(Tổ Quốc) - Bất chấp căng thẳng về cuộc xung đột ở Syria và Ukraine, Nga và phương Tây đã duy trì một mối quan hệ mạnh mẽ tại Bắc Cực và chính phủ Canada đang tìm cách để tăng cường hơn nữa sự hợp tác này.
- 17.09.2016 Băng Bắc Cực lại “co”
- 23.10.2016 Nga: “Vé vào thẳng” Bắc cực của các siêu cường châu Á
Vẫn tiếp tục chỉ trích Moscow về việc sáp nhập Crimea và sự ủng hộ cho chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong một cuộc nội chiến kéo dài, tuy nhiên, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã làm dịu chính sách phản đối với Nga – điều mở ra cơ hội đàm phán giữa hai bên về nhiều vấn đề, chẳng hạn như Bắc Cực - bất chấp sự phản đối của Kiev.
Ảnh minh họa (Nguồn: intpolicydigest) |
Một hội nghị song phương giữa Nga và Canada về Bắc Cực dự kiến diễn ra tại Ottawa ngày 24/11.
Canada và Nga kiểm soát ba phần tư của Bắc Cực. "Ngăn cản các nhà khoa học từ hai nước này nói chuyện với nhau là không hợp lý. Chính phủ của chúng tôi muốn mọi thứ phù hợp," Pamela Goldsmith-Jones, thành viên Quốc hội Canada, cho biết trong một bài phát biểu hồi tháng trước.
"Chúng tôi mong muốn thiết lập kết nối với Nga – một cách thận trọng - bởi vì chúng tôi tin rằng điều này phục vụ lợi ích của người dân Canada và Nga", cũng như "người dân ở Ukraine và Syria,"bà nói.
Lời đề nghị này nhận được nhiều sự hoan nghênh, một quan chức Nga cho biết, - điều thể hiện sự trái ngược giữa đường lối cứng rắn của cựu Thủ tướng Stephen Harper với chính sách "linh hoạt hơn" của ông Trudeau trong mối quan hệ song phương Nga - Canada.
"Điều này tốt hơn nhiều", quan chức Nga giấu tên cho biết, nói thêm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin "xem Bắc Cực như một khu vực không nên diễn ra xung đột."
Việc Nga mở rộng những căn cứ tại Bắc Cực trong những năm gần đây – khi lợi ích tại khu vực này ngày càng tăng cùng với việc nhiệt độ cao hơn giúp mở ra nhiều tuyến đường vận chuyển và tạo cơ hội khai thác tài nguyên khoáng sản cho đến nay vẫn khó tiếp cận tại đây không nên được nhìn nhận như động thái thù địch, các nhà ngoại giao Nga nói với AFP.
Thay vào đó, các căn cứ của Nga được xây dựng để hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm và giải cứu khi nhu cầu gia tăng cùng với các tuyến đường vận chuyển mới.
"Hiện nay, chỉ có quân đội của chúng tôi có khả năng để thực hiện các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ ở Bắc Cực," các quan chức Nga cho biết.
Mong muốn tăng cường hợp tác của các quốc gia Bắc Cực là mục tiêu rõ ràng tại một cuộc họp tại Ottawa do Liên minh châu Âu tổ chức tuần trước.
EU không phải là một thành viên của Hội đồng Bắc Cực, nhưng nhiều thành viên của khối như Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển là một phần của Hội đồng này, cùng với Canada, Iceland, Na Uy, Nga và Hoa Kỳ.
Bất chấp những căng thẳng địa chính trị gần đây, đại sứ EU Marie-Anne Coninsx cho biết, "sự hợp tác này đang tiếp tục, kể cả với Nga." "Lập trường của tất cả các thành viên của Hội đồng Bắc cực, và các nhà quan sát là Bắc Cực không bị chính trị hóa", bà nói.
(Theo AFP)