• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bắc Macedonia đàm phán gia nhập EU: 10 năm chờ đợi, đổi tên nước, phút cuối bị láng giềng "chặn đường"

Thế giới 17/11/2020 17:01

(Tổ Quốc) - Sau hơn một thập kỷ chờ đợi, thậm chí phải đổi cả tên, Bắc Macedonia vẫn chưa thể bắt đầu tiến trình thương lượng gia nhập EU.

Tờ Bloomberg đăng tải, Bulgaria bày tỏ quyết tâm phản đối việc Liên minh châu Âu (EU) chính thức khởi động các cuộc đàm phán gia nhập đối với Bắc Macedonia vào cuối năm nay.

Hứng chịu nhiều thiệt hại từ những cuộc chiến nổ ra sau khi Nam Tư tan rã, các nước ở Tây Balkan đang hết sức nỗ lực để gia nhập EU với hy vọng có thể nâng cao mức sống của mình. Albania và Bắc Macedonia đã phải đợi hơn một thập kỷ để có thể bắt đầu quá trình thương lượng. Bắc Macedonia thậm chí còn phải đổi tên nhằm giải quyết một tranh chấp với Hy Lạp.

Tuy nhiên, điều đó dường như vẫn chưa đủ. Tại một cuộc gặp cấp bộ trưởng EU tổ chức trực tuyến vào thứ Ba (17/11), Bulgaria lên kế hoạch phủ quyết khung thương lượng gia nhập cho Bắc Macedonia. Lý do Sofia đưa ra là nước láng giềng đang vi phạm một hiệp ước song phương liên quan tới các tranh chấp trong quá khứ.

"Tiến trình thương lượng tại đây không được phép trở thành một con tin cho những yêu cầu song phương của các nước thành viên riêng lẻ", Thứ trưởng Ngoại giao Đức Michael Roth phát biểu trước cuộc họp hôm thứ Ba. Trong khi các cuộc thảo luận phán vẫn diễn ra, Phó Thủ tướng Bulgaria nhấn mạnh lập trường, Sofia vẫn chưa sẵn sàng bằng lòng.

Bắc Macedonia đàm phán gia nhập EU: 10 năm chờ đợi, đổi tên nước, phút cuối bị láng giềng "chặn đường" - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Bulgaria Krasimir Karakachanov (ảnh: getty)

Trước đó, hôm thứ Hai (16/11), một nhà ngoại giao cấp cao EU giấu tên chia sẻ với báo giới rằng, phản đối của Bulgaria có thể làm lệch hướng các kế hoạch khởi động thương lượng vào cuối năm nay.

"Ở giai đoạn hiện tại, Bulgaria không thể đồng ý để hội nghị liên chính phủ đầu tiên bắt đầu thương lượng", Phó Thủ tướng Bulgaria Krasimir Karakachanov phát biểu trên đài phát thanh BNR cũng trong ngày 16/11. "Bulgaria ủng hộ việc Macedonia gia nhập EU nhưng điều đó phải xảy ra sau khi Macedonia có được những cam kết cần thiết".

Đối với các nước Tây Balkan, trở thành thành viên của EU có thể giúp củng cố vị thế của phương tây trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng khu vực với Nga. Tuy vậy, con đường này không hề dễ dàng với loạt thách thức gắn liền với những quan hệ đối đầu mang tính dân tộc – từng châm ngòi cho các cuộc chiến tranh đẫm máu trong những năm 1990.

Bulgaria muốn Bắc Macedonia đảm bảo không công nhận sự tồn tại của cộng đồng thiểu số nước này đang sinh sống trên lãnh thổ Bulgaria đồng thời không đưa ra các tuyên bố liên quan về lãnh thổ. Sofia cũng muốn các tài liệu gia nhập EU không bao gồm cụm từ "ngôn ngữ Macedonia". Theo giới chức Bulgaria, cái gọi là ngôn ngữ Macedonia chính là xuất phát từ tiếng Bulgaria.

Ngoài ra, hai nước phải đạt được đồng thuận về các tranh chấp xung quanh các số liệu lịch sử phát sinh từ đầu thế kỷ 20.

Giải quyết mâu thuẫn với Bắc Macedonia có thể góp phần giúp Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov gia tăng tín nhiệm trước cuộc tổng tuyển cử vào năm sau. Kể từ tháng Bảy, hàng nghìn người phản đối đã tổ chức biểu tình tại các thành phố lớn của Bulgaria, yêu cầu ông Borissov phải từ chức vì thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Đối tác liên minh của ông Borissov "Những người yêu nước thống nhất" – một liên minh được đánh giá là "khá lỏng lẻo" bao gồm các đảng theo chủ nghĩa dân tộc - từ lâu luôn khẳng định, Bắc Macedonia đã chính thức thừa nhận có gốc rễ lịch sử dính dáng với Bulgaria.

"Tôi đã chuẩn bị và chuẩn bị cho cả đất nước Macedonia trước khả năng bị ngăn cản", Thủ tướng Bắc Macedonia Zoran Zaev nói với báo giới hôm Chủ nhật (15/11).

Bắc Macedonia đàm phán gia nhập EU: 10 năm chờ đợi, đổi tên nước, phút cuối bị láng giềng "chặn đường" - Ảnh 2.

Những quốc gia Tây Balkan mong muốn gia nhập EU, trong đó, màu xanh đậm biểu thị cho các nước đã bắt đầu đàm phán gia nhập, xanh nhạt là các nước được bật đèn xanh đàm phán gia nhập và màu vàng là các nước không phải là ứng viên chính thức (nguồn: Bloomberg)

Sự trì hoãn đã tạo ra rắc rối ngay trong EU. Hồi tháng Mười, Bulgaria đã phản đối một hiệp định giữa Bắc Macedonia và Frontex – dịch vụ bảo vệ biên giới của khối. Mục đích của hiệp định là gia tăng an ninh biên giới tại một khu vực từng nằm trên tuyến đường chính cho người nhập cư tìm được vào châu Âu hồi năm 2016.

Những người muốn mở rộng EU cũng vấp phải nhiều khó khăn khi tìm cách thúc đẩy tiến trình trước những hoài nghi của một số quốc gia thành viên.

Sự ra đi của Anh cũng như việc hai thành viên là Hungary và Ba Lan bị đánh giá là vi phạm nguyên tắc "pháp quyền" (rule of law) của khối – đã khiến không ít nước cảm thấy chưa sẵn sàng chấp nhận thêm thành viên mới. Năm ngoái, Pháp nhấn mạnh, tiến trình gia nhập phải được xem xét lại bao gồm các nguyên tắc dân chủ, trì hoãn bắt đầu thương lượng đối với Albani và Bắc Macedonia…

"Không ai trong EU đang thực sự thúc giục điều đó. Giờ đây Bắc Macedonia sẽ đánh mất thời gian quý báu của họ", học giả khách mời cấp cao tại tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington là Dimitar Bechev – bình luận.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ