nga vi phạm hiệp ước, nhưng việc rút lui sẽ khiến Moscow dễ dàng đổ lỗi cho chúng tôi về sự chấm dứt thỏa thuận mang tính bước ngoặt này", một nhà ngoại giao cho biết.
NATO từ chối bình luận về các chi tiết của cuộc họp nhưng đã ban hành một tuyên bố nói rằng các đồng minh đã tiến hành đánh giá "những tác động từ hành vi gây bất ổn của Nga đối với an ninh của chúng tôi".
"Các đồng minh NATO sẽ tiếp tục tham vấn về vấn đề quan trọng này," tuyên bố nói thêm.
Đầu tuần này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đổ lỗi cho Nga vi phạm INF bằng cách phát triển SSC-8 (cũng có tên là Novor 9M729) -một tên lửa hành trình tầm trung trên đất liền.
Nga phủ nhận bất kỳ hành vi nào vi phạm nào như vậy.
Các đồng minh NATO, bao gồm Bỉ và Hà Lan, nơi có các cơ sở vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu, đã lên tiếng cảnh báo tại Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan ra quyết định cao nhất của NATO rằng họ phản đối kịch liệt nếu Hoa Kỳ cố gắng triển khai vũ khí hạt nhân tầm trung lãnh thổ của họ một lần nữa.
Các đồng minh châu Âu coi hiệp ước INF như một trụ cột kiểm soát vũ khí và lo ngại sự sụp đổ của hiệp ước này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới. .
Các nhà ngoại giao cũng cho biết, các quan chức Mỹ đã nêu ra khả năng rằng Wahington có thể trì hoãn việc rút lui INF chính thức sau cuộc họp đang được lên kế hoạch giữa ông Putin và ông Trump tại Paris vào ngày 11/11.