(Tổ Quốc) - Tháng 4 năm 2019 đã chứng kiến một loạt các hoạt động xung quanh dự án cơ sở hạ tầng đường ống Baltic - kết nối Ba Lan và Đan Mạch.
Đường ống này, dẫn khoảng 10 tỷ m3 khí đốt tự nhiên (bcm) từ Biển Bắc đến Ba Lan và xa hơn tới các nước vùng Baltic, dự kiến sẽ hoạt động đầy đủ vào năm 2022.
Cây viết Natalia Konarzewska ngày 13/5 đã có một bài viết về đường ống Baltic trên trang thông tin của tổ chức nghiên cứu Jamestown.
Ngoài ra, các bước đi cụ thể cũng đã được thực hiện để mở rộng nhà ga khí đốt hóa lỏng (LNG) của Ba Lan tại Świnoujście, nằm ở phía tây bắc Ba Lan.
Tăng cường cơ sở năng lượng
Vào ngày 25 tháng 4, Ba Lan đã ký một thỏa thuận nhận hỗ trợ từ Chương trình hoạt động cơ sở hạ tầng và môi trường của Liên minh châu Âu EU. Nguồn quỹ này sẽ cho phép Ba Lan mở rộng công suất đầu cuối của Świnoujście từ 5 lên 7,5 bcm hàng năm. Như vậy, nhà ga LNG Świnoujście và đường ống Baltic là các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng cho phép Ba Lan đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt từ Nga và phá vỡ độc quyền khí đốt Gazprom vào thị trường năng lượng Trung và Đông Âu.
LNG Mỹ đang muốn cạnh tranh với khí đốt Nga. (Nguồn: Shutterstock)
Gần đây, Ba Lan đã thực hiện các bước đi kỹ thuật và pháp lý quan trọng để đảm bảo rằng ống Baltic đúng tiến độ. Bám sát tiến độ xây dựng là đặc biệt quan trọng vì thỏa thuận dài hạn về nguồn cung cấp khí đốt của Ba Lan với Gazprom kết thúc vào năm 2022. Chính phủ Ba Lan muốn để thỏa thuận này hết hiệu lực và, nếu cần, mua khí đốt của Nga theo các điều kiện khác nhau hoặc thay thế hoàn toàn bằng hàng nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác. Ước tính 10 bcm khí được vận chuyển đến Ba Lan qua đường ống Baltic từ Na Uy sẽ thay thế chính xác lượng khí đốt mà Gazprom hiện đang cung cấp. Phần khí đốt tự nhiên Ba Lan tiêu thụ hàng năm còn lại sẽ được đáp ứng bằng việc nhập khẩu LNG và các nguồn trong nước. Nhập khẩu LNG của Ba Lan sẽ đến từ Qatar, Na Uy và ngày càng tăng từ Hoa Kỳ- khi sự bùng nổ khí đá phiến của nước này đang chuẩn bị thách thức sự thống trị của Nga trên thị trường châu Âu.
Vào tháng 10 năm ngoái, công ty năng lượng nhà nước Ba Lan Bulgkie Górnictwo Naftowe i Gazownictwo (PGNiG) đã ký hai thỏa thuận dài hạn với các công ty năng lượng của Mỹ là Venture Global Calcasieu Pass và Venture Global Plaquemines LNG. Theo các điều khoản của thỏa thuận, cả hai nhà xuất khẩu của Hoa Kỳ sẽ cung cấp tổng cộng 1,35 bcm LNG mỗi năm trong 20 năm. Ba Lan ngày càng xem nhập khẩu LNG của Mỹ như một sự thay thế cạnh tranh thương mại hơn cho khí đốt của Nga.
Vào ngày 8 tháng 4 năm 2019, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã ký thành luật Thỏa thuận Ba Lan-Đan Mạch về đường ống Baltic. Và trong tháng đó, dự án đã nhận được khoản tài trợ trị giá 215 triệu euro từ Cơ quan điều hành mạng lưới và cải tiến của EU theo chương trình Kết nối châu Âu (CEF). Các quỹ của EU sẽ chi trả cho việc xây dựng đường ống ngoài khơi và kết nối các hệ thống truyền tải khí Ba Lan và Đan Mạch, cũng như hiện đại hóa và mở rộng cơ sở hạ tầng khí đốt của Ba Lan. Hơn nữa, vào ngày 26 tháng 4, Na Uy và Đan Mạch đã ký một thỏa thuận kết nối tốt hơn các hệ thống truyền khí của họ để tạo điều kiện cho việc vận chuyển các nguồn cung cấp khí đốt đến Ba Lan.
Đẩy bật tự chủ năng lượng
Theo cây viết trên, sự thay đổi chiến lược về các nhà cung cấp khí đốt có tầm quan trọng đối với Ba Lan. Động lực chính đằng sau việc Ba Lan có kế hoạch đa dạng hóa khỏi Nga là sự không chắc chắn về nguồn cung khí đốt và giá cả bất đối xứng. Năm 2009, Ba Lan đã bị ảnh hưởng bất lợi khi Gazprom quyết định cắt đứt dòng khí qua Ukraine sau một cuộc tranh chấp giá song phương. Ngay sau đó, vào năm 2010, Warsaw được cho là đã ký thỏa thuận về Yamal với Gazprom dù có một số điều khoản khó khăn. Vào thời điểm đó, giá khí đốt mà Gazprom đưa ra cho Ba Lan được cho là một trong những mức cao nhất ở châu Âu. Kể từ đó, Warsaw đã thực hiện một số bước để giảm thiểu sự phụ thuộc khí đốt vào Nga như hoàn thành nhà ga LNG ở Świnoujście hoặc mua khí đốt, thông qua các dòng chảy ngược, từ phương Tây. Quá trình này đã tăng tốc đáng kể sau năm 2015, khi chính quyền của đảng bảo thủ mới PiS quyết định thêm động lực cho dự án đường ống Baltic và mở rộng nhà ga Świnoujście.
Tuy nhiên, Ba Lan không giải quyết được tất cả các vấn đề nan giải về năng lượng. Đường ống Nord Stream 2, một dự án cơ sở hạ tầng khí đốt lớn giữa Nga và châu Âu, sẽ chạy dọc theo đáy biển Baltic, chủ yếu song song với Nord Stream 1, là vấn đề mới nhất giữa Ba Lan, Nga và Đức. Ba Lan, Slovakia, các nước vùng Baltic và Ukraine phản đối mạnh mẽ Nord Stream 2, vì sợ rằng nó sẽ tăng cường sức ép khí đốt Nga lên Trung và Đông Âu và tiếp tục thúc đẩy một sự chia rẽ giữa khu vực này và phần lớn Tây Âu. Nhiều quốc gia Tây Âu coi đường ống này có lợi vì nó sẽ hạ thấp chi phí khí đốt của Nga cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng Nord Stream 2 sẽ được Nga sử dụng để đẩy Ukraine ra khỏi vai trò là một quốc gia vận chuyển khí đốt tới châu Âu, điều sẽ có ý nghĩa nghiêm trọng về tài chính và an ninh đối với Kiev.
Với những tiến triển của đường ống Baltic và việc gia tăng nhập khẩu LNG, Ba Lan đang trên đường sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga cũng như trở thành một trung tâm năng lượng cho phần còn lại của Trung và Đông Âu. Hơn nữa, hợp tác khí đốt trong khu vực hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự hội nhập của các quốc gia được gọi là khu vực "Intermarium" giữa vùng biển Adriatic, Baltic và Biển Đen. Do đó, các dự án hợp tác khí đốt khu vực bao gồm các đường ống liên kết hiện có và theo kế hoạch cũng như các nhà ga LNG ở Ba Lan, Lithuania và Croatia, sẽ cải thiện đáng kể an ninh năng lượng toàn khu vực và EU.