• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bên lề INF, hỏa lực Nga – NATO đã sẵn sàng tại Baltic?

Thế giới 25/10/2018 13:05

(Tổ Quốc) - Các lực lượng NATO đang đổ về ở Na Uy để tiến hành Trident Juncture - cuộc tập trận quân sự lớn nhất của liên minh trong gần hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, hoạt động quân sự cũng đang gia tăng ở phía bên kia của Biển Baltic và ở Kaliningrad - những khu vực từ lâu đã là điểm nóng giữa Nga và NATO.

Moscow nắm quyền kiểm soát Kaliningrad sau Thế chiến II và cả sau khi Liên Xô tan rã.

Là một vùng đất rộng hơn 15 nghìn km2, Kaliningrad là nơi có khoảng một triệu dân và bị tách biệt với nước Nga bởi Lithuania, Ba Lan và Belarus. Tuy nhiên, vị trí này làm cho nó có giá trị chiến lược.

Nóng địa chiến lược Kaliningrad

Đây cũng là nơi có cảng biển Baltic duy nhất của Nga không đóng băng quanh năm. Ngoài một số căn cứ không quân, đây cũng là nơi trú đóng Quân đoàn 11 của Nga. Không chỉ có thế, Kaliningrad cũng nằm ở phía Tây hành lang Suwalki -dải đất liền duy nhất kết nối 3 nước Baltic Lithuania, Latvia và Estonia với phần còn lại của NATO. Liên minh lo ngại Nga có thể phong tỏa hành lang này trong trường hợp xảy ra xung đột – cắt đứt sự liên hệ của Baltic với phần còn lại của châu Âu.

Nga dường như cũng đang nâng cấp các cơ sở quân sự ở đây.

Moscow trong quá khứ đã triển khai tên lửa Iskander tầm ngắn có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân tới đây tạm thời, nhưng trong tháng 2, một nhà lập pháp Nga đã xác nhận rằng, tên lửa Iskander, có tầm bắn tối đa khoảng 500 km, đã được đưa tới đây thường trú để đối phó với sự dồn quân của NATO tại ở Đông Âu.

Bên lề INF, hỏa lực Nga – NATO đã sẵn sàng tại Baltic? - Ảnh 1.

Các tàu chiến Nga tại Kaliningrad năm 2015. (Nguồn: Reuters)

Đó là "động thái lớn nhất mà chúng tôi đã thấy", liên quan đến hoạt động quân sự của Nga tại Kaliningrad, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết vào thời điểm đó. Điện Kremlin cho biết họ có một "quyền chủ quyền" triển khai các lực lượng ở đây.

Hình ảnh vệ tinh được chụp từ tháng 3 đến tháng 6 cho thấy có nhiều hoạt động xung quanh các boongke ở Baltiysk, căn cứ chính của Hạm đội Baltic, Nga, bao gồm cả việc gia cố các tòa nhà "được cho là có các kho dự trữ chất nổ", Matt Hall, một nhà phân tích không gian địa lý cao cấp tại 3Gimbals nói với trang Defense One vào tháng 7.

Các hình ảnh khác được Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ tiết lộ vào tháng 6 cho thấy có một số hoạt động cải tạo tại nơi dường như là một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân đang hoạt động.

CNN cũng cho biết, hình ảnh chụp từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10 đã cho thấy có sự nâng cấp ít nhất 4 cơ sở ở Kaliningrad.

Những hoạt động trên bao gồm xây dựng 40 hầm trú mới và mở rộng khu vực đóng quân gần Primorsk, cảng lớn thứ hai của Nga tại Baltic. Cũng có nhiều hình ảnh cho thấy những hoạt động nâng cấp căn cứ không quân Chkalovsk và một căn cứ ở Chernyakhovsk, nơi có tên lửa Iskander.

Kaliningrad là nơi tiếp nhận phần lớn vũ khí của Liên Xô tại khu vực Đông Âu sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, Jim Townsend, chuyên gia an ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết.

Sự tập trung của Moscow cho Kaliningrad đã được gia tăng vào đầu những năm 2000, khoảng thời gian các nước Baltic - Estonia, Latvia, và Lithuania - gia nhập NATO. Hành động này của họ đặc biệt đáng lo ngại đối với Nga, khi Moscow cho rằng các nước này đang hướng ra "bên ngoài".

"Kaliningrad đã nằm trên một quỹ đạo nâng cấp kể từ khi căng thẳng Baltic gia tăng và chắc chắn là kể từ khi" Nga sát nhập Crimea trong năm 2014, chuyên gia Townsend nói.

Việc triển khai Iskander là một phần trong những nỗ lực của Nga để gây ảnh hưởng lên các nước châu Âu khác, chuyên gia Townsend nói thêm. "Họ sẽ nói," Hãy nhìn xem, nếu NATO đưa quân vào Baltics, chúng ta sẽ đưa Iskander vào Kaliningrad. "

Các quan chức Nga đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis vào đầu năm 2017 rằng, họ sẽ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại NATO nếu có một cuộc chiến ở Baltics.

Baltic tiềm tàng bùng nổ Đông - Tây

Trong khi đó, quân đội Nga không phải là lực lượng duy nhất ở Baltics.

Moscow đã chỉ ra duyên cớ khiến họ đưa Iskander tới đây là do NATO triển khai các nhóm quân sự trú đóng luân phiên tại Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia kể từ năm 2016.

Gần đây, lực lượng không quân Mỹ và lực lượng không quân Estonia cũng đã báo trước việc hoàn thành một cơ sở sử dụng chung tại căn cứ không quân Amari gần thủ đô Tallinn- đánh dấu việc hoàn thành tòa nhà quân sự đầu tiên được tài trợ bởi Sáng kiến răn đe châu Âu (EDI).

Các máy bay phản lực của Liên Xô đã đóng quân tại Ameri trong Chiến tranh Lạnh, nhưng kể từ năm 2004, nơi này đã đón máy bay NATO luân phiên tới đây để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát không phận Baltic. (Các nước Baltic không có máy bay chiến đấu của riêng họ.)

Việc nâng cấp Amari "mang tới quyền tiếp cận chiến lược vào một khu vực đầy căng thẳng của châu Âu," Stars and Stripes dẫn lời Chuẩn Tướng Roy Agustin, giám đốc hậu cần, kỹ thuật và bảo vệ lực lượng cho Không quân Hoa Kỳ ở châu Âu và châu Phi cho biết. "Các bạn nhìn thẳng qua biên giới và sẽ thấy một đối thủ lớn trong khu vực ngay tại đó."

Bên lề INF, hỏa lực Nga – NATO đã sẵn sàng tại Baltic? - Ảnh 3.

Máy bay Mỹ tại căn cứ Siauliai, Lithuania năm 2017. (Nguồn Không quân Mỹ)

EDI, tiền thân là Sáng kiến củng cố an ninh châu Âu, đã tài trợ cho các dự án quân sự ở châu Âu kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Kể từ đó, Mỹ đã chi hàng triệu đô la để nâng cấp các cơ sở khắp Đông Âu cho phép lực lượng quân sự và đối tác của mình phản ứng nhanh chóng.

EDI cũng tài trợ cho chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương, bao gồm các lực lượng bọc thép Mỹ luân phiên triển khai ở châu Âu – đánh dấu một sự hiện diện liên tục trong khu vực Biển Đen, và bố trí trước các thiết bị và vũ khí trên khắp lục địa.

Yêu cầu ngân sách năm 2019 của Lầu Năm Góc cho EDI gần gấp đôi so với số tiền của chương trình này vào năm 2017 và gấp 6 lần số tiền được phân bổ cho năm 2015.

Phía Bắc của Baltics, Thụy Điển và Phần Lan – đang thân cận với NATO dù chưa là thành viên - cũng đã chuyển sự chú ý ngày càng tăng sang sự sẵn sàng quân sự.

Các lực lượng vũ trang của Thụy Điển cho biết đầu năm nay rằng họ cần tăng cường nhân sự từ 50.000 lên 120.000 lính vào năm 2035 - ngoài việc bổ sung các tàu bề mặt mới, tàu ngầm và máy bay chiến đấu để đáp ứng những thách thức trong tương lai.

Báo cáo của họ cũng cho biết ngân sách quân sự của Thụy Điển sẽ cần phải tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn đó. Ngân sách quốc phòng của Stockholm đã giảm kể từ khi đạt 3,68% GDP năm 1963. Hiện tại, mức 1.03% GDP Thụy Điển cho quân đội đang là mức thấp lịch sử, theo tờ Defense News.

Gần đây hơn, Phần Lan, có chung biên giới 838 dặm và lịch sử từng xung đột với Nga, đã bắt đầu bơm tiền vào hiện đại hóa quân sự - đáng chú ý là 1,5 tỷ USD cho chương trình Phi đội 2020, bao gồm mua bốn tàu hộ tống nhỏ đa chức năng, có thể phá băng, săn tìm tàu ngầm và được trang bị tên lửa bề mặt, ngư lôi và mìn biển.

Chương trình này cũng sẽ tài trợ cho việc nâng cấp các tàu chiến có tên lửa tấn công nhanh hay các tàu đối phó với mìn biển, theo tờ Defense News.

"Biển Baltic đã trở thành một nút giao tiềm tàng cho sự căng thẳng giữa Đông và Tây," Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan, Jussi Niinistö cho biết. "Chúng tôi đang đối phó với một nước Nga khó lường hơn."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ