(Tổ Quốc) -Năm 2016 được xem là một năm thành công với bóng đá Việt Nam ở cấp độ đào tạo trẻ khi cả ba đội tuyển U16, U19 và U23 lọt vào Vòng chung kết châu Á. Tuy nhiên, bóng đá trẻ Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng cũng như tiềm lực.
- 14.01.2018 Trưởng Ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi nói không bao che cho 'vua áo đen' Trọng Thư
- 14.01.2018 Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam: Bước tiến cho ngôi vương SEA Games
- 15.01.2018 Bóng đá Việt Nam kiên quyết loại bỏ tiêu cực trong những mùa giải tới
- 14.01.2018 Đơn tố cáo lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhận hối lộ là không có cơ sở
- 16.01.2018 Bài 1: Không nhất thiết phải điều chỉnh mục tiêu Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam
- 17.01.2018 Bài 2: Bóng đá phong trào - nền tảng để phát triển bóng đá Việt Nam
Còn nhiều hạn chế
Công tác đào tạo bóng đá trẻ luôn là một trong những vấn đề cần được chú trọng phát triển trong thời gian qua. Bởi công tác đào tạo trẻ là nguồn chủ yếu cung cấp lực lượng kế cận cho đội tuyển quốc gia ở các cấp. Nếu không làm tốt ngay từ công tác đào tạo trẻ thì chắc chắn việc tuyển chọn những cầu thủ có chất lượng cho Việt Nam tham dự các đấu trường quốc tế là điều không thể.
Công tác đào tạo trẻ là nguồn chủ yếu cung cấp lực lượng kế cận cho đội tuyển quốc gia ở các cấp (Ảnh: Nam Nguyễn) |
Ở các nước trên thế giới, công tác đào tạo bóng đá trẻ rất được các CLB quan tâm do bị ràng buộc trách nhiệm cũng như thấy rõ quyền lợi và Liên đoàn bóng đá có vai trò, trách nhiệm định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ. Nhưng ở Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Liên đoàn bóng đá Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng trong việc chỉ đạo nhằm rằng buộc trách nhiệm của các CLB trong đào tạo cầu thủ trẻ., đồng thời nhiều CLB chuyên nghiệp không đáp ứng yêu cầu trong công tác này.
Bên cạnh đó, mặc dù Quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định các đội bóng chuyên nghiệp phải có trung tâm hoặc học viện bóng đá gồm các lứa U11, U13, U15, U17, U19 song thực tế việc thực hiện, đáp ứng quy định này không được thực hiện đầy đủ. Đã có những ý kiến cho rằng, nhiều đội bóng không đáp ứng quy định này hoặc làm theo kiểu đối phó nhưng vẫn được tham gia các giải thi đấu chuyên nghiệp.
Một phần nguyên nhân nữa khiến công tác đào tạo bóng đá trẻ gặp nhiều hạn chế là do cơ sở vật chất phục vụ bóng đá chưa được xây dựng và đầu tư trên khắp cả nước.
Ở các cường quốc bóng đá trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ bóng đá là một phần không thể thiếu trong việc đào tạo, phát triển bóng đá. Ngay cả những khu vực phục vụ cho việc phát triển bóng đá phong trào, bóng đá học đường cũng được quy hoạch và đầu tư hùng hậu.
Do vậy, công tác đào tạo bóng đá trẻ được xem là một trong những vấn đề cấp bách cần chú trọng phát triển trong thời gian tới đây.
Cần đẩy mạnh ở mọi mặt
Bước sang năm 2018, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã đưa ra những giải pháp cụ thể với mục tiêu nâng cao công tác đào tạo bóng đá trẻ.
Theo đó, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ tập trung vào việc mở rộng hệ thống thi đấu bóng đá trẻ từ U11 tới U21, tăng lượng trận đấu nhằm tạo sự cọ xát nhiều hơn cho các cầu thủ trẻ. Bên cạnh đó, VFF cũng mở nhiều khóa học bóng đá trẻ cho các HLV trẻ, các khóa học của AFC; Các khóa học HLV bóng đá chứng chỉ C,B, A của AFC, Khóa học đào tạo giảng viên HLV AFC, Khóa học HLV futsal cấp 2 AFC và mới đây nhất là khóa HLV bóng đá chuyên nghiệp AFC cũng được hoàn thành sau 26 tháng với 4 giai đoạn...
Tổng cục TDTT và VFF sẽ đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn trong việc ổn định hệ thống bóng đá trẻ (Ảnh: Nam Nguyễn) |
"Trong nhiệm kỳ qua, đã có khoảng 900 lượt HLV đã được đào tạo. Song song với công tác đào tạo HLV, VFF cũng huấn luyện hồi phục thể lực chuyên sâu hơn cho các HLV ở CLB, đầu tư cho các tài năng bóng đá trẻ ở các CLB thông qua tập huấn cho các đội tuyển quốc gia"- Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn cho biết.
Về mặt quy chế đào tạo trẻ đối với các CLB, trong thời gian tới đây, nhằm tránh tình trạng các đội bóng không đáp ứng quy định hoặc làm theo kiểu đối phó, Tổng cục TDTT và VFF sẽ đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn trong việc ổn định hệ thống bóng đá trẻ và đề nghị các ông chủ CLB tuân thủ nghiêm ngặt quy định.
Theo Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng: "Quy chế của VFF quy định các CLB phải dự ít nhất 4 giải bóng đá trẻ U11 tới U21 trong số 6 giải bóng đá trẻ hàng năm được tổ chức. Đội nào không tham gia đủ thì bị phạt 200 triệu/đội. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của các CLB trong việc đào tạo trẻ, bởi công tác này sẽ giúp các CLB phát triển ổn định và có tính truyền thống".
Bày tỏ sự mong mỏi trong công tác đào tạo trẻ, HLV trưởng ĐT nữ Quốc gia Mai Đức Chung giãi bày: "Muốn có được đội tuyển mạnh thì phải có được nền tảng là bóng đá trẻ. Đất nước còn khó khăn nên chưa thể so sánh với các nước bạn. Nhưng cái tôi muốn là mọi người phải nhìn thấy đây là điều quan trọng. Có những cái khắc phục được như không cần có sân, chỉ cần một mảnh đất là có thể đào tạo 1-2 VĐV được. Đấy là cái ham muốn và truyền đạt được của HLV và chúng ta cần HLV giỏi trong đào tạo trẻ. Chứ nếu chúng ta bỏ mặc đào tạo trẻ cho những người ham muốn bóng đá thôi mà không có trình độ, bằng cấp thì rất khó khăn".
Dù vậy, thực trạng hiện nay ở một số CLB còn gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính, kinh phí hoạt động cũng như chiến lược đầu tư cho phát triển bóng đá trẻ nên việc chỉ có 3,4 đội bóng trẻ không cho phép các CLB này tham gia đầy đủ các giải hàng năm. Chắc chắn, Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT và VFF sẽ có những quy chế phù hợp hơn để khuyến khích cũng như phát triển bóng đá trẻ trong thời gian tới đây.
Đăng Huy