(Tổ Quốc) - Newsweek đăng tải, Nga, Trung Quốc và Iran sẽ sớm tổ chức tập trận hải quân chung lần thứ hai, trong khi Cộng hòa Hồi giáo gần như đã hoàn tất các thỏa thuận dài hạn với Bắc Kinh và Moscow.
Tất cả những điều trên đang được hé lộ ngay trước mắt chính quyền Mỹ. Tân Tổng thống Mỹ từng tuyên bố sẽ khôi phục lại vai trò lãnh đạo của Washington trên chính trường quốc tế.
Hoạt động tập trận ba bên mới được Đại sứ Nga tại Tehran là Levan Jagaryan công bố hôm thứ Hai (8/2) trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti. Khi được hỏi liệu Nga, Trung Quốc và Iran có lên kế hoạch tiếp tục tập trận hải quân chung sau lần đầu tiên vào cuối năm 2019, ông Jagaryan cho hay, cuộc tập trận lần hai dự kiến diễn ra trong tháng Hai.
"Cuộc tập trận hải quân nhiều bên tiếp theo sẽ được tổ chức tại phía bắc Ấn Độ Dương vào giữa tháng 2/2021", Đại sứ Nga nói. "Nó đã được hoạch định cùng với những thứ khác nhằm tăng cường hợp tác trong hoạt động tìm kiếm và giải cứu cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn hàng hải".
Động thái của Nga, Trung Quốc và Iran diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Biden nuôi tham vọng đưa "Nước Mỹ trở lại", thông qua những tín hiệu về sự tái xuất của các xu thế đối ngoại truyền thống từng bị xem nhẹ trong chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của người tiền nhiệm Donald Trump.
Tuy nhiên, mong muốn của ông Biden có thể đi được bao xa, hiện vẫn còn là một ẩn số.
Mặc dù Washington cam kết cứng rắn hơn với Moscow so với chính quyền trước, nhưng cùng lúc các chính sách của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc và Iran vẫn còn hiệu lực. Khi ông Trump đơn phương đưa Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (mà cả Bắc Kinh và Moscow đều tham gia ký kết cùng với Pháp, Đức và Anh), Mỹ đã áp dụng các lệnh trừng phạt nghiêm khắc lên Tehran.
Đại sứ Jagaryan nhắc lại lập trường của Nga ủng hộ thỏa thuận hạt nhân, đồng thời ca ngợi hợp tác song phương với Iran – bao gồm các dự án như nhà máy điện hạt nhân tại Bushehr. Các thảo luận giữa hai bên đã vượt ra ngoài biên giới của Iran như nỗ lực chung trong vấn đề Syria hay hoạt động mua bán vũ khí. Đây cũng là lĩnh vực đang lần đầu tiên được nới rộng một phần cho Cộng hòa Hồi giáo trong suốt một thập kỷ qua, sau khi một lệnh cấm vận vũ khí hết hạn vào tháng Mười năm ngoái.
"Lịch sử hợp tác về kỹ thuật quân sự Nga-Iran đã có từ hơn 50 năm trước", ông Jagaryan chỉ ra. "Trong suốt những năm qua, tại lĩnh vực nhạy cảm này, các mối liên hệ bền vững đã được phát triển giữa hai quốc gia nhằm hướng tới hợp tác chung có lợi mà vẫn cân nhắc các lợi ích của mỗi bên".
Theo nhà ngoại giao Nga, ông kỳ vọng vào một thỏa thuận song phương kéo dài hai thập kỷ giữa Moscow và Tehran sẽ được tự động gia hạn thêm 5 năm, đồng thời mở ra cánh cửa cho một hiệp định mới.
Một ngày trước đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng đã đề cập tới một thỏa thuận dài hơi khác đang trong quá trình thỏa thuận. Phát biểu trên đài truyền thanh Iran, ông Zarif tiết lộ, kế hoạch hợp tác kinh tế kéo dài 25 năm với Trung Quốc đang được hoàn tất và "không còn ở xa nữa".
"Lập trường chiến lược của chúng ta trong khu vực phải được bao gồm trong thỏa thuận. Iran là một phần không thể tách rời trong khu vực. Không ai có thể tách Iran ra khỏi tình trạng cân bằng của khu vực", ông Zarif nhấn mạnh.
Bắc Kinh và Tehran gần đây đã kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện này được Đại sứ Iran tại Trung Quốc Mohammad Keshvarzzadeh ca ngợi là "đi kèm với các tin tức tốt đẹp trong mối quan hệ giữa hai nước".
Iran hiện vẫn đang phải hứng chịu các hạn chế kinh tế từ Mỹ. Chính quyền Biden từ chối tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân (viết tắt là JCPOA) trừ khi Iran áp dụng lại các giới hạn về làm giàu uranium. Iran đã ngừng thực hiện các giới hạn nhằm trả đũa trừng phạt từ Mỹ và việc các đồng minh châu Âu không thể bình thường hóa quan hệ thương mại với Tehran.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga vẫn duy trì ủng hộ đối với JCPOA đồng thời kêu gọi Mỹ quay trở lại. Trong một thông điệp phát đi ngày 9/2, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã gửi lời cám ơn tới Trung Quốc và Nga.
Ông Khamenei cũng đề cập tới lập trường hạt nhân của Tehran. "Nếu họ muốn Iran tái thực hiện các cam kết của JCPOA, Mỹ phải gỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt hiện hành. Sau khi làm vậy, chúng tôi sẽ kiểm tra nếu các lệnh trừng phạt đã thực sự được gỡ bỏ. Một khi hoàn tất, chúng tôi sẽ quay trở lại với các cam kết", ông Khamenei khẳng định.
Trong một cuộc họp báo ngày 8/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thừa nhận rằng, Mỹ là bên đầu tiên rời bỏ JCPOA. Tuy nhiên, ông Price nhấn mạnh lập trường của chính quyền Biden rằng, Iran phải là bên có động thái quay trở lại trước tiên.
"Điểm khởi đầu phải là việc Iran tái tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân", ông Price nói. "Điều đó đã được thể hiện rõ trong con đường ngoại giao mà chúng tôi đang theo đuổi. Iran tái tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận, Mỹ cũng sẽ làm điều tương tự. Sau đó chúng tôi sẽ thông qua ngoại giao để kéo dài và củng cố các điều khoản đồng thời một lần nữa, sử dụng nó như một nền tảng cho các thỏa thuận tiếp theo".